Nợ công cao, chi trả nợ tăng nhanh hơn tăng trưởng kinh tế: Bộ Tài chính nói gì?

(Dân trí) - Mặc dù nợ công cao và áp lực trả lớn song theo đại diện Bộ Tài chính, trước nhu cầu đầu tư phát triển vẫn còn lớn, bội chi ngân sách vẫn còn cao (năm 2018 là 3,7%) nên vẫn phải tăng cường huy động nguồn vốn vay trong nước, nước ngoài.

Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây cũng lên tiếng cảnh báo Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có nợ công tăng nhanh nhất, và cho rằng nợ công Việt Nam sẽ vượt mức an toàn trong năm 2018.
Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây cũng lên tiếng cảnh báo Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có nợ công tăng nhanh nhất, và cho rằng nợ công Việt Nam sẽ vượt mức an toàn trong năm 2018.

Báo cáo đánh giá chi tiêu công của Việt Nam do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố đã chỉ ra nhiều vấn đề trong chi ngân sách hiện nay. Chẳng hạn như mức chi tăng cao, trong đó chi thường xuyên chiếm tỷ trọng ngày càng lớn (70% tổng chi ngân sách hàng năm và thậm chí có năm lớn hơn).

Cùng với chi nuôi bộ máy, chi trả nợ cũng ngày càng tăng và trở thành gánh nặng lớn cho NSNN. WB đánh giá, chi trả nợ gốc, lãi vay tăng nhanh hơn cả tăng trưởng kinh tế và đang tiệm cận ngưỡng an toàn.

Bên cạnh đó, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của Việt Nam tiếp tục tăng lên. Dù Chính phủ vẫn đảm bảo thanh toán trả nợ nhưng hệ số thanh toán trả nợ khá cao. Mặt khác lãi suất cho vay ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài tăng lên làm tăng chi phí huy động vốn và nghĩa vụ trả nợ.

Đại diện WB cho rằng, nếu xu hướng này vẫn tiếp diễn, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những quan ngại nghiêm trọng về bền vững tài khoá.

Tại buổi họp báo chuyên đề “Tăng cường kỷ luật, kỷ cương ngân sách nhà nước” chiều nay (25/5), đại diện Bộ Tài chính cho biết Bộ cơ bản đồng tình với nhận định của WB tại báo cáo chi tiêu công của Việt Nam về việc nợ công có xu hướng tăng cao trong một số năm vừa qua, đặc biệt là giai đoạn 2011-2015.

Bộ Tài chính thừa nhận nợ công tăng nhanh trong giai đoạn này chủ yếu do bội chi ngân sách Nhà nước còn cao. Trong khi đó Chính phủ vẫn phải huy động vốn trái phiếu cho các công trình, dự án trọng điểm.

“Trong điều kiện còn thâm hụt ngân sách thì đương nhiên nợ của Chính phủ sẽ tiếp tục tăng về giá trị tuyệt đối. Nghĩa vụ trả nợ gốc do đó cũng tăng lên. Mặt khác, trong giai đoạn 2011-2014, thị trường trái phiếu trong nước còn chưa phát triển, thanh khoản thị trường chưa cao nên Chính phủ phải huy động trái phiếu kỳ hạn ngắn, lãi suất cao dẫn đến áp lực trả lớn trong các năm 2015, 2016 và 2017”, đại diện Bộ Tài chính cho biết.

Bộ Tài chính cũng cho biết hoàn toàn đồng tình với nhận định tại báo cáo cả WB rằng mặc dù tỷ lệ nợ công của Việt Nam vẫn trong giới hạn được Quốc hội cho phép song nếu xu hướng tăng nợ công tiếp tục cao như một số năm vừa qua thì Việt Nam có thể phải đối mặt với những rủi ro về tính bền vững nợ.

Bằng việc triển khai nhiều biện pháp, đại diện Bộ Tài chính cho biết tỷ lệ nợ công/GDP tính đến cuối năm 2017 đã giảm. Dư nợ công đến năm 2017 ở mức 61,4%GDP, trong khi trước đó năm 2016 là 63,8%.

Mặc dù nợ công cao và áp lực trả lớn song theo đại diện Bộ Tài chính, trước nhu cầu đầu tư phát triển vẫn còn lớn, bội chi ngân sách vẫn còn cao (năm 2018 là 3,7%) nên vẫn phải tăng cường huy động nguồn vốn vay trong nước, nước ngoài.

Tuy nhiên đầu tư từ nguồn vay công chỉ tập trung cho các dự án quan trọng để từng bước kiểm soát tốc độ gia tăng dư nợ công thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế và tỷ lệ trượt giá.

Đồng thời tăng tỷ trọng chi đầu tư trong tổng chi ngân sách và giảm dự toán chi thường xuyên, tăng kỳ hạn vay, giảm lãi suất, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia.

Nguyễn Mạnh

Nợ công cao, chi trả nợ tăng nhanh hơn tăng trưởng kinh tế: Bộ Tài chính nói gì? - 2