1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

TP.HCM:

Những trò bẩn "cắt cổ" du khách ở Sài Gòn

(Dân trí) - Đi taxi có vài km bị tính đến 650 ngàn đồng, đưa thừa tiền nhưng tài xế không trả lại tiền dư mà đánh xe “chuồn thẳng”…đó là một vài trường hợp du khách đã phải “chịu trận” từ các dịch vụ “trên trời” tại TP.HCM.

Dịch vụ giá…“cắt cổ”

Một xe taxi chặt chém du khách bị lực lượng chức năng xử lí trước đó
Một xe taxi "chặt chém" du khách bị lực lượng chức năng xử lí trước đó

Chị Nguyễn Thị Thủy (40 tuổi ngụ P.11, Q. Gò Vấp) kể: “Khoảng 17h30 ngày 23/4, chị gọi một xe taxi 7 chỗ của một hãng taxi có tiếng tại Sài Gòn cho 4 người thân trong nhà đi từ đường Thống Nhất đến khách sạn Bình Vân số 89 Nguyễn Văn Lượng P.17, quận Gò Vấp (tổng quãng đường khoảng 2km). Khi thấy đoạn đường quá ngắn, tài xế taxi tên Thanh liền lên tiếng “Có 2km sao không đi bộ cho rồi, gọi taxi làm gì?”.

Thấy thái độ của tài xế Thanh khó chịu, chị Thủy liền tiếp lời: “Anh thông cảm vì người thân của tôi cao tuổi, không đi bộ được. Đến nơi chúng tôi sẽ hỗ trợ thêm ít tiền cho anh”. Khi đến nơi, bà Hồ Sư Phong (56 tuổi, Việt kiều Mỹ) nhìn đồng hồ tính cước thấy báo số tiền 24 ngàn đồng nên rút tờ 100 ngàn đồng ra trả nhưng tài xế xua tay nói “không đủ”. Bà Phong đành lấy tờ 500.000 đồng ra và yêu cầu trả lại tiền thừa.

Lúc này, tài xế Thanh chỉ trả lại cho bà Phong 25 ngàn đồng rồi nhấn ga bỏ chạy. “Khi sự việc xảy ra, tôi đã gọi điện lên tổng đài của hãng taxi đề nghị làm rõ sự việc nhưng sau nhiều lần hứa sẽ trả lời của nhân viên tổng đài thì sự việc vẫn chưa được sáng tỏ” – Chị Thủy khẳng định.

Cũng rơi vào cảnh đi taxi với giá “cắt cổ” là trường hợp của ông Atshushi Hirako (54 tuổi, quốc tịch Nhật Bản). Chiều 12/4, ông Hirako đón xe taxi của Hợp tác xã vận tải du lịch 27/7 về khách sạn Khải Hoàn trên đường đường 3/2 (phường 12, quận 1). Khi chiếc taxi mới chạy đến ngã tư CMT8 – Điện Biên Phủ (phường 7, quận 3) tài xế bất ngờ yêu cầu ông Hirako phải trả 650.000 đồng tiền cước.

Quan sát đồng hồ ông Hirako thấy số tiền chỉ là 65.000 đồng nên không chấp nhận và đòi xuống xe ngay trước nhà hàng Tràm Chim trên đường Điện Biên Phủ. Vừa ra khỏi taxi ông Hirako đã bị tài xế đấm thẳng vào mặt và lớn tiếng đe dọa nếu không trả đủ số tiền trên. Chỉ khi công an phường 7 (quận 3) đến giải quyết thì tài xế taxi lái xe bỏ đi.

Qua xác minh nhanh, cơ quan cảnh sát điều tra xác định tài xế tên Lê Minh Phương (35 tuổi, ngụ Q. Tân Bình) điều khiển xe taxi Deawoo Lanos mang biển kiểm  soát 51A – 429.80 thuộc Hợp tác xã vận tải du lịch 27/7.

Trước đó, tại TP.HCM cũng xảy ra các vụ taxi “chặt chém” du khách tương tự. Nạn nhân là hai du khách người Tây Ban Nha là Jose Angel Matas và Raquel Rviz. Hai du khách này đã bị một taxi “nhái” chở đoạn đường chỉ chừng 1 km nhưng bị tài xế “chém” gần 400.000 đồng. Vào cuộc các lực lượng chức năng đã bắt được chiếc taxi “chặt chém” khách nước ngoài này.

Thực tế, nhiều khách du lịch đến Việt Nam vẫn đang gặp phải vô số những kiểu “chặt chém” không nương tay của những người làm ăn bất chính, coi thường danh dự, nhân phẩm.

Cần có Cảnh sát du lịch?

Du khách nước ngoài luôn là miếng mồi ngon của nạn chặt chém
Du khách nước ngoài luôn là "miếng mồi ngon" của nạn "chặt chém"

Trước thực trạng nhiều khách du lịch đến với TP.HCM đã gặp phải những dịch vụ “trên trời” mà không biết cầu cứu ai. Nhiều giải pháp được đề ra, như cắt cử cảnh sát hình sự mặc thường phục tuần tra, thành lập các tổ săn bắt cướp…hay việc bố trí các đội bảo vệ du khách của xí nghiệp phục vụ công cộng (Công ty dịch vụ công ích TNXP) tuần tra trên các tuyến đường ở trung tâm TP.HCM.

Tuy nhiên, các lực lượng trên chủ yếu “đối phó” với bọn cướp giật hay các băng nhóm lửa đảo. Nạn “chặt chém” từ các dịch vụ công khai khác thường xuyên xảy ra nhưng do khả nặng hạn chế về ngoại ngữ, nghiệp vụ mà lực lượng được cắt cử tuần tra vẫn không thể xử lý triệt để.

Một số nước láng giềng như Thái Lan, Campuchia đã thành lập được lực lượng Cảnh sát du lịch (CSDL). Chẳng hạn tại Thái Lan, khi khách du lịch nước ngoài vừa đặt chân đến xử sở “Chùa Vàng”, Cảnh sát du lịch nước này đã đưa ra những phần mền nhằm giúp du khách có thể tìm kiếm được vị trí các địa điểm mình muốn đến kèm theo những gợi ý an toàn. Đặc biệt, khi du khách gặp những vẫn đề không an toàn, phần mềm ứng dụng sẽ giúp CSDL tìm đến vị trí của họ một cách nhanh chóng nhất để giải quyết mọi vấn đề.

Vậy du lịch tại Việt Nam đã đến lúc cần có CSDL? Theo ông Lã Quốc Khánh - Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP.HCM, việc thành lập lực lượng CSDL đã được nghĩ tới nhưng cho đến giờ vẫn chưa thể triển khai do ngành công an không thể quyết định mà phải có sự bàn bạc và quyết định trước Quốc hội.

Du khách nước ngoài luôn là miếng mồi ngon của nạn chặt chém
Lực lượng Thanh niên xung phong - Trật tự viên du lịch dù rất nhiệt tình nhưng vì nhiều yếu tố khách quan mà không thể ngăn chặn nạn "chặt chém" du khách 

“Lực lượng Thanh niên xung phong tại TP.HCM chỉ là bán chuyên nghiệp nên không được sử dụng các công cụ hỗ trợ trong những tình huống khẩn cấp. Đồng thời không được học hành về chuyên môn mà chủ yếu là tự huấn luyện nên chủ yếu vẫn là hỗ trợ du khách” – Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP.HCM nhìn nhận.

Ông Khánh cho rằng Việt Nam nên thành lập lực lượng cảnh sát du lịch. Các nước như Thái Lan hay Capuchia đều đã thành lập lực lượng này, nên du khách khi đi du lịch ở hai nước này rất an toàn. Như Thái lan, mỗi năm nước này đón hơn 18 triệu lượt khách quốc tế nhưng rất hiếm khi du khách bị chặt chém hay xảy ra nạn chèo kéo, cướp giật. Rõ ràng, khi sang Thái Lan, du khách sẽ cảm thấy an toàn vì khi xảy ra xự cố, du khách cũng được tiếp nhận vụ việc cũng như xử lý tốt hơn.

Theo khuyên cáo của Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội  (PC45) công an TP.HCM, trong khi chưa có lực lượng CSDL, trước mắt các công ty du lịch tại TP.HCM nên nâng cao tinh thần trách nhiệm với khách của mình, cảnh báo cho du khách về các trò lừa đã xảy ra. Nếu có nghi vấn về những đối tượng nhắm đến du khách "chặt chém" nên báo cho Hiệp hội du lịch trên địa bàn và chuyển thông tin đến công an thành phố để kịp thời cảnh báo và xử lý.

Trung Kiên