Minh bạch từ cái chân bàn, làng nghề gỗ hẵng nghĩ tới việc phát triển

(Dân trí) - Hiện nay, các sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế đều yêu cầu truy xuất nguồn gốc và các sản phẩm lâm sản cũng không phải ngoại lệ. Tương tự như thuỷ sản, nếu không thể truy xuất được nguồn gốc thì rất có thể sẽ bị tình trạng tương tự, đó là hạn chế xuất khẩu. Hoặc có thể là cấm xuất khẩu.

Đó là khẳng định của ông Võ Đình Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ kinh tế ngành, Văn phòng Chính phủ tại hội thảo “Làng nghề gỗ trong bối cảnh hội nhập” diễn ra sáng nay (19/1) tại Hà Nội.

Minh bạch từ cái chân bàn, làng nghề gỗ hẵng nghĩ tới việc phát triển - 1

Trước thực trạng đó, ông Tuyên đã chỉ ra một số cách quản lý mới, ông nói: “Trước đây chúng ta kiểm soát theo sản phẩm gỗ. Nhưng giờ đây chúng ta kiểm soát theo đối tượng kinh doanh, chế biến, vận chuyển,...các sản phẩm gỗ đó.”

“Qua các báo cáo thì kiến nghị của Hiệp hội về chính sách của Nhà nước chưa được nhiều. Nhưng trong năm 2018, sẽ cần lấy thêm ý kiế,n phải hoàn thiện các cơ chế chính sách để thực hiện sửa đổi Luật Nông nghiệp”, ông Tuyên nói.

Trước mắt, có 4 Nghị định cần hoàn thiện: Nghị định quy định một số điều để thực hiện Luật Nông nghiệp; Xử phạt hành chính trong nông nghiệp; Về các loài nguy cấp, quý hiếm và cuối cùng là Nghị định về kiểm lâm.

Đó là 4 Nghị định trọng yếu và xuyên suốt năm 2018, vì thế ông Tuyên đề nghị: “Các làng nghề, các DN khi các dự thảo được đưa lên trên mạng thì đề nghị quý vị tham khảo và tham gia trực tiếp vì chính các DN ngồi đây là đối tượng tượng thực hiện của các Nghị định đó.”

“Đừng để đến lúc ban hành rồi mới nói là chúng tôi chưa được tham gia ý kiến, như vậy là làm khó cho Chính phủ”, ông Tuyên khẳng định.

Thực trạng tại các làng nghề đồ gỗ

Khó khăn chưa được giải quyết hiện nay ở nhiều làng nghề chưa giải quyết được theo ông Tuyên là do chưa có đăng ký kinh doanh. Cần đăng ký hợp pháp để tất cả mọi vấn đề đều minh bạch, đừng nghĩ là xuất khẩu thì mới cần minh bạch, còn trong nước thì không cần minh bạch.

“Một cái bàn sản xuất ra cần chứng minh được nguồn gốc gỗ, cái chân lấy ở đâu, cái mặt lấy ở đâu. Khi minh bạch được như vậy thì ai cũng sẽ thấy yên tâm”, ông Tuyên nói.

Một câu chuyện nữa, theo ông Tuyên, đó là: “Các làng nghề của chúng ta đang thiếu rất cơ bản việc đào tạo công nhân lành nghề cho làng nghề. Qua khảo sát làng nghề Đồng Kỵ có truyền thống lâu đời, tôi thấy rằng, ngoài việc tồn tại làng nghề còn phải bảo tồn nghề đó.”

“Bảo tồn nghề truyền thống sẽ bảo tồn được sinh kế cho người dân. Và sau này, các sản phẩm của người dân mang thương hiệu Việt xuất ra thế giới cần phải hiện đại hoá, chuyên môn hoá. Chứ không nghĩ đơn giản chỉ sản xuất ra hàng hoá đó, còn bán được hay không thì chưa biết”, ông Tuyên chia sẻ thêm.

Khá nhiều DN tha thiết đề xuất về mặt bằng kinh doanh, tuy nhiên, Phó Vụ trưởng Vụ kinh tế ngành, Văn phòng Chính phủ cho rằng: “Thực trạng về cơ sở vật chất, tất cả câu chuyện về mặt bằng, xin địa điểm là của UBND các cấp chứ không phải của Nhà nước.”

“Tuy nhiên, các làng nghề cũng nên kiến nghị xem thực trạng hiện nay ra sao, các làng nghề đang cần gì. Bởi hiện nay, khi vào làng nghề Đồng Kỵ, bụi mù mịt và có nhiều mùi khó chịu. Người không sản xuất gỗ cũng phải chịu cái đó. Vì thế, việc chuyển ra một nơi riêng là cần thiết”, Phó Vụ trưởng khẳng định.

Thực trạng thứ 4 được chỉ ra hiện nằm ở chuỗi sản phẩm, các làng nghề còn nằm rải rác ở các nơi chứ không có sự liên kết giữa sản xuất và nguồn nguyên liệu. Trong khi Lào đang cấm xuất khẩu gỗ tròn và Campuchia cũng tương tự.

Và đặc biệt theo ông Tuyên: “Trong thời gian tới tại các biên giới, không dễ dàng cho các loại gỗ đó đi qua.”

Từ những thực trạng trên, Phó Vụ trưởng Vụ kinh tế ngành, Văn phòng Chính phủ, ông Võ Đình Tuyên đưa ra một số giải pháp cho các bên, theo đó: “Các DN nên có cách điều chỉnh về nguyên liệu như thế nào cho hợp lý nói chung và kiến nghị những điều chỉnh tổng quan nói chung để Nhà nước ra chính sách. Cách làm như vậy mới có thể giải quyết được vấn đề.”

“Tôi đồng ý với các giải pháp hoàn thiện cơ chế chính sách. Nhưng bên cạnh đó, các làng nghề truyền thống phải xây dựng được sản phẩm mà của mình có, người khác không có.

Khi có những sản phẩm đặc thù thì cơ chế chính sách sẽ có ưu đãi riêng cho từng làng nghề”, ông Tuyên nói.

“Tôi đang rất cần các làng nghề cung cấp những thông tin này để tới đây xây dựng 4 Nghị định. Đó như là cây gập chống để tìm đường đi. Đó là những việc có lợi cho Nhà nước khi các DN, các làng nghề phát triển, bán được sản phẩm sẽ đem lại giá trị gia tăng cho đất nước”, ông Võ Đình Tuyên khẳng định.

Thế Hưng

Minh bạch từ cái chân bàn, làng nghề gỗ hẵng nghĩ tới việc phát triển - 2