Huế đầu tư hơn 40 tỷ đồng phát triển ngành mây tre

(Dân trí) - Ngày 2/1, tin từ UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết vừa ban hành kế hoạch về việc phát triển ngành mây tre trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017- 2020. Tổng nhu cầu vốn phát triển ngành mây tre tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn này là 40,4 tỷ đồng.

Theo đó, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ phấn đấu từ năm 2017 đến năm 2020 tạo vùng nguyên liệu mây, tre do trồng mới tối thiểu 1.500 ha mây và 500 ha tre các loại, cả tập trung và phân tán; Bảo vệ và khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên tối thiểu 3.000 ha mây các loại; Củng cố và phát triển các loại hình sản xuất tiểu thủ công nghiệp hàng mây tre.

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, làng nghề sản xuất hàng mây tre nhằm phát huy các giá trị về kinh tế, văn hóa, sinh thái, môi trường của làng nghề cũng như thúc đẩy hình thành thị trường hàng mây tre, nhằm phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu, hỗ trợ phát triển du lịch, gắn với tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xây dựng nông thôn mới.

Huế đầu tư hơn 40 tỷ đồng phát triển ngành mây tre - 1
Nhiều sản phẩm mây, tre xuất phát từ Huế
Nhiều sản phẩm mây, tre xuất phát từ Huế

Kế hoạch triển khai chủ yếu ở địa bàn 2 huyện miền núi Nam Đông và A Lưới và một số xã miền núi thuộc huyện Phong Điền, huyện Phú Lộc, thị xã Hương Trà, thị xã Hương Thủy; thí điểm các mô hình phát triển mây tre ở huyện Quảng Điền.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế khuyến khích các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư tham gia phát triển rừng và chế biến mây tre theo hướng bền vững và lâu dài. Tổng nhu cầu vốn phát triển ngành mây tre tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2017-2020 là 40,4 tỷ đồng.

Du khách hào hứng đến với làng mây tre Bao La, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế
Du khách hào hứng đến với làng mây tre Bao La, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế

Ngoài ra, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng ban hành kế hoạch phát triển rừng gỗ lớn giai đoạn 2017-2020 với số vốn đầu tư là 243 tỷ đồng. Tổng diện tích đưa vào kế hoạch phát triển gỗ lớn giai đoạn trên là 13.000 ha, trong đó phát triển 9.000 ha gỗ lớn rừng sản xuất và phát triển 4.000 ha gỗ lớn rừng phòng hộ, đặc dụng.

Văn Dinh - Đại Dương