Ham voucher nghỉ dưỡng giảm giá: Cay đắng mất trắng chục triệu
Với mức giá rẻ, voucher nghỉ dưỡng được nhiều người săn lùng. Tuy nhiên, nếu không tìm hiểu kỹ về các điều khoản, những voucher có giá hàng chục triệu đồng có nguy cơ trở thành tờ giấy không có giá trị.
Trên nhiều diễn đàn, thị trường mua bán các loại voucher rất sôi động. So với mức giá niêm yết của chủ đầu tư này thì giá được các thành viên rao bán rẻ hơn nhiều. Đơn cử, một đêm nghỉ dưỡng phòng Deluxe Hill View dành cho 2 người và 3 bữa tại Nha Trang có giá niêm yết 5,2 triệu đồng. Trong khi đó, nhiều trang rao bán mức giá chỉ 4,3 triệu đồng.
Tại một dự án ở Thanh Hóa, giá khách sạn công bố là 4,75 triệu đồng/voucher nghỉ dưỡng 3 ngày 2 đêm thì có người đưa ra mức giá rẻ hơn nhiều, chỉ từ 2,9 triệu đồng, thậm chí chỉ còn 2,7 triệu đồng/voucher nếu mua số lượng nhiều.
Có nhu cầu đi nghỉ dưỡng Phú Quốc vào tháng tư tới, chị Bích Hà (quận Đống Đa, Hà Nội) đang tìm hiểu mua voucher biệt thự tại một khu nghỉ dưỡng cao cấp. Theo giới thiệu của người bán trên mạng, voucher biệt thự 2 phòng ngủ, bao gồm ăn cả ba bữa có giá 13 triệu đồng - mức khá rẻ so với giá niêm yết trên trang web chính thức của đơn vị quản lý vận hành khu nghỉ dưỡng này.
Người bán cho biết, do là đối tác của khu nghỉ dưỡng nên được tặng Voucher. Không có nhu cầu nghỉ dưỡng nên họ bán lại cho những người có nhu cầu với mức giá rẻ hơn. Tuy nhiên, khi được hỏi mua thêm voucher, người bán vẫn có thể đáp ứng đủ nhu cầu. Người bán có rất nhiều loại voucher nghỉ dưỡng như villa 2-3 phòng ngủ, căn hộ, phòng khách sạn của cùng một chủ đầu tư tại nhiều khu vực như Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long.
Điều mà chị Hà lăn tăn là chị chưa nắm rõ các điều khoản trên voucher . “Mình có nghe thông tin, đơn vị quản lý hiện đã dừng đặt phòng với các voucher không chính chủ từ tháng ba. Nếu bỏ tiền ra mua 3 voucher như nhà mình tổng cộng lên tới hơn 30 triệu đồng. Mua xong mà không đặt được thì mất trắng”, chị Hà thắc mắc.
Theo tìm hiểu, chính sách đặt phòng với các voucher nghỉ dưỡng đối với các khách không phải chính chủ đã dừng từ 1/3. Theo đó, những khách hàng mua voucher phải được chính chủ đăng ký đặt hộ mới có thể sử dụng được. Như vậy, nếu chị Hà mua voucher không phải của chính chủ thì nhiều khả năng voucher đó sẽ không đặt được phòng.
“Hiện nay, nhiều người ham voucher giá rẻ mà không để ý tới các điều kiện này nên rất dễ bị mất tiền oan. Nhất là những voucher được mua đi bán lại qua nhiều người khác nhau nên không thể tìm được ai là chính chủ để nhờ người đó đặt phòng hộ”, chị Hà nói.
Cẩn trọng khi mua Voucher
Đại diện đơn vị quản lý và vận hành khu nghỉ dưỡng xác nhận dừng đặt các voucher nghỉ dưỡng từ 1/3. Trước đây, voucher được phát hành dành riêng cho các chủ căn biệt thự. Nhưng do không có nhu cầu, họ đã bán ra ngoài.
Cần đọc kỹ những quy định voucher để tránh mất tiền oan
Tuy nhiên, điều này làm phát sinh một số rắc rối. Chính vì thế, hiện nay, để đảm bảo vận hành, voucher bán ra chỉ dành cho các đối tác đó. Nếu bán ra ngoài, họ phải trực tiếp đặt phòng với khách hàng để đảm bảo quyền lợi.
Nhân viên này cũng cảnh báo người mua cần đọc kỹ những điều khoản cụ thể trên voucher và những quy định của khu nghỉ dưỡng để đảm bảo quyền lợi khi mua các voucher đang bán tràn lan trên thị trường. “Người mua có thể gọi điện trực tiếp với chúng tôi để được tư vấn”, vị đại diện này cho hay.
Thực tế, voucher các khu nghỉ dưỡng, khách sạn được nhiều người ưu chuộng do mức giá rẻ hơn so với niêm yết khi đặt trực tiếp. Nhưng, trên đó đều có những điều khoản cụ thể, được ghi rõ như không chuyển nhượng hay các thông tin về thời gian nghỉ, các chính sách đi kèm, phụ thu,... nếu người mua không tìm hiểu kỹ rất dễ bị thiệt hại.
Anh Nguyễn Quang Huy, đại diện một đơn vị du lịch, cho biết, các chủ khách sạn, khu nghỉ dưỡng hạn chế voucher do một lượng khách lớn sẽ tập trung đặt vào một thời điểm nhất định, dẫn tới quá tải. Trong khi đó, các đơn vị này có thể tăng giá bán để bù lại việc trống phòng vào thời gian thấp điểm.
Ngoài ra, ông Huy cũng khuyên người mua cẩn trọng trước những quy định của voucher, không vì ham rẻ mà chịu thiệt. Ông Huy dẫn chứng, nhiều voucher sẽ bị tính thêm phụ phí, như đi vào cuối tuần hay thêm trẻ em. Như vậy, so với giá niêm yết của khách sạn, khu nghỉ dưỡng thì giá của voucher cũng không rẻ hơn nhiều. Hay trường hợp có loại voucher chỉ được đặt một lần, khách có nhu cầu đổi ngày không được chấp nhận.
Với những rủi ro gặp phải khi mua voucher, theo đại diện của khách sạn cũng như đại lý du lịch, người mua cần phải tìm hiểu kỹ lưỡng để tránh gặp phải tình trạng mất tiền oan.
Theo Nam Hải
VietnamNet