Dừng giải ngân gói 30.000 tỷ đồng: "Đừng hết hạn là xong!"
(Dân trí) - “Theo tôi, Chính phủ, NHNN cần xem lại các cơ chế ưu đãi và khuyến khích mô hình gói 30.000 tỷ đồng theo hướng tạo mọi điều kiện cho người dân được tiếp cận với nguồn vốn và lãi suất hợp lý. Gói 30.000 tỷ nên giải ngân bất kể lúc nào với lãi suất ưu đãi, chứ đừng hết hạn là xong", Chuyên gia kinh tế, T.S Bùi Kiến Thành đề nghị.
Đến ngày 1/6/2016 gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng sẽ chính thức dừng giải ngân sau 36 tháng triển khai hỗ trợ thị trường bất động sản. Điều này cũng đồng nghĩa với các ưu đãi, cơ chế đặc thù của khoản vay dành cho người nghèo sẽ chấm dứt.
Trong đó, đáng nói nhất là lãi suất 5%/năm cho người thu nhập thấp vay sẽ không còn, người mua nhà sẽ phải trả lãi vay theo lãi suất thỏa thuận được quy định trong Thông tư 11/2013 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Đây là điều khiến giới chuyên gia kinh tế lo ngại hệ quả xấu có thể xảy ra đối với mục đích gói hỗ trợ và người dân.
Có hay không bẫy người nghèo?
Cụ thể tại Thông tư 11/2013 của NHNN. “Dù khách hàng bắt đầu ký gói 30.000 tỷ đồng từ trước 1/6/2016, nhưng nếu khoản tiền được giải ngân sau ngày này thì sẽ theo lãi suất thỏa thuận với ngân hàng”
Theo chuyên gia kinh tế, T.S Bùi Kiến Thành: Về nguyên tắc NHNN thực hiện cơ chế lãi suất theo cơ chế thỏa thuận là đúng, nhưng nhìn tổng thể thì cần tạo điều kiện để người dân mua nhà, có nhà ở, chứ đừng đẩy người dân đến chỗ khốn cùng, phá sản. Nếu áp đặt đúng nguyên tắc, hết hạn gói vay, vốn giải ngân ra sẽ chịu mức lãi suất thương mại thì không chỉ người dân bị thiệt thòi, thậm chí các ngân hàng cũng phá sản.
T.S Thành khẳng khái: "Từ khi ra đời năm 2013 đến nay, gói 30.000 tỷ đồng đã có rất nhiều bất cập từ lãi suất vay lên 6,5%/năm, đến thời gian vay chỉ 10 năm, số ngân hàng tham gia chỉ một vài ngân hàng hay tiến độ quá chậm chạp... Sau này, khi có tiếng nói của nhiều chuyên gia, gói này mới được triển khai mạnh mẽ. Tuy nhiên, đến nay nó lại vấp phải vấn đề gai góc nhất, mà việc giải quyết chỉ mang tính kỹ thuật của cơ quan nhà nước".
Theo ông Thành, Chính phủ, NHNN cần xem lại các cơ chế ưu đãi và khuyến khích mô hình gói 30.000 tỷ đồng theo hướng tạo mọi điều kiện cho người dân được tiếp cận với nguồn vốn và lãi suất hợp lý. Gói 30.000 tỷ đồng nên giải ngân bất kể lúc nào với lãi suất ưu đãi, chứ đừng hết hạn là xong. Như vậy, chắc chắn gói 30.000 tỷ đồng sẽ để lại nhiều hệ lụy hơn là tính xã hội hóa của nó.
"Đây là gói tín dụng dành cho người thu nhập thấp, người nghèo trong xã hội có nơi an cư, lạc nghiệp. Họ chỉ có chừng ấy tiền, nên chỉ có thể trả được mức lãi suất như vậy. Nếu trả cao hơn, họ sẽ lâm vào cảnh khốn cùng, trở thành nạn nhân của trò chơi tín dụng. Chúng ta cần học hỏi, rút kinh nghiệm từ các nước, đừng đẩy khó cho người dân”, ông Thành nhấn mạnh.
Về vấn đề này, theo ông Lê Hoàng Châu, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) bình luận: “Việc đưa lãi suất ban đầu thấp, sau đó nâng dần lên cao là cái bẫy cực kỳ nguy hiểm đối với người vay tiền, điều này các ngân hàng và chủ đầu tư phải được cảnh báo cho người dân. Nếu người đi vay mua nhà không có khả năng chi trả, bị vỡ nợ, hợp đồng mua nhà bị phá vỡ, hợp đồng cho vay cũng không thể trả lại được, sẽ biến thành nợ xấu", ông Châu nói.
Còn trên 12.000 tỷ đồng cần giải ngân
Trên thực tế, theo báo cáo của Bộ Xây Dựng, số tiền cam kết hợp đồng vốn giữa ngân hàng và cá nhân gói 30.000 tỷ đồng tính hết năm 2015 là gần 27.000 tỷ đồng, (đạt hơn 90% kế hoạch). Nhưng tiến độ giải ngân mới chỉ đạt 17.700 tỷ đồng (chỉ đạt 59%) mục tiêu, còn 12.000 tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm 2016, trước khi hết hạn của gói 30.000 tỷ đồng, sẽ còn 3.000 tỷ đồng cần được các ngân hàng lập hồ sơ và tiến độ giải ngân thực tế còn hơn 12.000 tỷ đồng nữa.
Theo nhiều chuyên gia tài chính và giới địa ốc, để vốn giải ngân thực tế 6 tháng đạt hơn 12.000 tỷ đồng, cộng thêm phải lập hợp đồng vay và giải ngân số tiền còn lại 3.000 tỷ đồng cho hết gói 30.000 tỷ đồng là quá khó với ngân hàng. Cái khó này chắc chắn phần thiệt sẽ về tay người dân.
Theo ông Châu, nếu đến ngày 1/6/2016 mà người vay chưa được giải ngân hoặc mới chỉ được giải ngân một phần thì họ sẽ lâm vào hoàn cảnh khốn cùng, không biết xoay xở như thế nào để có tiền mua nhà. Còn nếu vay lãi suất thương mại, giả định được vay với lãi suất khoảng trên dưới 10%/năm là gánh nặng khó kham nổi. Nếu vay ngoài xã hội, thậm chí vay tín dụng đen thì hệ quả khó lường.
“Chúng tôi đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo cơ chế để xử lý các trường hợp này, cho phép các NH được tiếp tục giải ngân các trường hợp đã ký hợp đồng vay gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng nhưng chưa được giải ngân, hoặc chỉ mới được giải ngân một phần được giải ngân đến hết hợp đồng. Đề nghị NHNN cho giải ngân hết gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng (không ấn định thời hạn) để tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, cán bộ lực lượng vũ trang và người thu nhập thấp đô thị tạo lập nhà ở”, ông Châu nêu quan điểm.
Nguyễn Tuyền