Doanh nghiệp quảng cáo than phải "đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên" với cơ quan quản lý

(Dân trí) - Hiệp hội doanh nghiệp quảng cáo cho biết, theo phản ánh của các doanh nghiệp quảng cáo, tình trạng gây khó, sách nhiễu, tiêu cực… trong lĩnh vực quảng cáo ở Hà Nội khá phổ biến. Tiếp xúc với các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp đều phải thực hiện phương châm “đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên”, nếu trái ý thì “hãy đợi đấy”.

Doanh nghiệp quảng cáo than phải "đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên" với cơ quan quản lý - 1

Đầu tháng 8 vừa qua, UBND thành phố Hà Nội đã có Chỉ thị 16/CT-UBND về tăng cường công tác quản lý nhà nước trong hoạt động quảng cáo trên địa bàn thành phố Hà Nội. Theo đó, Sở Văn Hóa - Thể thao - Du lịch Hà Nội đã công bố quyết định tháo dỡ toàn bộ 190 biển quảng cáo, trị giá khoảng 190 tỷ đồng tiền xây dựng chưa được quy hoạch hoặc cấp phép xây dựng. Sau khi tháo dỡ, Hà Nội sẽ quy hoạch lại mạng lưới các biển quảng cáo ngoài trời.

Trên thực tế, thời gian qua, các biển quảng cáo tự phát mọc lên khi chưa có quy hoạch phần nào gây mất thẩm mỹ đô thị, ảnh hưởng đến an toàn giao thông. Tuy nhiên, quyết định trên cũng khiến nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo ngoài trời cảm thấy không thoả đáng.

Đại diện một doanh nghiệp cho biết: "Giám đốc Sở Văn Hóa - Thể thao - Du lịch có tiết lộ sau khi dẹp các biển quảng cáo chưa được quy hoạch sẽ quy hoạch lại biển quảng cáo và thực hiện đấu thầu quảng cáo. Tuy nhiên, một số các đơn vị quảng cáo bị thiệt hại do quy hoạch lại có ý kiến liệu việc đấu thầu trên có được dàn xếp trước cho 1 đơn vị hay được chia cho nhiều đơn vị thực hiện".

"Nếu việc trúng thầu do đơn vị chưa hề có tên trong làng quảng cáo ngoài trời thực hiện thì các đơn vị quảng cáo hiện nay mất trắng, hàng trăm đơn vị trên bờ vực phá sản, hàng ngàn lao động mất việc làm, ngành quảng cáo ngoài trời lao đao trong thời gian dài mới có thể khôi phục lại", vị này cho biết.

Hay theo một đại diện khác, ngành quảng cáo ngoài trời đang phải đối mặt với nhiều khó khăn như: mưa bão hay chính sách lập lờ.

"Mưa bão lớn có thể làm đổ hàng loạt biển quảng cáo, mỗi biển trị giá cả tỷ đồng khiến các đơn vị quảng cáo phải đối phó với nhiều vấn đề xây dựng lại, đền bù hợp đồng cho các đối tác thuê…. Bên cạnh đó, chính sách thay đổi của Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch lúc cấp phép lúc tạm ngừng cấp phép thế là lại phải giải thích với các doanh nghiệp đối tác là không có phép vì tự nhiên Sở không cấp hoặc ngừng hợp đồng với khách hàng hoặc đền bù vi phạm…", vị này cho biết thêm.

Trước các kêu cầu khẩn cấp của hội viên và doanh nghiệp quảng cáo trên địa bàn Hà Nội, Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam vừa có công văn gửi ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội về việc thực thi Chỉ thị 16/CT-UBND. Theo đó, Hiệp hội này cho rằng, cần phân tích một cách sâu sắc và toàn diện hơn về nguyên nhân của tình trạng vi phạm quảng cáo còn phổ biến ở Hà Nội.

Qua khảo sát thực tế, Hiệp hội cho rằng, thành phố đã chậm chễ trong việc xây dựng và ban hành quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bàn. Về mặt pháp lý, thành phố chưa thực hiện đúng Điều 38 Luật Quảng cáo (có hiệu lực từ 1/1/2013) quy định cho UBND cấp tỉnh có trách nhiệm “xây dựng và phê duyệt quy hoạch quảng cáo ngoài trời tại địa phương trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày luật có hiệu lực”.

Trên thực tế nhiều tỉnh chưa làm quy hoạch mới nhưng phần lớn vẫn cho các quảng cáo đã nằm trong quy hoạch cũ được tiếp tục thực hiện đến khi có quy hoạch mới ban hành hoặc được bổ sung làm mới nếu xét thấy đề án phù hợp quy định đang xây dựng. Nhờ đó, hoạt động quảng cáo ở hầu hết các địa phương được diễn ra bình thường.

Theo Hiệp hội, riêng Hà Nội vẫn còn hạn chế các doanh nghiệp. Việc thành phố chậm ban hành quy hoạch nhưng lại không tiếp nhận hồ sơ thông báo sản phẩm dẫn đến hệ quả là một số doanh nghiệp phải ngừng hoạt động vì không xin được phép hoặc thoả thuận của cơ quan quản lý. Hoặc phần lớn doanh nghiệp đã tìm cách phá rào, chấp nhận vi phạm, chịu phạt, chịu bị xử lý để duy trì công ăn việc làm cho đội ngũ nhân viên.

Đó là còn chưa kể tới khá nhiều doanh nghiệp mới ra đời cũng nhảy vào lĩnh vực quảng cáo, nhân cơ hội chưa có quy hoạch để làm ăn chụp giật, bất chấp quy định. Đối tượng này là thủ phạm chính trong việc gây nên tình trạng lộn xộn về quảng cáo hiện nay.

Một số ban ngành, đặc biệt là cấp quận, huyện, sẵn quyền được cấp phép xây dựng công trình quảng cáo lại được phân công lập quy hoạch xây dựng các điểm cổ động chính trị trên địa bàn, không chờ đến quy hoạch chung đã cấp thoả thuận cho một số doanh nghiệp xây dựng rất nhiều bảng mang danh nghĩa phục vụ tuyên truyền nhiệm vụ chính trị trên địa bàn nhưng thực chất để làm quảng cáo, góp phần làm cho tình hình quảng cáo thêm lộn xộn.

Hiệp hội cũng cho biết, theo phản ánh của các doanh nghiệp quảng cáo, tình trạng gây khó, sách nhiễu, tiêu cực… trong lĩnh vực quảng cáo ở Hà Nội khá phổ biến. Tiếp xúc với các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp đều phải thực hiện phương châm “đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên”, nếu trái ý thì “hãy đợi đấy”.

“Chỉ thị 16 của UBND thành phố không đề cập đến vấn đề này khi đánh giá tồn tại nên cũng không đưa ra biện pháp xử lý. Tuy vậy, Hiệp hội cho rằng đây là một nguyên nhân khá quan trọng khiến tình trạng vi phạm trong hoạt động quảng cáo trên cả nước nói chung và đặc biệt của Hà Nội nói riêng rất khó giải quyết nếu các hiện tượng tiêu cực không được ngăn chặn, giải quyết rốt ráo”, văn bản nêu rõ.

Ngoài ra, đại diện các doanh nghiệp quảng cáo còn cho rằng, thủ tục hành chính trong lĩnh vực này chưa được cải cách mạnh mẽ, còn chồng chéo, thậm chí viện dẫn sai lệch với văn bản quản lý của cấp trên.

Theo Hiệp hội, tài sản (bảng, biển) của các doanh nghiệp rất bị coi rẻ, mặc dù trung bình mỗi bảng cũng phải 700-800 triệu đồng nhưng nhiều khi bị trưng dụng một cách ồ ạt, quá mức cần thiết, thậm chí còn có nguy cơ bị tháo dỡ không thương tiếc, làm ảnh hưởng không ít đến kinh tế, kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Chính vì vậy mà các doanh nghiệp nản lòng, mất niềm tin, không thể chờ sự ban phát của cơ quan quản lý nên đã tự bung ra làm ảnh hưởng đến trật tự thành phố.

Do đó, Hiệp hội này đề xuất nên phân loại và có mức độ, lộ trình xử lý khác nhau. Cụ thể, có thể giữ lại với loại bảng nằm trong quy hoạch cũ và Sở đang tạm ngừng tiếp nhận hồ sơ để chờ quy hoạch mới thì có thể giữ lại; loại bảng đã được các sở, ban, ngành, quận huyện cho phép xây dựng dưới hình thức xã hội hoá để phục vụ chính trị kiêm quảng cáo; và loại bảng nằm trong khuôn viên thuộc quyền sử dụng của các trung tâm thương mại, nhà ga, bến xe… Chỉ nên xử lý triệt để với loại bảng do doanh nghiệp làm chui, chộp giật, đánh lẻ, bất chấp quy định.

Phương Dung