1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Cuộc chiến taxi truyền thống - công nghệ: Rủi ro nhiều hơn lợi ích?

(Dân trí) - Grab, Uber từ khi thí điểm tại Việt Nam giúp người dân có thêm sự lựa chọn với chất lượng dịch vụ và giá cước tốt hơn, đồng thời buộc taxi truyền thống phải tự đổi mới. Tuy nhiên, về mặt pháp lý, xã hội, sau hai năm thí điểm, vẫn còn một số bất cập cần phải tiếp tục hoàn thiện.

Có một khoảng trống pháp lý nhất định

Đề án thí điểm kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng theo Quyết định 24 của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) với thời gian 2 năm đã hết từ ngày 31/12/2017. Căn cứ vào kiến nghị của các Sở và kinh nghiệm một số nước trên thế giới, Bộ Giao thông Vận tải đã đề nghị Thủ tướng cho phép các đơn vị cung cấp phần mềm và doanh nghiệp hợp tác xã vận tải đang tham gia thí điểm tiếp tục kéo dài hoạt động theo quy định tại Quyết định số 24 cho đến khi Nghị định thay thế Nghị định số 86/2014 có hiệu lực (trong đó có nội dung quy định đối với hợp đồng vận tải điện tử, đảm bảo công bằng, minh bạch giữa các loại hình vận tải); đồng thời giao cho các tỉnh, thành phố quyết định số lượng đầu xe được tham gia thí điểm.

Các bộ ngành cũng đang đưa ra ý kiến của mình về cách thức quản lý loại hình taxi này và cũng đang trình để Chính phủ quyết định.

Sau hai năm kể từ ngày 7/1/2016, ngoài hai ứng dụng của Công ty TNHH Uber Việt Nam (Uber) và Công ty TNHH GrabTaxi (Grab Car) còn có 8 đơn vị khác tham gia Đề án thí điểm kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng theo Quyết định 24 của Bộ GTVT bao gồm: Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (V.Car), Công ty CP Vận tải 57 Hà Nội (Thanh Cong Car), Công ty CP Sun Taxi (S.Car), Công ty CP Phát triển Thương mại và Du lịch quốc tế Ngôi Sao (Vic.Car), Công ty CP Hợp tác đầu tư và Phát triển (Home Car), Công ty CP Tập đoàn Mai Linh (Mai Linh Car), Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Linh Trang (LB.Car), Công ty TNHH Phúc Xuyên (Emddi-Quảng Ninh).

Theo Luật sư Nguyễn Văn Trường (Đoàn Luật sư TPHCM), do hết thời gian thí điểm nên hoạt động kinh doanh của các hãng taxi này đang có một khoảng trống pháp lý nhất định và chắc chắn trong thời gian ngắn tới Chính phủ sẽ ban hành các quy định cần thiết để tiếp tục quản lý loại hình này.

Khi có "khoảng trống pháp lý", rủi ro sẽ đến với tài xế và khách hàng. Theo đó, nếu vẫn được ứng xử và quản lý như hiện nay thì tài xế không được hưởng các quyền lợi như tài xế của các hãng taxi truyền thống như: bảo hiểm xã hội, y tế, lương, thưởng, thời gian làm việc, nghỉ ngơi, chính sách đào tạo, giao tiếp, công đoàn, hiệp hội… Trong khi đó, xu hướng sắp tới, thuế cũng sẽ được quản lý nghiêm ngặt hơn và lúc đó tài xế sẽ thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế của mình, nếu không sẽ bị xử phạt hành chính/hình sự.

"Khi không được ứng xử như loại hình cung ứng phần mềm trong dịch vụ taxi thì giá cước sẽ tăng, có thể dịch vụ sẽ không tốt như trước nữa khi mà hoạt động này mang tính đại trà. Hành khách sẽ ít sự lựa chọn tối ưu hơn bây giờ", Luật sư Trường phân tích.


Grab, Uber từ khi thí điểm tại Việt Nam giúp người dân có thêm sự lựa chọn với chất lượng dịch vụ và giá cước tốt hơn, đồng thời buộc taxi truyền thống phải tự đổi mới (Ảnh minh hoạ).

Grab, Uber từ khi thí điểm tại Việt Nam giúp người dân có thêm sự lựa chọn với chất lượng dịch vụ và giá cước tốt hơn, đồng thời buộc taxi truyền thống phải tự đổi mới (Ảnh minh hoạ).

Nên xem Uber, Grab là loại hình taxi

TS. Bùi Quang Tín, chuyên gia kinh tế đã chỉ ra một số bất cập của taxi công nghệ.

Theo đó, với số lượng cung xe công nghệ tăng quá nhanh đã khiến công tác quản lý nhà nước khó khăn hơn, tác động tiêu cực đến hạ tầng giao thông. Hiện cả nước đã có trên 50.000 xe được cấp phù hiệu xe hợp đồng từ 9 chỗ trở xuống đã phá vỡ mọi cơ cấu và quy hoạch vận tải của các địa phương.

Một bất cập "không hề nhẹ" là có sự cạnh tranh chưa công bằng giữa taxi công nghệ và taxi truyền thống. Nhiều doanh nghiệp vận tải không nằm trong đề án thí điểm vẫn có phần mềm để ký hợp đồng với tài xế. Taxi công nghệ đã đẩy nhiều hãng taxi Việt đi đến tình trạng giải thể hoặc phá sản khi chưa đầy 3 năm đã có tới 4 công ty giải thể sáp nhập và số xe bị khai tử vượt qua con số 3.000.

"Hiện Grab đang có một số dấu hiệu bất minh về vốn đầu tư và thuế. Grab vào Việt Nam đăng ký vốn 20 tỷ đồng, nay họ đã kêu lỗ tới 938 tỷ đồng. Uber cũng chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế theo số thuế truy thu gần 70 tỷ đồng của cơ quan thuế. Cần chỉ đạo khẩn trương xây dựng, sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật để xác định các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ này là các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải (tất nhiên là dịch vụ kiểu mới) và phải đáp ứng điều kiện nhất định về kinh doanh vận tải", TS Bùi Quang Tín nói.

Về giải pháp giảm bớt sự căng thẳng trong "cuộc chiến" taxi truyền thống - công nghệ cũng như quản lý tốt taxi công nghệ, TS Bùi Quang Tín cho rằng cần xem loại hình taxi công nghệ là loại hình taxi, chứ không phải là cung ứng phần mềm ứng dụng.

"Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh cần công bằng giữa các loại hình taxi. Các hãng taxi cần tiếp tục giảm giá và tăng cao dịch vụ, cắt giảm chi phí để mang lại lợi ích cho khách hàng", TS Bùi Quang Tín nói.

Công Quang

Cuộc chiến taxi truyền thống - công nghệ: Rủi ro nhiều hơn lợi ích? - 2