1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Bộ trưởng Xây dựng: Bất động sản còn tiềm ẩn rủi ro, bị lợi ích nhóm chi phối

(Dân trí) - Dù dự báo trong năm 2018 chưa có dấu hiệu biến động cực đoan lớn của thị trường bất động sản nhưng Bộ trưởng cũng thẳng thắn nhìn nhận thời điểm hiện tại, thị trường bất động sản Việt Nam vẫn chưa đồng bộ, thiếu bền vững và còn tiềm ẩn rủi ro, thiếu minh bạch.

Người đứng đầu ngành xây dựng cho rằng dù chưa có dấu hiệu cực đoan nhưng thị trường vẫn tiềm ẩn rủi ro.
Người đứng đầu ngành xây dựng cho rằng dù chưa có dấu hiệu cực đoan nhưng thị trường vẫn tiềm ẩn rủi ro.

Phát biểu tại Diễn đàn bất động sản Việt Nam thường niên lần thứ nhất diễn ra sáng nay (15/11), Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà nhìn nhận, thị trường bất động sản là bộ phận không thể thiếu và hết sức quan trọng trong nền kinh tế của một quốc gia, của hệ thống thị trường trong nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường nói chung cũng như đối với Việt Nam.

Theo Bộ trưởng, thị trường bất động sản Việt Nam đã hình thành, phát triển và có những đóng góp rất quan trọng vào công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, từng bước khắc phục, kiềm chế hạn chế, yếu kém, rủi ro của thị trường này.

Dù dự báo trong năm 2018 chưa có dấu hiệu biến động cực đoan lớn của thị trường bất động sản nhưng Bộ trưởng cũng thẳng thắn nhìn nhận thời điểm hiện tại, thị trường bất động sản Việt Nam vẫn chưa đồng bộ, thiếu bền vững và còn tiềm ẩn rủi ro, thiếu minh bạch, một bộ phận thị trường phát triển tự phát, bị lợi ích nhóm chi phối.

Báo cáo tại Diễn đàn, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành Kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, xu hướng dư nợ tín dụng bất động sản của các (tổ chức tín dụng) TCTD hiện chuyển dịch theo hướng phù hợp với chủ trương của Chính phủ, chỉ đạo của NHNN và nhu cầu thực của thị trường.

Tính đến 31/7/2017 dư nợ cấp tín dụng đầu tư kinh doanh bất động sản tăng khoảng 4 % so với 31/12/2016, chiếm tỷ trọng khoảng 9% dư nợ đối với nền kinh tế (tỷ trọng này khá ổn định từ năm 2013 đến nay). Dòng vốn tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản đã hướng vào lĩnh vực tiêu dùng về nhà ở, đáp ứng nhu cầu thực của người dân với mức tăng trưởng khoảng 11% so với 31/12/2016.

Bên cạnh đó, NHNN đã chỉ đạo các TCTD tích cực xử lý nợ xấu, đặc biệt là nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản. Tỷ lệ nợ xấu đầu tư kinh doanh bất động sản đã giảm mạnh từ 7,05% năm 2013, đến nay còn 4,06%.

Ông Hùng cũng đưa ra định hướng chính sách tín dụng trong thời gian tới như NHNN tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm ổn định thị trường tiền tệ; điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, khơi thông dòng vốn tín dụng phục vụ phát triển kinh tế xã hội. Các chính sách của NHNN tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng phát triển sản xuất kinh doanh, trong đó có các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản.

Thông tin từ ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho biết, thị trường bất động sản năm 2016 và 10 tháng đầu năm 2017 tiếp tục tăng trưởng ổn định thể hiện qua các chỉ số về giá cả, số lượng giao dịch.

"Dự báo thị trường nhà ở trong ngắn hạn sẽ không có biến động lớn. Tuy nhiên một số phân khúc sản phẩm (đất nền, căn hộ có quy mô vừa và nhỏ...) có thể có sự thay đổi nhất định về giá cả tại một số khu vực, địa phương; thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng tiếp tục phát triển", ông Ninh cho biết.

Phương Dung