Bộ Giao thông sẽ bỏ quy định tối thiểu 70 km có 1 trạm thu phí?

(Dân trí) - Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đang lấy ý kiến dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 49/2016 quy định về xây dựng, tổ chức và hoạt động của trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ, trong đó xóa bỏ quy định cự ly tối thiểu 70 km giữa 2 trạm thu giá (thu phí).

Theo đó, dự thảo lần này sẽ được đưa ra lấy ý kiến các bộ ngành cho đến hết ngày 8/6/2018. Dự kiến, Thông tư mới sẽ áp dụng từ tháng 7/2018.

Trạm thu giá phải nằm trong phạm vi dự án

Dự thảo Thông tư bổ sung quy định về “doanh thu bình quân một ngày trong tháng là doanh thu bình quân một ngày của tổng doanh thu vé lượt, vé tháng, vé quý được ghi nhận trong tháng”; trạm thu giá phải đảm bảo 3 tiêu chí, điều kiện như: vị trí trạm thu giá phải được xác định trong thời gian lập dự án BOT; phải đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên liên quan (nhà nước, nhà đầu tư, người dân địa phương); phải thuận lợi cho việc thu giá, đảm bảo khả năng hoàn vốn của dự án BOT;

Đối với quốc lộ, trạm thu giá phải nằm trong phạm vi dự án và có ý kiến thống nhất của các cơ quan địa phương (Hội đồng nhân dân, UBND).

Đối với đường địa phương, trạm thu giá phải nằm trong phạm vi dự án do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của địa phương quyết định sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Giao thông Vận tải.

Việc sửa đổi cũng được tiến hành chặt chẽ hơn, trong đó thực hiện thông báo công khai liên tục trước 5 ngày và niêm yết công khai tại trạm thu giá khi bắt đầu tổ chức thu về thời điểm bắt đầu được thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ, địa điểm trạm thu giá, công nghệ thu, hình thức thu, đối tượng thu, mức thu và đối tượng được miễn giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ.

Trường hợp có thay đổi về mức thu, công nghệ thu, hình thức thu, đối tượng thu thì đơn vị thu giá phải thông báo công khai và niêm yết tương tự như khi bắt đầu tổ chức thu. Hình thức thông báo công khai bao gồm đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương và trung ương, đồng thời gửi thông báo đến Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam.

Trạm thu phí phải nằm trong phạm vi dự án
Trạm thu phí phải nằm trong phạm vi dự án

Trong suốt quá trình thu, đơn vị thu giá phải công khai các thông tin trên biển báo điện tử (biển VMS) được gắn tại khu vực trạm thu giá bao gồm: Tên dự án, giá trị công trình dự án (trong trường hợp dự án chưa được quyết toán thì công bố theo tổng mức đầu tư), tổng thời gian được thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ, thời điểm bắt đầu thu, thời gian thu còn lại, doanh thu tháng trước của trạm thu giá (số liệu doanh thu cập nhật chậm nhất vào ngày 10 của tháng tiếp theo), số điện thoại đường dây nóng để phản ánh tiêu cực tại trạm thu giá.

Đối với đơn vị thu giá không thực hiện báo cáo theo quy định hoặc không nộp phí sử dụng tài sản nhà nước, không nộp tiền thuê quyền khai thác tài sản hạ tầng đường bộ theo quy định hiện hành khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền có văn bản nhắc nhở 2 lần, mỗi lần cách nhau không dưới 5 ngày.

Thời gian thu bị trừ là 1 ngày trong trường hợp chậm nộp báo cáo từ 10 ngày đến 30 ngày; thời gian thu bị trừ 2 ngày trong trường hợp chậm nộp báo cáo từ 31 ngày đến 60 ngày; đối với trường hợp chậm nộp báo cáo từ 61 ngày trở đi, cứ 5 ngày chậm nộp báo cáo thì thời gian thu bị trừ 1 ngày.

Bỏ quy định tối thiểu cự ly trạm

Điểm đáng chú ý của dự thảo lần hai là quy định vị trí trạm thu giá. Nguyên nhân bỏ là trước đó, Bộ Tài chính có ý kiến cần cân nhắc sự cần thiết khi đưa thêm tiêu chí lấy ý kiến của nhân dân địa phương.

Trường hợp nếu đưa tiêu chí lấy ý kiến tham gia của nhân dân địa phương phải xây dựng thêm tiêu chí định lượng tỉ lệ thống nhất/không thống nhất để có cơ sở thực hiện. Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và đầu tư cũng cho rằng, việc lấy ý kiến của các cơ quan liên quan về vị trí đặt trạm thu giá sẽ ảnh hưởng tiến độ phê duyệt dự án.

Bộ Tài chính này đã đề nghị quy định rõ việc lấy ý kiến được thực hiện trong giai đoạn nào của dự án; quy định rõ cách thức triển khai thực hiện công tác lấy ý kiến tham gia của người dân nhằm tránh việc lấy ý kiến mang tính hình thức. Trong khi đó, UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Sở GTVT An Giang, UBND Thành phố Hải Phòng… đề xuất trạm thu giá phải nằm trong phạm vi dự án đầu tư mới và phù hợp với quy hoạch đường.

Về quy định khoảng cách giữa hai trạm thu giá ở trên cùng một tuyến đường phải đảm bảo cự ly tối thiểu là 70 km, theo Vụ Tài Chính (Bộ GTVT) lý giải: Tiêu chí khoảng cách giữa các trạm thu giá trên cùng một tuyến đường cần được thuyết minh rõ cơ sở khoa học tính toán, xây dựng và quy định.

Ngoài ra, các trạm thu giá trên tuyến đường cao tốc có áp dụng theo tiêu chí này không? Với Sở GTVT Khánh Hòa thì đề nghị xem xét, nghiên cứu bổ sung thêm quy định về khoảng cách giữa 2 trạm thu giá trên 2 tuyến đường gần kề nhau thuộc 2 dự án được đầu tư bằng hình thức BOT để tránh trường hợp khoảng cách giữa 2 trạm này đặt quá gần nhau nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân lân cận trạm khi lưu thông qua trạm, tránh gây bức xúc cho người dân.

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đề nghị điều chỉnh khoảng cách giữa 2 trạm thu giá trên cùng 1 tuyến đường phải đảm bảo cự ly tối thiểu 70km trừ những trạm thu giá hoàn vốn cho các dự án cầu đường bộ, hầm đường bộ (các cầu, hầm đường bộ này không ở vị trí độc đạo, để đảm bảo cho người dân có quyền được lựa chọn khi sử dụng dịch vụ).

Bộ GTVT tính đến việc bỏ khoảng cách cự ly tối thiểu giữa hai trạm là 70km sau khi tiếp các ý kiến cho rằng việc quy định khoảng cách gặp khó khăn vì có thể rơi vào khu vực dân cư đông, chưa rõ cơ sở khoa học để đưa ra quy định, không phù hợp với các thông tư hiện hành...

Châu Như Quỳnh

Bộ Giao thông sẽ bỏ quy định tối thiểu 70 km có 1 trạm thu phí? - 2