Bloomberg: Tỷ phú giàu nhất Thái Lan muốn thâu tóm Vinamilk
(Dân trí) - Theo Giám đốc điều hành mảng đồ uống không cồn của F&N, Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) là một “mục tiêu tiềm năng” trong kế hoạch thâu tóm các công ty đồ uống trong khu vực nhằm gia tăng vị thế của mình tại Đông Nam Á.
Bloomberg đưa tin, tỷ phú giàu nhất Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi thông qua công ty con Fraser&Neave (F&N) tại Singapore đang tìm cách thâu tóm các công ty đồ uống trong khu vực nhằm gia tăng vị thế của mình tại khu vực Đông Nam Á.
Theo ông Lee Meng Tat, Giám đốc điều hành mảng đồ uống không cồn của F&N, Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) là một “mục tiêu tiềm năng”. Vinamilk được đánh giá là “một ví dụ điển hình cho thấy F&N đang muốn hướng tới, bao gồm: một công ty có thị phần lớn, thương hiệu mạnh và một mạng lưới bán lẻ rộng khắp”.
“Lý tưởng nhất vẫn là M&A”, ông Lee cho biết. Đồng thời đề cập tới những nỗ lực để F&N tăng cường mở rộng trong khu vực Đông Nam Á, một thị trường tiềm năng nhưng F&N mới chỉ xếp thứ ba, sau Coca và Pepsi.
“Nếu Vinamilk nới room rộng hơn cho nhà đầu tư nước ngoài và đem lại nhiều lợi ích về tài chính, chúng tôi sẽ theo dõi sát sao cổ phiếu của Vinamilk”, Giám đốc mảng đồ uống không cồn tại F&N cho biết.
Vào hồi tháng 11 năm ngoái, từng rộ lên thông tin về Tập đoàn đồ uống lớn nhất Singapore là Frasser & Neave (F&N) gửi thư chào mua 45% cổ phần của SCIC tại Vinamilk với giá 4 tỷ USD. Thông tin này được đưa ra sau khi Chính phủ quyết định thoái toàn bộ vốn Nhà nước khỏi 10 doanh nghiệp lớn, trong đó có Vinamilk - vốn được mệnh danh là “quả trứng vàng tỷ USD” với mức cổ tức vài nghìn tỷ đồng mang lại mỗi năm.
Hiện F&N thông qua công ty con là F&N Dairy Investment đang là cổ đông lớn nhất của Vinamilk với tỷ lệ sở hữu 11%. Phân tích tại thời điểm đó, giới chuyên gia cho biết, nếu mua thêm 45% cổ phần của Vinamilk, F&N sẽ nâng tỷ lệ sở hữu lên 56%, “thừa” để nắm quyền chi phí doanh nghiệp dẫn đầu ngành sữa của Việt Nam.
Mặc dù, ngay sau đó, F&N đưa ra phủ nhận nhưng giới tài chính vẫn không thể phủ nhận một điều rằng, Vinamilk có sức hút rất lớn với nhà đầu tư nước ngoài.
Trong một động thái khác, mới đây, ngày 20/7/2016, Vinamilk cho biết đã nhận được công văn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc xác nhận không giới hạn tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài tại Vinamilk. Theo đó, tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài tại Vinamilk tối đa là 100%.
Trao đổi về sức hút của Vinamilk với các đại gia ngoại, chuyên gia Kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Ngân hàng ANZ, ông Glenn Maguire từng cho rằng, nhiều tập đoàn đa quốc gia chắc chắn sẽ quan tâm tới cổ phần của các doanh nghiệp Nhà nước có thương hiệu lớn và đang làm ăn kinh doanh có lãi như trường hợp của Vinamilk. Tuy nhiên, cần phải lưu ý nếu không làm tốt quá trình thoái vốn sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp nước ngoài chiếm lấy cổ phần của doanh nghiệp Nhà nước lớn của Việt Nam.
“Họ sẽ tận dụng lợi thế lao động giá rẻ để đầu tư, kiếm lời sau đó chuyển lợi nhuận về nước. Do đó, cần phải áp dụng cách thức thoái vốn từ từ và thận trọng, không nên làm ngay một lúc để tránh đổ vỡ”, ông Glenn nói.
Nhiều chuyên gia cũng quan ngại với trường hợp một doanh nghiệp đầu ngành như Vinamilk "rơi vào tay" nhà đầu tư nước ngoài.
TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng cho rằng: “Chúng ta cần phải giữ thương hiệu Vinamilk, nếu không thị trường sữa sẽ bị nước ngoài thao túng và dễ dẫn tới độc quyền".
Phương Dung