Bình Định: Xem xét dừng dự án nhà máy đông lạnh trăm tỷ đồng vì lo ô nhiễm

(Dân trí) - Nhiều ý kiến cho rằng khi nhà máy chế biến thủy sản An Hải đi vào hoạt động sẽ gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư. Về việc này, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Nguyễn Thanh Tùng đề nghị UBND tỉnh này xem xét không cho xây dựng nhà máy này.

Đẩy hơn 30 hộ dân để làm dự án

Theo Sở TN&MT Bình Định, dự án Nhà máy chế biến thủy sản của Công ty TNHH Thủy sản An Hải do tỉnh kêu gọi đầu tư nhằm phát triển công nghiệp chế biến thủy sản của tỉnh Bình Định. UBND tỉnh Bình Định đã giao các Sở, ngành liên quan cùng chính quyền địa phương khảo sát nhiều địa điểm xây dựng nhà máy. Sau đó, UBND tỉnh Bình Định đồng ý chủ trương xây dựng nhà máy tại khu đất Công ty điện lực Bình Định và xí nghiệp than Quy Nhơn (thuộc Khu vực 7, phường Nhơn Phú, TP Quy Nhơn) trên diện tích 13.000 m2, tổng kinh phí đầu tư khoảng 150 tỷ đồng.

32 hộ dân phải di dời vì dự án Nhà máy chế biến thủy sản An Hải nhưng giờ đang bị xem xét dừng dự án vì sợ ô nhiễm môi trường
32 hộ dân phải di dời vì dự án Nhà máy chế biến thủy sản An Hải nhưng giờ đang bị xem xét dừng dự án vì sợ ô nhiễm môi trường

Để nhà máy chế biến thủy sản sớm đi vào hoạt động, UBND tỉnh Bình Định cùng các ngành chức năng liên quan tích cực đẩy nhanh tiến độ đền bù giải phóng mặt bằng để sớm giao đất cho công ty TNHH An Hải xây dựng nhà máy. Ngoài một phần diện tích đất Công ty điện lực Bình Định và xí nghiệp than Quy Nhơn bị lấy, còn có hơn 30 hộ dân vướng dự án phải di dời đến nơi ở mới. Thời điểm này, nhiều hộ dân rất bức xúc không đồng tình với giá đền bù rẻ bèo không đủ tiền làm móng nhà khi đến nơi ở mới. Điều quan trọng hơn là vấn đề là ô nhiễm môi trường về sau.

Theo ông Trần Thanh Nhàn (trưởng KV 7, phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn), dự án xây dựng nhà máy thủy sản An Hải có 32 hộ dân phải di lên phường Trần Quang Diệu (TP Quy Nhơn). Thời điểm đó, việc giải tỏa đền bù lấy đất xây dựng nhà máy này bị dân phản đối dữ lắm do tiền đền bù thấp, có hộ dân không có tiền để xây nhà ở nơi mới. Nhưng điều mà nhân dân lo lắng, về lâu dài nhà máy chế biển thủy sản đi vào hoạt động sẽ gây ô nhiễm nghiêm trọng đến môi trường xung quanh.

“Nếu xây dựng nhà máy chế biến thủy sản và khi nhà máy đi vào hoạt động chắc chắn sẽ thải nước ra sông Hà Thành. Lúc đó, không những dân khu vực này ảnh hưởng mà kéo khắp các khu vực lần cận, thậm chí cả TP Quy Nhơn. Vừa rồi theo dõi họp HĐND tỉnh thông báo đang xem xét dừng dự án này chuyển đổi sang mục đích khác dân cũng mừng. Trước đây, nghe nói xây dựng bệnh viện Nhi, dân ở đây mừng lắm nhưng rồi không thấy động tĩnh gì”, ông Nhàn chia sẻ.

Xem xét dừng dự án vì lo ô nhiễm

Trước khi xây dựng dự án Nhà máy chế biến hải sản đông lạnh An Hải, Công ty TNHH Thủy sản An Hải đã lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, trong đó công ty đã cam kết thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo vệ môi trường trong quá trình thực hiện dự án theo quy chuẩn hiện hành về môi trường; trồng cây xanh quanh khuôn viên, tạo hành lang cách ly mùi từ nhà máy đến các hộ dân cư lân cận; xây dựng hệ thống nước thải đảm bảo nước thải đầu ra đạt quy chuẩn cho phép, lắp đặt thiết bị quan trắc lưu lượng nước thải.

Nhà máy cũng cam kết dừng hoạt động nếu hệ thống nước thải gặp sự cố; cam kết đền bù và khắc phục ô nhiễm môi trường trong trường hợp sự cố xảy ra…

Do đó, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành quyết định 476/QĐ- UBND ngày 28/2/2014 về việc phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án Nhà máy chế biến hải sản đông lạnh An Hải.

Nhà máy chế biến thủy sản An Hải xây dựng trên tổng diện tích trên 13.000 m2 , vốn đầu tư 150 tỷ đồng
Nhà máy chế biến thủy sản An Hải xây dựng trên tổng diện tích trên 13.000 m2 , vốn đầu tư 150 tỷ đồng

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng khi công ty chế biến hải sản đông lạnh An Hải đi vào hoạt động sẽ gây ô nhiễm đến khu dân cư. Hơn nữa, vị trí xây dựng nhà máy nằm ngay cửa ngõ của TP Quy Nhơn, nếu xảy ra ô nhiễm môi trường còn ảnh hưởng đến cả bộ mặt cả thành phố.

Chính điều đó, tại kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh Bình Định khóa XII, đích thân Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Nguyễn Thanh Tùng đề nghị UBND tỉnh này phải xem xét lại việc xây dựng nhà máy chế biến thủy sản, có thể xây dựng sang các công trình khác.

“Ngay cửa ngõ TP Quy Nhơn mà xây dựng nhà máy chế biển thủy sản, dù có xử lý môi trường hiện đại đến mấy cũng không trách khỏi ô nhiễm môi trường. Thứ hai, nước xả thải được xả thải ra chỗ nào. Nhà đầu tư bao giờ cũng cam kết, nhưng kinh nghiệm nhiều nhà đầu tư rồi khi làm cũng không đảm bảo yêu cầu. Nếu nhà máy hoạt động chỉ có một cách là thải ra sông Hà Thành rồi chảy xuống trung tâm TP Quy Nhơn tiếp tục gây ô nhiễm, chưa nói ảnh hưởng đến tài nguyên du lịch”, ông Tùng nói.

Ông Nguyễn Thanh Tùng - Bí thư Tỉnh ủy Bình Định cho rằng ngay cửa ngõ Quy Nhơn không thể xây dựng nhà máy chế biến thủy sản vì chắc chắn sẽ gây ô nhiễm môi trường.
Ông Nguyễn Thanh Tùng - Bí thư Tỉnh ủy Bình Định cho rằng ngay cửa ngõ Quy Nhơn không thể xây dựng nhà máy chế biến thủy sản vì chắc chắn sẽ gây ô nhiễm môi trường.

Về vấn đề trên, bà Cao Thị Kim Lan - thành viên công ty TNHH thủy sản An Hải cho biết: “Hiện dự án đã được cấp phép xây dựng, có sổ đỏ đầy đủ nhưng nếu như tỉnh lo lắng khi xây dựng nhà máy sẽ ảnh hưởng đến môi trường, cuộc sống người dân thì công ty chấp nhận dừng. Chúng tôi sẽ đồng ý vào khu công nghiệp chế biến thủy sản tập trung của tỉnh để xây dựng nhà máy. Hiện khu đất này, chúng tôi xin chuyển đổi mục đích làm việc khác, nếu tỉnh quy hoạch làm thương mại, du lịch thì sẽ làm lĩnh vực đó”.

Doãn Công