Bị Mỹ “bắt nạt” thương mại, Hàn Quốc cảnh cáo ngay
(Dân trí) - Các nhà đàm phán thương mại của Hàn Quốc đã có những cảnh cáo về những biện pháp phòng thủ trong cuộc đàm phán thương mại với Mỹ nhằm thương lượng lại hiệp định thương mại tự do song phương.
Theo đó, Tổng thống Trump đã đe doạ thỏa thuận hợp tác thương mại suốt 7 năm với Hàn Quốc trừ khi nó được sửa đổi. Mới đầu, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đã phản đối sự thay đổi nhưng về sau ông này lại chấp nhận.
Về hành động này, các nhà phân tích cho rằng, ông Moon làm vậy để tránh làm mất ổn định quan hệ song phương khi cả hai nước đang “trên cùng một con thuyền” đối ngược với Triều Tiên.
Tờ CNBC đưa tin, Washington, Seoul, cùng với Tokyo, đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng. Vì vậy, mối quan hệ căng thẳng giữa bất kỳ nước nào trong số ba nước này cũng có thể phá vỡ các nỗ lực quốc tế.
Mới đây, về phía Mỹ, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang tìm cách giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với Hàn, với mức 3,5 tỷ USD trong quý III vừa qua.
Mặt khác, Hàn Quốc cũng tỏ ra lo ngại về những hậu quả chính trị gây ra bởi việc gây khó khăn với nhiều đòi hỏi của Mỹ.
Bà Wendy Cutler, Nguyên Phó đại diện thường trực thương mại Mỹ, là người đàm phán chính của Hoa Kỳ về thỏa thuận thương mại này cho rằng, đàm phán thương mại chắc chắn phải đi đôi với lợi ích của mỗi quốc gia thành viên.
Tại Nhà Trắng, bà này nói thêm: “Không nên chỉ tập trung vào những gì nước Mỹ muốn, mà còn xem Mỹ có thể làm gì cho Hàn Quốc nếu đàm phán thành công. Cả hai nước đều cần có lợi ích từ cuộc thỏa thuận này”.
Đáng nói, ông Scott Seaman, Giám đốc khu vực châu Á của Eurasia Group, cho biết: “Nếu ông Trump cố gắng giành phần hơn trong cuộc đàm phán thương mại bằng cách cáo buộc Hàn Quốc không phải là một đối tác đáng tin cậy và Mỹ có khả năng chấp nhận các đối tác về an ninh và quốc phòng khác (ví dụ như Bắc Triều Tiên), nỗi oán giận của Hàn Quốc khi bị Mỹ “bắt nạt” sẽ tăng lên”.
Nhiều nguồn tin nhận định, nông nghiệp và ô tô là một trong những vấn đề rất nhạy cảm trong chương trình nghị sự khi Nhà Trắng muốn có các sửa đổi để giành lợi thế tại “sân nhà”.
Theo đó, các đại diện đàm phán của Hoa Kỳ lần này dự kiến sẽ tập trung vào các dịch vụ, đầu tư, nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm và các biện pháp phi thuế quan. Trong khi đó, chính quyền của Hàn Quốc sẽ tìm cách hạn chế số lượng các điều mục nhượng bộ và làm suy yếu việc tranh chấp giữa nhà đầu tư và chính quyền Mỹ.
Riley Walters, chuyên gia nghiên cứu thuộc tổ chức The Heritage Foundation, cho biết: “Chính quyền Hàn Quốc chắc chắn sẽ suy nghĩ về việc nhượng bộ cho Hoa Kỳ về nông nghiệp sẽ đem lại hậu quả ra sao cho sự nghiệp chính trị trong tương lai của họ”.
Nếu nhóm đàm phán của ông Trump vẫn “hùng biện về thâm hụt thương mại thì thật là sai lầm, suy nghĩ đó lạc hậu rồi”, ông này nói thêm.
Hồng Vân
Theo CNBC