1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

ĐBSCL

7 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu cá tra đạt gần 1,2 tỷ USD

(Dân trí) - Năm 2018, ngành hàng cá tra tiếp tục đối mặt với một số khó khăn trong việc xuất khẩu. Tuy nhiên, Chính phủ, Bộ NN&PTNT chỉ đạo kịp thời, việc nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu cá tra phát triển tốt, kim ngạch xuất khẩu tính đến 30/7 đạt gần 1,2 tỷ USD, tăng 19,3% so với cùng kỳ 2017.

Mưa lũ bất thường... chú ý việc nuôi trồng

Ngày 21/8, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã chủ trị Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm về tình hình nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu cá tra cũng như triển khai kế hoạch thực hiện đề án cá tra giống 3 cấp theo chỉ đạo của Chính phủ.

Những tháng đầu năm 2018, ngành hàng cá tra tiếp tục đối mặt với một số khó khăn từ các rào cản của thị trường nhập khẩu. Tại Hoa Kỳ, ngày 17/3/2018, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã công bố 9 doanh nghiệp nằm trong nhóm hưởng mức thuế riêng biệt phải chịu mức thuế chống bán phá giá cao kỷ lục (từ 3,87 - 7,74 USD/kg) đã gây không ít khó khăn cho hoạt động xuất khẩu. Ngoài ra, xuất khẩu cá tra và thị trường EU tiếp tục giảm sút do tác động từ các thông tin truyền thông bất lợi năm 2017 và Ả rập Xê út tiếp tục tạm dừng nhập khẩu các sản phẩm thủy sản Việt Nam…

Năm qua, dù ngành cá tra đối mặt với nhiều rào cản tuy nhiên từ sự chỉ đạo của Chính phủ, ngành hàng này vẫn phát triển tốt, kim ngạch xuất khẩu tính đến ngày 30/7 đạt gần 1.2 tỷ USD, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm 2017.
Năm qua, dù ngành cá tra đối mặt với nhiều rào cản tuy nhiên từ sự chỉ đạo của Chính phủ, ngành hàng này vẫn phát triển tốt, kim ngạch xuất khẩu tính đến ngày 30/7 đạt gần 1.2 tỷ USD, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm 2017.

Tuy nhiên, từ sự chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, Bộ NN&PTNT, lãnh đạo các địa phương, sự vào cuộc của người dân, công đồng doanh nghiệp nên hoạt động sản xuất, xuất khẩu cá tra phát triển rất tốt. Giá cá giống, giá cá nguyên liệu tiếp tục duy trì ở mức cao. Kim ngạch xuất khẩu tính đến ngày 30/7 đạt gần 1.2 tỷ USD, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm 2017.

Đối với sản xuất giống, tính đến 30/7, diện tích ương cá tra giống tăng khoảng 800ha so với cùng kỳ 2017, lũy kế diện tích ương khoảng 3.500ha, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2017. Ba địa phương có diện tích tăng là An Giang (tăng 8%), Đồng Tháp (tăng 5%), Long An (tăng 160%).

Các đơn vị thực hiện việc ký kết áp dụng mô hình cá tra giống ba cấp
Các đơn vị thực hiện việc ký kết áp dụng mô hình cá tra giống ba cấp

Ba tháng đầu năm 2018 giá cá tra giống trung bình 60.000 -70.000đồng/kg đối với cỡ 30 -50 con/kg. Từ giá cá giống sôt cao này, tại tỉnh Long An, Đồng Tháp đã xuất hiện tình trạng người dân tự phát đào ao ương cá tra giống ồ ạt. Ngay sau đó, cơ quan chức năng vào cuộc, cộng với giá tra giống từ tháng 4 đã giảm gần một nửa nên tình trạng người dân đào ao ương cá tra giống đã được kiểm soát.

Lũ về mang lại nguồn lợi thủy sản bổ sung, rửa trôi/làm sạch môi trường cho các vùng nuôi thủy sản nhưng theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, tình hình mưa lũ cực đoan và xả lũ của các hồ chứa ở thượng nguồn sông Mê Kông, diễn biến lũ ở ĐBSCL có thể biến động bất thường, do đó, các vùng nuôi ngoài cồn cần ke bờ chắc chắn, cao hơn đỉnh lũ để tránh thất thoát, thiệt hại.

Nâng cao chất lượng cá giống…

Tính đến 30/7, diện tích thả nuôi hơn 4.000ha, sản lượng thu hoạch đạt trên 800.000 tấn, đạt 67,8% so với mục tiêu tăng trưởng. Giá cá nguyên liệu nửa đầu năm 2018 cao hơn mức giá trung bình năm 2017 khoảng 4.500 -7.000 đ/kg. Thời điểm tháng 7/2018, giá cá nguyên liệu hiện đang ở mức 25.000-27.000 đ/kg tùy theo chất lượng và hình thức thanh toán.

Về kim ngạch xuất khẩu, tính đến 30/7, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt gần 1,2 tỷ USD. Trong 06 tháng đầu năm, Trung Quốc và Hồng Kông là hai thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất nhưng trong tháng 7, kim ngạch xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc có xu hướng giảm trong khi xuất sang Hoa Kỳ có xu hướng tăng.

Cụ thể, 7 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc đạt gần 290 triệu USD, tăng 40,6% so với cùng kỳ 2017. Hoa Kỳ là thị trường nhập khẩu cá tra đứng thứ hai, giá trị đạt hơn 255 triệu USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2017. EU vẫn đứng vị trí thứ 3 với giá trị đạt hơn139 triệu USD, tăng 16,5% so với cùng kỳ 2017. Tiếp theo là khối ASEAN, EU, Mexico, Brazil, Colombia, UAE.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, một trong những giải pháp then chốt hiện nay để ngành hàng này phát triển bền vững là các địa phương phải quy hoạch lại sản xuất từ khâu giống, thức ăn, nuôi và chế biến xuất khẩu. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm, ưu tiên hàng giá trị gia tăng, đặc biệt đa dạng hóa tất cả các thị trường xuất khẩu”.

Các ngành chức năng tiếp tục cải thiện chất lượng con giống; Tập trung nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm để tăng sức cạnh tranh; Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; Xử lý kịp thời các rào cản thương mại, kỹ thuật cho sản phẩm cá tra, bao gồm cả thị trường nội địa. Và chuẩn bị giải pháp ứng phó với khả năng cạnh tranh từ một số quốc gia sản xuất cá tra.

Đặc biệt là các tỉnh trọng điểm về sản xuất giống cá tra đặc biệt là An Giang, Đồng Tháp tập trung nguồn lực triển khai các hoạt động của Đề án cá tra giống 3 cấp. Vì đây là bước đi nhằm kiểm soát và nâng cao chất lượng cá tra giống để chấm dứt tình trạng tỷ lệ cá giống hao hụt cao, chi phí nuôi tăng... ảnh hướng đến giá cá thành phẩm xuất khẩu.

Nguyễn Hành