Vấn đề và giải pháp quản lý truyền thông ở Việt Nam trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0

(Dân trí) - Ý kiến của PGS. TS. Đỗ Thị Thu Hằng - Phó trưởng khoa, Phụ trách Khóa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền về vấn đề đặt ra và giải pháp đối với công tác quản lý truyền thông ở Việt Nam trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ra đời đã làm thay đổi cán cân của sự phát triển đời sống kinh tế - xã hội của loài người. Cuộc cách mạng này tạo ra một thế giới mà trong đó các hệ thống ảo và vật lý có thể trao đổi, tương tác với nhau một cách linh hoạt thông qua các hệ thống thông minh hay trí thông minh nhân tạo. Sự phát triển của xã hội thông tin và cách mạng công nghiệp 4.0 đã tác động một cách toàn diện, sâu sắc đến nền báo chí truyền thông Việt Nam, dẫn đến những thách thức mới, yêu cầu mới với công tác quản lý báo chí truyền thông. Trong khuôn khổ bài báo này, chúng tôi tìm hiểu và nghiên cứu một số vấn đề đặt ra và từ đó đề xuất một số giải pháp đổi mới công tác quản lý truyền thông hiện nay.


PGS. TS. Đỗ Thị Thu Hằng - Phó trưởng khoa, Phụ trách Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền

PGS. TS. Đỗ Thị Thu Hằng - Phó trưởng khoa, Phụ trách Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền

1. Sự biến đổi của nền báo chí truyền thông và yêu cầu mới trong quản lý truyền thông trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0

Có thể nói rằng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ tạo ra các lợi ích to lớn cho xã hội loài người. Dựa trên các ứng dụng thông minh và trí thông minh nhân tạo, con người được hưởng lợi nhiều nhất như các sản phẩm được tạo ra nhanh chóng hơn, phù hợp hơn với người sử dụng. Cùng với sự phát triển của công nghệ số, báo chí - truyền thông tiếp cận đến công chúng một cách nhanh chóng và đơn giản hơn rất nhiều. Xu hướng biến đổi của nền báo chí truyền thông và yêu cầu đặt ra với nền báo chí truyền thông bao gồm những vấn đề cụ thể sau đây:

Thứ nhất, phát triển kinh tế báo chí, hình thành các tập đoàn báo chí - truyền thông và các tổ hợp báo chí - truyền thông ở các ngành và địa phương.

Thứ hai, vẽ lại bản đồ sản phẩm báo chí - truyền thông theo luật cung cầu và cạnh tranh thị trường, vì lợi ích của công chúng.

Thứ ba, đòi hỏi phải phát triển mạnh hơn ngành công nghiệp truyền thông, đặc biệt là sản xuất sản phẩm số, nội dung số, ứng dụng các phương tiện truyền thông mới trong lĩnh vực báo chí truyền thông.

Thứ tư, cần phát triển song song sản phẩm báo chí, truyền thông chính phủ và truyền thông doanh nghiệp. Điều này đòi hỏi yêu cầu tương ứng trong lĩnh vực quản lý báo báo chí truyền thông.

Quản lý truyền thông trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cần xem xét gắn liền với việc đổi mới mô hình, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, quản lý báo chí để phát triển nền báo chí - truyền thông theo hướng hiệu quả, hiện đại và chất lượng. Khắc phục các tình trạng chồng chéo, đầu tư dàn trải và buông lỏng quản lý. Cần tôn trọng các nguyên tắc tập trung dân chủ trong quản lý báo chí - truyền thông; nguyên tắc quản lý theo ngành, địa phương và vùng lãnh thổ; nguyên tắc phân biệt rõ chức năng quản lý nhà nước về truyền thông và chức năng quản lý kinh doanh của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực truyền thông; nguyên tắc dựa trên trách nhiệm nghĩa vụ và chức năng của truyền thông; nguyên tắc công khai, đòi hỏi quản lý nhà nước cần được công khai trên các phương tiện truyền thông. Cần đánh giá một cách toàn diện về cách thức cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ảnh hưởng tới báo chí – truyền thông như mô hình, tác động, cách thức, loại hình, công cụ sử dụng.

2. Quản lý truyền thông trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0: Vấn đề đặt ra

Trong bối cảnh của cách mạng 4.0, sự thay đổi của các loại hình truyền thông, phương tiện truyền thông và mô hình truyền thông đang ngày càng rõ rệt. Theo đó, sự phát triển của báo chí - truyền thông 4.0 cũng đã và đang dần định hình trong các hoạt động của các đơn vị báo chí – truyền thông hiện nay. Chính vì vậy, các vấn đề đặt ra với công tác quản lý truyền thông trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, bao gồm:

Thứ nhất, vấn đề nhận thức của chủ thể quản lý truyền thông.

Trong thời đại mới nhận thức của chủ thể quản lý truyền thông đối với sự ảnh hưởng của báo chí - truyền thông 4.0 là rất quan trọng. Theo đó, chủ thể quản lý cần bắt kịp các thay đổi cả về chất và lượng của các sản phẩm báo chí - truyền thông cũng như sự thay đổi của công chúng số. Các sản phẩm báo chí – truyền thông đang dần hình thành như là một loại hàng hóa, dịch vụ tuân theo sự thay đổi và vận động tất yếu của nền kinh tế.

Thứ hai, về nội dung và nguyên tắc quản lý truyền thông trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0

Nội dung và nguyên tắc quản lý truyền thông dần thay đổi theo hướng hiện đại hóa. Cách mạng công nghiệp 4.0 với đặc trưng là sự tích hợp của công nghệ thông minh, trí thông minh nhân tạo và kết nối của các thiết bị thông qua môi trường số và môi trường Internet. Chính vì vậy, nguyên tắc quản lý truyền thông truyền thống dần bị thay đổi và chi phối bởi các nền tảng công nghệ, trong đó các hệ thống quản lý thông minh dần dần thay thế sự can thiệp của con người trong chế định vấn đề tổ chức, quản lý sản xuất các sản phẩm truyền thông. Sự thay đổi này đòi hỏi các nhà quản lý phải đối mặt với sự thay đổi của công chúng. Việc quản lý báo chí – truyền thông sẽ đối mặt với các thay đổi của dòng chảy thông tin hơn là quản lý theo định hướng. Quá trình này đòi hỏi thông tin mặc dù được tạo ra rất nhanh chóng, kịp thời nhưng tính chính xác và sự tin cậy lại cần được kiểm chứng một cách khắt khe hơn khi các hệ thống thông minh được ứng dụng để tạo ra các sản phẩm báo chí - truyền thông.

Thứ ba, về cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở khoa học của công tác quản lý truyền thông.

Cần quan tâm nghiên cứu đầy đủ các nguyên tắc tập trung dân chủ trong quản lý báo chí - truyền thông; nguyên tắc quản lý theo ngành, địa phương và vùng lãnh thổ; nguyên tắc phân biệt rõ chức năng quản lý nhà nước về truyền thông và chức năng quản lý kinh doanh của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực truyền thông; nguyên tắc dựa trên trách nhiệm nghĩa vụ và chức năng của truyền thông; nguyên tắc công khai, đòi hỏi quản lý nhà nước cần được công khai trên các phương tiện truyền thông như là một ngành khoa học. Có thể cân nhắc đến các quy mô của các đơn vị quản lý, tổ chức, sản xuất báo chí - truyền thông để dần bắt kịp với sự thay đổi của thế giới.

Thứ tư, về mô hình quản lý trong lĩnh vực truyền thông, bao gồm và quản lý nhà nước và mô hình quản lý cơ quan báo chí và tổ chức, doanh nghiệp truyền thông

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với đặc thù là sự thay đổi của tổ chức sản xuất, quản lý, phát hành báo chí – truyền thông theo hướng hiện đại hơn, thông minh hơn. Với sự thay đổi đó các khái niệm về báo chí – truyền thông cần thay đổi theo hướng phục vụ công chúng và tiếp cận công chúng theo hướng mở. Công chúng đồng thời là các “nhà báo công dân” có vai trò giám sát và phản biện các sự kiện vấn đề diễn ra trong xã hội. Chính vì vậy, mô hình quản lý nhà nước và mô hình quản lý cơ quan báo chí và tổ chức, doanh nghiệp truyền thông cần được xây dựng nhằm đáp ứng được yêu cầu trong công tác quản lý nội dung và chất lượng sản phẩm cũng như các bài toán về chính sách phải bắt kịp với sự thay đổi của công nghệ.

Thứ năm, thách thức trong cạnh tranh báo chí và các phương tiện truyền thông mới.

Sự ra đời của các phương tiện truyền thông mới làm cho các sản phẩm báo chí truyền thống đối mặt với sự cạnh tranh mang tính sống còn. Với đặc thù nhanh - cập nhật - đa dạng - phong phú, các phương tiện truyền thông mới đặc biệt là mạng xã hội và truyền thông xã hội đã làm cán cân của các phương tiện truyền thông thay đổi nhanh chóng. Hiện nay, ở nước ta, mạng xã hội và truyền thông xã hội đang dần lấn lướt các hoạt động báo chí – truyền thông truyền thống. Song song với các lợi ích của các phương tiện truyền thông mới thì các vấn nạn về tin giả, tin đồn, tin thất thiệt ngày càng gia tăng. Vấn đề quản lý thông tin trên mạng xã hội và truyền thông xã hội đang ngày càng phải đối mặt với các vấn đề khó khăn hơn. Chính bản thân các phương tiện truyền thông mới cũng đang là nơi để tội phạm phát tán phần mềm, thông tin độc hại đến công chúng. Bên cạnh các virus và phần mềm độc hại, các cuộc tấn công, các ứng dụng giả mạo, vấn nạn tin giả, tin đồn, thư rác … đã và đang là vấn đề đau đầu cho các nhà tổ chức, quản lý truyền thông và cả công chúng. Thông tin cá nhân, thông tin kinh doanh, thông tin nhạy cảm cũng lan truyền một cách nhanh chóng, đơn giản và khó kiểm soát hơn như các thông tin về chính sách nội bộ, dự án có tính bảo mật, thông tin mật, chiến lược, …

Thứ sáu, thách thức về lĩnh vực an ninh truyền thông, văn hóa truyền thông

Trong xu thế của các phương tiện đều có thể kết nối Internet, bản thân các thiết bị có khả năng tự chia sẻ và cập nhật thông tin trên Intenet. Bên cạnh đó, các ứng dụng thông minh có khả năng tự phân tích dữ liệu hoặc trao đổi dữ liệu với nhau. Khi đó người dùng khó có thể kiểm soát được các dữ liệu của mình. Vấn đề về an toàn và bảo mật thông tin đã và đang là các thách thức cho tất cả các lĩnh vực, trong đó có báo chí – truyền thông. Một thực tế mà các đơn vị truyền thông phải đối mặt là các rủi ro của an ninh truyền thông, khủng hoảng truyền thông. Ở đó, các nhà cung cấp dịch vụ nền tảng truyền thông xã hội đang dần dần nắm quyền kiểm soát và điều khiển người dùng theo xu hướng do chính các đơn vị tạo ra. Một ví dụ với hơn 2 tỷ tài khoản sử dụng, Facebook đã và đang trở thành một đế chế toàn cầu về thông tin và dữ liệu. Thực tế cho thấy rằng, ở một kỷ nguyên của công nghệ số, ai nắm được thông tin và dữ liệu thì người đó có quyền điều khiển và định hướng công chúng. Đây cũng là khởi nguồn của nhiều vấn đề tiêu cực như vấn đề cung cấp thông tin sai sự thật, thông tin được cung cấp không được kiểm định, các thông tin thiếu lành mạnh như bạo lực, khiêu dâm, đồi trụy ngày càng phổ biến hơn. Nghiêm trọng hơn là sự lệch lạc của bộ phận không nhỏ công chúng về các vấn đề kinh tế - chính trị - xã hội, từ đó xuất hiện các nguy cơ đối với an ninh, chính trị, xã hội và ảnh hưởng tiêu cực tới cộng đồng. Trong đó các vấn đề về tư tưởng, văn hóa, chính trị, xã hội đang là các nguồn thông tin bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Thứ bảy, thách thức về cơ sở hạ tầng – kỹ thuật và công nghệ và nguồn lực quản lý truyền thông đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn liền với công nghệ thông tin và truyền thông, trong đó công nghệ thông tin là cầu nối, có ảnh hưởng trực tiếp và quyết định để thực hiện thành công các hoạt động báo chí – truyền thông hiện đại. Do vậy các thách thức về thể chế, phát triển nguồn nhân lực và xây dựng hạ tầng đồng bộ gắn liền với sự phát triển và đảm bảo an toàn, an ninh thông tin đang là các thách thức lớn nhất cho truyền thông.

Sự phát triển của xã hội thông tin và cách mạng công nghiệp 4.0 đã tác động một cách toàn diện, sâu sắc đến nền báo chí truyền thông Việt Nam, dẫn đến những thách thức mới, yêu cầu mới với công tác quản lý báo chí truyền thông. (Ảnh minh hoạ)
Sự phát triển của xã hội thông tin và cách mạng công nghiệp 4.0 đã tác động một cách toàn diện, sâu sắc đến nền báo chí truyền thông Việt Nam, dẫn đến những thách thức mới, yêu cầu mới với công tác quản lý báo chí truyền thông. (Ảnh minh hoạ)

3. Giải pháp và kiến nghị về quản lý truyền thông hiệu quả trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0: vấn đề đặt ra

Trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chúng ta cần xác định các yếu tố quan trọng trong định hướng phát triển và quản lý báo chí – truyền thông, đặc biệt trong bối cảnh xã hội thông tin ở Việt Nam. Chính vì thế, cần tập trung vào các khía cạnh như các yếu tố về quản lý và pháp lý, đặc biệt quan tâm đến xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách của Nhà nước trong quản lý các hoạt động báo chí – truyền thông. Bên cạnh đó là các cơ chế, chính sách bền vững cho phát triển các mô hình báo chí – truyền thông hiện đại như vấn đề về phát triển các mô hình hội tụ nội dung, hội tụ công nghệ, phát triển và nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông. Ngoài ra các yếu tố về phát triển nguồn nhân lực cả về quản lý lẫn người thực hiện hay các nhà báo, nhà sản xuất các sản phẩm báo chí, truyền thông. Song song với các vấn đề này, các yếu tố về an toàn, an ninh thông tin và văn hóa truyền thông cũng cần được quan tâm sát sao. Một trong các yếu tố quan trọng khác là vấn đề xây dựng các mô hình quản lý báo chí – truyền thông cho các cơ quan quản lý cũng cần được đề xuất và xây dựng dựa trên các cơ sở chính trị, cơ sở khoa học và cơ sở pháp lý.

3.1. Giải pháp chung

Trên cơ sở những vấn đề đặt ra đã nêu trên, chúng tôi đề xuất tám giải pháp có tính tổng thể, hướng tới quản lý truyền thông hiệu quả trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0: vấn đề đặt ra, bao gồm:

Một là, nâng cao nhận thức của công chúng về các tác động tích cực và tiêu cực của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Tập trung vào các khía cạnh liên quan đến an toàn và bảo mật thông tin, đặc biệt là an ninh quốc gia, an ninh kinh tế và bảo vệ quyền riêng tư trong lĩnh vực thông tin, truyền thông. Tổ chức và thực hiện tuyên truyền một cách hiệu quả về các hệ lụy mà người dùng có thể gặp phải khi thông tin cá nhân hoặc thông tin cần bảo vệ bị phát tán không đúng nơi, đúng chỗ và đúng thời điểm.

Hai là, xây dựng mô hình phát triển nền báo chí truyền thông theo xu hướng phát triển xã hội thông tin và xã hội tri thức.

Mô hình này cần đáp ứng yêu cầu của một xã hội không ngừng sản xuất và sử dụng hàng loạt tri thức trong tất cả các lĩnh vực với sự trợ giúp của công nghệ thông tin và truyền thông hiện đại với mục tiêu xây dựng một cuộc sống của con người bình đẳng, công bằng và bền vững. Cần xác định xã hội tri thức hiện đại không chỉ ở lĩnh vực kinh tế và công nghệ, trong đó các yêu tố về chính trị được coi như là các chính sách, quy định hay pháp lý của nhà nước đối với xã hội thông tin. Bên cạnh yếu tố chính trị là yếu tố kinh tế tri thức, trong đó là sự mở rộng không ngừng của khu vực thông tin và truyền thông. Nền kinh tế tri thức tập trung vào sự phát triển, sản xuất và quản lý tri thức nhằm tạo ra các lợi ích kinh tế, chính trị, xã hội mà truyền thông là chất xúc tác chính. Cùng theo đó là yếu tố về khoa học và công nghệ và yếu tố về giáo dục và đào tạo. Hai yếu tố này luôn đi liền với nhau để có thể tạo ra một nền báo chí – truyền thông hiện đại và phù hợp với yêu cầu của sự phát triển.

Ba là, đổi mới mô hình và tổ chức, quản lý nền báo chí – truyền thông theo hướng hiện đại.

Xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam dựa trên nền tảng khoa học báo chí – truyền thông và nền tảng công nghệ 4.0. Trong đó tập trung chú trọng vào nghiên cứu các nền tảng báo chí – truyền thông như các vấn đê đa giao diện, đa nền tảng, hội tụ công nghệ, báo chí di động, báo chí dữ liệu, báo chí thông minh, truyền thông sáng tạo… Cần nghiên cứu sâu về lý thuyết hội tụ và đa phương tiện, xu thế phát triển đa loại hình và liên loại hình trong báo chí truyền thông và các yêu cầu về nguồn lực của nhà sản xuất và nhà quản lý tương ứng, Cần tập trung nghiên cứu cơ bản về báo chí – truyền thông nhằm xây dựng các kế hoạch và chiến lược phù hợp với sự vận động của xã hội theo hướng khoa học, hiện đại và bám sát thực tiễn của sự phát triển. Cần xây dựng các chương trình hội thảo, hội nghị, toạ đàm khoa học và đặc biệt là xây dựng và phát triển các tạp chí nghiên cứu khoa học đặc thù Việt Nam có hàm lượng học thuật cao, có tính quốc tế nhằm thúc đẩy các nhà khoa học Việt Nam công bố các công trình nghiên cứu liên quan.

Bốn là, đào tạo kiến thức và kỹ năng cho nhà quản lý báo chí truyền thông.

Cần xây dựng mô hình đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực về báo chí – truyền thông ở các cơ sở đào tạo. Việc cho ra đời các ngành đào tạo cử nhân mới của Học viện Báo chí và Tuyên truyền như: Truyền thông đa phương tiện, Truyền thông đại chúng (chú trọng sản xuất hàng hóa và phát triển và ứng dụng hướng tới một ngành công nghiệp truyền thông Việt Nam), Truyền thông chính sách và Truyền thông quốc tế là phù hợp với xu thế và yêu cầu đặt ra của nền báo chí truyền thông giai đoạn hiện nay. Cần tiếp tục đổi mới chương trình đào tạo sau đại học, nhất là hai chuyên ngành Quản lý báo chí truyền thông (Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, đối tượng là các nhà quản lý báo chí, quản lý truyền thông ở các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp) và Quản trị truyền thông (Khoa Quan hệ công chúng và Quảng cáo, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đào tạo các nhà quản trị truyền thông của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp). Các cơ quan báo chí cũng cần tổ chức các khóa huấn luyện, đào tạo và đào tạo lại nhà báo “vừa hồng, vừa chuyên”, trong đó chương trình đào tạo cần bám sát các yêu cầu của của thị trường, tập trung đào tạo kỹ năng và kiến thức về báo chí hiện đại như báo chí di động, báo chí dữ liệu, trí tuệ nhân tạo. Cần quan tâm hơn đến đào tạo các vị trí lãnh đạo, quản lý ở các tổ chức/ bộ phận truyền thông chính phủ (cả Trung ương và địa phương, các bộ ngành…), các nhà quản trị doanh nghiệp truyền thông trong cả nước.

Năm là, xây dựng và hoàn thiện môi trường pháp lý, đặc biệt kiện toàn môi trường pháp lý về ứng dụng công nghệ mới, công nghệ hiện đại cho báo chí – truyền thông.

Môi trường pháp lý này cần phải được xây dựng toàn diện đối với cả nhà quản lý, nhà cung cấp, các cơ quan, tổ chức báo chí, truyền thông và công chúng. Có thể có các giải pháp cụ thể, chẳng hạn như giáo dục kiến thức, kỹ năng, giáo dục ý thức trách nhiệm của công chúng trong việc tham gia và tương tác với báo chí, trên môi trường trực tuyến, hay các hoạt động trên mạng xã hội.

Sáu là, chú trọng vấn đề an ninh mạng và an ninh truyền thông.

An ninh mạng, an ninh thông tin là vấn đề bắt buộc phải chú trọng giải quyết với tất cả các cơ quan chính phủ, các cơ quan báo chí, các bộ ngành, doanh nghiệp, tổ chức xã hội- nghề nghiệp, các nhóm, cá nhân. Đặc biệt, với đặc trưng có mặt ở khắp nơi, có khả năng cảm biến, liên tục thu thập thông tin về hoạt động của con người, môi trường xung quanh và liên tục kết nối của môi trường số hiện nay,vấn đè này càng trở nên cấp thiết. Trong hàng chục tỷ thiết bị có thể kết nối và chia sẻ dữ liệu với nhau, các thiết bị thông tin, truyền thông đang hoạt động trên thế giới có thể bị lợi dụng để tạo ra những mạng lưới thu thập thông tin với phạm vi hoạt động cực rộng, len lỏi vào từng khía cạnh của đời sống con người, tạo ra những nguy cơ chưa từng có với các cơ quan, tổ chức, cá nhân trước hoạt động của tội phạm mạng. Cần xây dựng các giải pháp khuyến khích các công ty công nghệ tham gia vào thị trường truyền thông, đặc biệt là cung cấp các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn, thông tin mạng.

Bảy là, vấn đề quản lý văn hóa và giáo dục kiến thức, kỹ năng, đạo đức truyền thông cho công chúng.

Cần đặc biệt quan tâm đến các vấn đề liên quan đến đạo đức truyền thông và hoạt động có ý thức trên môi trường Internet, đặc biệt là môi trường mạng xã hội và truyền thông xã hội. Cần học tập mô hình trong nước và quốc tế trong đào tạo kỹ năng sử dụng các công cụ truyền thông mới, mô hình đào tạo và tăng cường sự tham gia của trẻ em trên các phương tiện truyền thông đại chúng và truyền thông xã hội/ mạng xã hội.

Tám là, vấn đề về nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị ở các cơ quan báo chí, bộ phận truyền thông tổ chức, truyền thông doanh nghiệp…

Cần tập trung vào phát triển hạ tầng về trang thiết bị, đặc biệt là các giải pháp thông minh hoặc ứng dụng trí thông minh nhân tạo trong báo chí – truyền thông. Trong đó đặc biệt chú trọng đối với cơ sở hạ tầng cho các ngành sản xuất nội dung và các sản phẩm báo chí – truyền thông đặc thù.

3.2. Một số giải pháp và kiến nghị cụ thể

Bao gồm 3 nhóm giải pháp về quản lý truyền thông ở cơ quan báo chí, các cơ quan, tổ chức nhà nước và khu vực phi chính phủ và các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sản phẩm truyền thông sau đây:

Bốn giải pháp và kiến nghị về quản lý truyền thông ở các cơ quan báo chí

- Một, Từng bước thay đổi và nâng cao nhận thức của lãnh đạo cơ quan báo chí – truyền thông.

- Hai, Đào tạo nâng cao kiến thức chuyên môn báo chí truyền thông hiện đại, quản lý và quản trị truyền thông trong mối trường số.

- Ba, Đổi mới quy trình tổ chức sản xuất, nội dung và phương thức quản lý nội dung, quản trị kinh doanh cơ quan báo chí

- Bốn, Đồng bộ hóa cơ sở vật chất- kỹ thuật- công nghệ, quy trình tổ chức sản xuất sản phẩm báo chí – truyền thông, mô hình tòa soạn hội tụ, quản trị kinh doanh, phát hành, công tác xã hội trong cơ quan báo chí

Ba giải pháp và kiến nghị về quản lý truyền thông trong các cơ quan, tổ chức nhà nước và khu vực phi chính phủ

- Một, Tiếp tục nâng cao và triển khai xây dựng các ban truyền thông đảm trách các hoạt động hỗ trợ và thực hiện truyền thông tại các cơ quan, tổ chức nhà nước. Xây dựng cơ chế người phát ngôn đối với các phương tiện truyền thông nhằm thống nhất một đầu mối về các thông tin giao tiếp với báo chí – truyền thông.

- Hai, Nâng cao nhận thức của các cán bộ, công chức, người lao động trong bảo mật thông tin và chia sẻ thông tin, đặc biệt đối với môi trường mạng xã hội và truyền thông xã hội.

- Ba, Đối với các tổ chức phi chính phủ, cần có các định hướng rõ ràng trong việc cung cấp thông tin tới công chúng, đặc biệt đối với các tổ chức và các đơn vị truyền thông có nhân tố nước ngoài hoặc giao tiếp với các yếu tố nước ngoài. Cần chú ý đến nguyên tắc của thông tin đối ngoại, truyền thông đối ngoại và báo chí, truyền thông quốc tế trong quản lý truyền thông lĩnh vực này.

Ba giải pháp và kiến nghị về quản lý truyền thông trong các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sản phẩm truyền thông

- Một, Xây dựng cơ chế, môi trường pháp lý minh bạch và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thông có thể ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ vào sản xuất sản phẩm truyền thông. Bên cạnh đó là các cơ chế về hội nhập và hợp tác quốc tế nhằm học hỏi kinh nghiệm của các đơn vị, cơ quan, tổ chức truyền thông nước ngoài trong ứng dụng khoa học và công nghệ trong truyền thông.

- Hai, Định hướng và tạo điều kiện thông qua các dự án, cuộc thi để phát triển và ứng dụng các dòng sản phẩm báo chí – truyền thông mới trong các sản phẩm báo chí – truyền thông. Nâng cao chất lượng sản phẩm truyền thông, cùng phối hợp với các đơn vị trong và ngoài nước để từng bước bắt kịp với xu thế phát triển của báo chí – truyền thông hiện đại.

- Ba, Tập trung nguồn nhân lực, kết nối với các cơ quan quản lý báo chí – truyền thông, cơ quan báo chí và doanh nghiệp truyền thông để xây dựng tiêu chuẩn và phối hợp đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực báo chí – truyền thông theo hướng hiện đại, phù hợp với yêu cầu của sự phát triển. Đặc biệt là các xu thế của truyền thông mới, truyền thông hiện đại và truyền thông thông minh.

Kết luận

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ra đời đã làm thay đổi cán cân của sự phát triển đời sống kinh tế - xã hội của loài người. Cuộc cách mạng này tạo ra một thế giới mà trong đó các hệ thống ảo và vật lý có thể trao đổi, tương tác với nhau một cách linh hoạt thông qua các hệ thống thông minh hay trí thông minh nhân tạo. Những vấn đề đặt ra đối với công tác quản lý truyền thông trong bối cảnh phát triển xã hội thông tin và cách mạng công nghiệp lần thứ tư cho thấy: sự phát triển của xã hội thông tin và cách mạng công nghiệp 4.0 đã tác động một cách toàn diện, sâu sắc đến nền báo chí truyền thông Việt Nam, dẫn đến những thách thức mới, yêu cầu mới với công tác quản lý báo chí truyền thông. Với 3 nhóm chủ thể truyền thông cốt lõi bao gồm: cơ quan báo chí, tổ chức/ bộ phận truyền thông của các trung ương, địa phương, các bộ ngành, các tổ chức, hiệp hội… và doanh nghiệp truyền thông, thì vai trò của Ban Tuyên giáo các cấp, cơ quan quản lý nhà nước (trung ương, địa phương) và tầm ảnh hưởng của lãnh đạo và các nhà quản lý truyền thông ở các cơ quan báo chí chiếm vị trí nòng cốt, tiên phong. Bởi lẽ các cơ quan báo chí là nơi cung cấp các thông tin chính thống, có kiểm chứng và chất lượng, đồng thời là các cơ quan truyền thông định hướng dư luận, tạo niềm tin cho công chúng. Chính vì vậy, cần ưu tiên tập trung vào các giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả quản lý truyền thông ở các tổ chức Đảng, Bộ/ Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan báo chí, từng bước xây dựng và thực thi chiến lược quản lý truyền thông trong lĩnh vực truyền thông chính phủ; đầu tư phát triển nguồn lực và tạo cơ chế phát triển ngành công nghiệp truyền thông và lĩnh vực truyền thông doanh nghiệp trong nước hiện nay. Bên cạnh đó, cần đầu tư và có chính sách phát triển các doanh nghiệp công nghệ, xây dựng các phần mềm hoặc ứng dụng các phần mềm phân tích, lọc nội dung và đảm bảo thông tin trên môi trường truyền thông số hiện nay.

Tài liệu tham khảo:

1. Đỗ Thị Thu Hằng, Thị trường báo chí truyền thông Việt Nam: thực trạng và xu hướng phát triển, Tạo chí Lý luận chính trị và Truyền thông số tháng 6 và tháng 7 năm 2017. Hà Nội.

2. Frank Webster (2006), Theories of the information society, Third Edition, Routlege Publisher, Master e-book.p 8-9.

3. G. Bechmann G., J. Fecker, U. Huws, G.V. Hootergem, M.L. Mirabile, A.B. Moniz, S. Siochru (1999). Information Society, Work and the Generation of New Forms of Social Exclusion (SOWING). First Interim Report (Literature Review), Tampere, p 8-9.

4. Bộ Thông tin và Truyền thông (9/2015), Những nội dung cơ bản về đề án quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, Hà Nội. tr.4-17

PGS. TS. Đỗ Thị Thu Hằng - Phó trưởng khoa, Phụ trách Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền