Ý tưởng mang trí tuệ nhân tạo lên robot chiến tranh khiến nhiều người lo lắng

(Dân trí) - Các nhà khoa học của Viện khoa học và công nghệ tiên tiến Hàn Quốc (KAIST) đang có kế hoạch phát triển trí tuệ nhân tạo trên những robot chiến tranh. Kế hoạch này lập tức chịu sự phản đối và gây ra nhiều lo lắng trong giới khoa học.

Hình ảnh những con robot giết chóc và đầy nguy hiểm trong những bộ phim khoa học viễn tưởng nhiều khả năng có "nguy cơ" trở thành hiện thực, khi Viện khoa học và công nghệ tiên tiến Hàn Quốc (KAIST) đang có kế hoạch hợp tác cùng công ty quốc phòng Hanwha Systems (Hàn Quốc) để phát triển.

Những cỗ máy này sẽ được áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để chúng có thể tự hoạt động, tìm kiếm và tiêu diệt các mục tiêu mà không cần sự điều khiển của con người.

Một loại robot chiến tranh tự động đang được quân đội Mỹ thử nghiệm
Một loại robot chiến tranh tự động đang được quân đội Mỹ thử nghiệm

Tham vọng của KAIST lập tức vấp phải sự phản đối và khiến nhiều nhà khoa học hàng đầu về trí tuệ nhân tạo cảm thấy lo lắng. Hơn 50 nhà nghiên cứu hàng đầu về trí tuệ nhân tạo và công nghệ robot cho biết sẽ tẩy chay KAIST vì tham vọng này, trong đó có thể kể đến giáo sư Toby Walsh của Đại học New South Wales (Úc), giáo sư Geoffrey Hinton của Đại học Toronto (Canada), giáo sư Yoshua Bengio của Viện nghiên cứu cao cấp Canada hay giáo sư Jurgen Schmidhuber của Đại học Lugano (Thụy Sĩ)...

Hành động tẩy chay này sẽ bao gồm việc cắt đứt mọi liên hệ và hợp tác kỹ thuật với KAIST cho đến khi Viện khoa học này đảm bảo rằng các loại vũ khí do mình phát triển sẽ “có sự kiểm soát của con người”.

Các nhà khoa học lo ngại rằng nghiên cứu của KAIST có thể đẩy nhanh cuộc đua phát triển các loại vũ khí tự trị, thậm chí là các loại robot giết người có thể tự hoạt động mà không cần con người, vốn đã được bắt đầu từ trước đây.

“Chúng ta có thể thấy nguyên mẫu của những loại vũ khí tự trị được phát triển tại nhiều quốc gia, bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Nga hay Anh...”, giáo sư Toby Walsh cho biết. “Chúng ta đã bị mắc kẹt trong một cuộc đua mà không ai muốn xảy ra. Động thái của KAIST sẽ làm tăng tốc cuộc đua này. Chúng ta không thể chịu đựng được điều này”.

Tuy nhiên trước làn sóng phản đối nhằm vào phía KAIST, Chủ tịch Sung-Chul Shin của viện khoa học này cho biết mình cảm thấy buồn vì bị tẩy chay, đồng thời phủ nhận rằng KAIST đang xây dựng hệ thống vũ khí tự động mà không có sự kiểm soát của con người.

“Là một tổ chức học thuật, chúng tôi đánh giá cao nhân quyền và tiêu chuẩn đạo đức ở mức độ rất cao”, Sung-Chul Shin chia sẻ. “KAIST sẽ không tiến hành bất kỳ hoạt động nghiên cứu nào chống lại loài người, bao gồm vũ khí tự động thiếu sự kiểm soát của con người”.

Dù vậy lời giải thích của Sung-Chul Shin vẫn chưa khiến các nhà khoa học cảm thấy an tâm và họ cho biết vẫn chờ những động thái thực sự từ KAIST để quyết định có nên tiếp tục tẩy chay Viện khoa học này hay không.

Sự kết hợp giữa KAIST và Hanwha Systems được xem là sự kết hợp của hai tổ chức hàng đầu thế giới về robot và vũ khí quân sự. KAIST là viện nghiên cứu khoa học hàng đầu thế giới, trong đó có lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và công nghệ robot. Trong khi đó Hanwha Systems là công ty con của tập đoàn quốc phòng hùng mạnh Hanwha của Hàn Quốc. Hanwha đã tham gia vào việc phát triển nhiều loại vũ khí tự động như loại súng tự động SGR-A1 được cho là đang triển khai tại khu vực biên giới với Triều Tiên.

Mặc dù chiến dịch tẩy chay KAIST có thể khiến viện nghiên cứu này “chùn tay” trong tham vọng phát triển các loại vũ khí tự động, tuy nhiên các nhà khoa học tin rằng nỗ lực để ngăn chặn các loại vũ khí tự trị, thậm chí là robot chiến tranh với trí tuệ nhân tạo, là vô ích.

Trước đó nhiều nhà khoa học hàng đầu thế giới trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và công nghệ robot đã viết thư cho Liên hợp quốc, lập luận rằng các loại vũ khí giết người tự động mà không có sự can thiệp của con người có thể gây bất ổn cho thế giới và cần được kiểm soát bởi hiệp ước quốc tế. Hiện có 19 quốc gia, bao gồm Ai Cập, Argentina, Pakistan... ủng hộ đề nghị này của các nhà khoa học. Nhưng các quốc gia khác như Mỹ và Anh nói rằng luật này sẽ là không thực tế vì không thể xác định được thế nào gọi là “không có sự kiểm soát của con người”. Hiện tại nhiều hệ thống vũ khí đã có ít nhất một số khả năng tự trị, bao gồm máy bay không người lái và mạng lưới phòng thủ tên lửa.

“Nếu được phát triển, các loại vũ khí tự trị sẽ cho phép chiến tranh được triển khai nhanh hơn và quy mô lớn hơn bao giờ hết”, giáo sư Toby Walsh nhận xét. “Chiến hộp Pandora này sẽ rất khó đóng lại nếu nó được mở ra”.

T.Thủy

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm