Những sáng chế mới lạ của phụ nữ làm nâng cao chất lượng cuộc sống
(Dân trí) - “Những sáng chế mới lạ và những sáng tạo mà những người phụ nữ tạo ra từ hoạt động nghiên cứu cũng như xuất phát từ việc thực hiện những thiên chức hàng ngày của họ đã làm nâng cao chất lượng cuộc sống của con người trong mọi lĩnh vực”, ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ nhận định.
Ngày 12/4, Cục Sở hữu trí tuệ phối hợp với Hội Nữ Trí thức Việt Nam và Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội tổ chức Tọa đàm “Nữ trí thức và công cụ sở hữu trí tuệ trong đổi mới, sáng tạo”. Đây là một trong những sự kiện nhằm chào mừng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới.
Tại buổi tọa đàm này, ông Đinh Hữu Phí chia sẻ: Hoạt động đổi mới, sáng tạo để được phát triển cần dựa trên nền tảng của tri thức và nghiên cứu tìm tòi, nhưng cũng cần có một công cụ hỗ trợ đắc lực đó là quyền sở hữu trí tuệ. Sở hữu trí tuệ ngày càng có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia và nó đã thực sự trở thành mối quan tâm chung của toàn thế giới. Đối với các nước phát triển, có nền kinh tế tri thức cao thì hoạt động sở hữu trí tuệ luôn được các tầng lớp trong xã hội tôn vinh, đề cao và được quan tâm, coi trọng. Tuy nhiên, đây lại là lĩnh vực còn khá non trẻ ở một số nước đang hoặc chậm phát triển, trong đó có Việt Nam.
Chủ đề của Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới năm nay được WIPO lựa chọn là “Tiếp sức cho những thay đổi – Phụ nữ với hoạt động đổi mới sáng tạo”. Chiến dịch kỷ niệm Ngày sở hữu trí tuệ thế giới năm nay tôn vinh tài năng, sự khéo léo, ham học hỏi và sự can đảm của phụ nữ - những người bằng lao động sáng tạo của mình đang thay đổi thế giới và định hình tương lai chung của chúng ta.
“Những sáng chế mới lạ và những sáng tạo mà những người phụ nữ tạo ra từ hoạt động nghiên cứu cũng như xuất phát từ việc thực hiện những thiên chức hàng ngày của họ đã làm nâng cao chất lượng cuộc sống của con người trong mọi lĩnh vực. Những đóng góp đầy cảm hứng và quan trọng của vô vàn phụ nữ trên khắp thế giới đang tạo ra thay đổi trong thế giới của chúng ta. Thái độ "có thể làm được" của phụ nữ là nguồn cảm hứng cho tất cả chúng ta. Và những thành tựu đáng ghi nhận của họ là di sản vô giá cho các em gái hôm nay đến với khát vọng trở thành các nhà sáng chế và chủ thể sáng tạo trong tương lai” – ông Phí nói.
Quang cảnh buổi tọa đàm.
Cũng theo ông Phí, phụ nữ trên khắp thế giới đã và đang đảm nhận vai trò lãnh đạo và có tiếng nói quyết định trong giới khoa học, công nghệ, kinh doanh và nghệ thuật. Với sự chung tay của phụ nữ và nam giới, chúng ta sẽ củng cố tiềm năng của nhân loại và nâng cao năng lực của chúng ta để làm phong phú nền văn hóa chung và tạo ra các giải pháp hiệu quả để xóa đói, giảm nghèo, nâng cao sức khỏe toàn cầu và bảo vệ môi trường.
“Chủ đề kỷ niệm Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới năm nay là cơ hội để nêu bật cách thức mà hệ thống sở hữu trí tuệ có thể hỗ trợ những phụ nữ vốn luôn có tố chất đổi mới và sáng tạo trong nỗ lực tìm kiếm nhằm đưa những ý tưởng mới lạ của họ ra thị trường”, Cục trưởng Đinh Hữu Phí nhấn mạnh.
Tại buổi tọa đàm các đại biểu cũng chia sẻ thông tin về các hoạt động sáng tạo của nhà khoa học nữ, vai trò của sở hữu trí tuệ đối với hoạt động nghiên cứu triển khai và kinh nghiệm đăng ký, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các nhà khoa học và trách nhiệm của các cơ quan quản lý.
Nhấn mạnh tại tọa đàm, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Phạm Thị Trân Châu, Chủ tịch Hội Nữ Trí thức Việt Nam cho hay, đã có nhiều thành viên của hội nhận được các bằng độc quyền sáng chế. Trong số 31 người của Hội có hồ sơ gửi đến Cục Sở hữu trí tuệ thì có 17 số bằng độc quyền sáng chế (có hai bằng nước ngoài); số bằng độc quyền giải pháp hữu ích là 21; có 3 nhãn hiệu; 09 giống lúa và 01 giống cây.
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Phạm Thị Trân Châu, Chủ tịch Hội Nữ Trí thức Việt Nam.
Giáo sư Trân Châu cũng đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ tiếp tục phối hợp với hội để hỗ trợ các nữ trí thức các vấn đề liên quan như. Ngoài ra, bà cũng khuyến nghị các nữ tri thức cần chủ động trong hoạt động sở hữu trí tuệ, mạnh dạn đăng ký, mời các chuyên gia sở hữu trí tuệ đến báo cáo để nâng cao kiến thức về lĩnh vực này tại đơn vị mình.
“Hội Nữ Trí thức Việt Nam sẵn sàng tạo điều kiện hỗ trợ khi các hội viên có yêu cầu”, GS Trân Châu nói.
Nguyễn Hùng