Các nhà khoa học khám phá ra lý do nước biến mất trên Sao Hỏa
(Dân trí) - Bí ẩn về những gì đã xảy ra với nước trên Sao Hỏa dường như đã được giải quyết bởi một nhóm các nhà nghiên cứu tại Đại học Oxford.
Trước đây, sự biến mất của 87 % nước trên Hành tinh Đỏ được cho là do hành tinh này bị mất từ trường.
Thông tin mới cho thấy rằng phần nước còn lại của hành tinh gần Trái đất nhất này bị thấm vào giống "như một miếng bọt biển" bởi các tảng đá.
Tiến sĩ Jon Wade cho biết: "Mọi người đã suy nghĩ về câu hỏi này trong một thời gian dài, nhưng chưa bao giờ thử nghiệm lý thuyết về việc nước được hấp thụ như là kết quả của các phản ứng đá đơn giản.
Trên Sao Hỏa, nước phản ứng với những dung nham (lava) phun trào mới tạo thành lớp vỏ bazan, dẫn đến hiệu ứng giống như bọt biển. Sau đó, nước của hành tinh phản ứng với các tảng đá để tạo thành một loạt các khoáng chất mang nước.
"Phản ứng nước - đá này đã làm thay đổi hệ thống đá và làm cho bề mặt hành tinh trở nên khô khan và không thân thiện với sự sống".
Có bằng chứng cho thấy Sao Hỏa là một hành tinh ấm áp hơn với nước chảy tự do trước khi nó khô cạn và trở nên cằn cỗi, không thể sinh sống.
Khám phá này cũng giúp giải thích rằng sự khác biệt "tinh vi" trong khí hậu cho phép Trái đất duy trì nước và tại sao nó không có những vấn đề tương tự mà Sao Hỏa đã trải qua từ hàng ngàn năm trước.
"Sao Hỏa nhỏ hơn Trái đất nhiều, với hồ sơ nhiệt độ khác biệt và hàm lượng sắt trong lớp áo silicat cao hơn”, theo Tiến sĩ Wade chia sẻ.
Đây chỉ là những khác biệt tinh tế nhưng chúng gây ra những hiệu ứng đáng kể, và theo thời gian, được cộng dồn.
"Chúng đã làm cho bề mặt của Sao Hỏa dễ bị phản ứng với nước bề mặt hơn và có thể hình thành các khoáng chất có chứa nước."
Một báo cáo khác mới đây được công bố bởi Khoa Khoa học Trái đất của Đại học Oxford đã ủng hộ tuyên bố này và cho rằng chỉ cần có sự khác biệt tinh vi trong hệ sinh thái của một hành tinh có thể dẫn đến liệu rằng nước có thể chảy.
Báo cáo phát hiện ra mức halogen của trái đất, được tạo thành từ Clo, Brom và Iodine, đã phải tìm ra sự cân bằng hoàn hảo để tránh làm triệt tiêu nước.
Tiến sĩ Wade nói thêm: "Nói chung các hành tinh bên trong hệ mặt trời có thành phần tương tự, nhưng sự khác biệt tinh tế có thể gây ra sự khác biệt đáng kể - ví dụ như hóa học của đá.
"Sự khác biệt lớn nhất là sao Hỏa có nhiều chất sắt hơn trong các lớp đá phủ của nó, vì hành tinh này được hình thành dưới điều kiện oxy hóa mạnh hơn một chút".
Đào Hiền (Theo Express)