Vì sao sinh viên không mặn mà với danh hiệu “Sinh viên 5 tốt”?

(Dân trí) - Hội nghị lấy ý kiến của các sinh viên, giáo viên, giảng viên trẻ đóng góp vào Văn kiện Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI đã thẳng thắn nêu lên những vấn đề tồn tại của phong trào "Sinh viên 5 tốt" - một phong trào đang được triển khai trong các trường đại học, cao đẳng hiện nay.

Ngày 16/5, T.Ư Đoàn tổ chức Hội nghị chuyên đề lấy ý kiến Văn kiện Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI trong sinh viên, giáo viên, giảng viên trẻ đã được tổ chức tại Hà Nội với nhiều ý kiến góp ý thiết thực từ kinh nghiệm và thực tiễn tại cơ sở. Đồng chí Lê Quốc Phong, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất BCH Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam đã chủ trì hội nghị.

Tại Hội nghị, nhiều giảng viên và sinh viên trẻ đại diện các trường đại học, cao đẳng đã đánh giá việc triển khai và góp ý nhiều giải pháp để triển khai phong trào “Sinh viên 5 tốt” từ kinh nghiệm thực tiễn tại cơ sở.

Các ý kiến nhận xét, tổng kết thực tiễn hoạt động của phong trào Sinh viên 5 tốt
Các ý kiến nhận xét, tổng kết thực tiễn hoạt động của phong trào "Sinh viên 5 tốt"

Phó bí thư đoàn trường Đại học Y dược Thái Nguyên Nguyễn Xuân Thành cho rằng, phong trào “Sinh viên 5 tốt” có ý nghĩa và hiệu quả thiết thực giúp năng lực sinh viên tăng dần theo các năm.

Tuy nhiên, nhìn nhận trên khía cạnh của sinh viên, phong trào chỉ dành cho các sinh viên khá giỏi, các sinh viên yếu kém không cảm thấy đủ động lực để vươn lên đạt danh hiệu này dù phong trào đặt ra chỉ là mục tiêu để sinh viên hướng tới hoàn thiện chính mình.

Anh Thành cũng nhận thấy rằng sinh viên và nhà tuyển dụng chưa ý thức được ý nghĩa, vai trò của danh hiệu “Sinh viên 5 tốt”. Anh Thành đề xuất, để phong trào “Sinh viên 5 tốt” đi vào cuộc sống, làm động lực cho mọi sinh viên phấn đấu, T.Ư Đoàn cần có sự kết hợp công nhận của chính quyền, bộ ngành, nhà tuyển dụng. Sự công nhận này giúp những sinh viên đạt danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” khi ra trường sẽ có cơ hội nghề nghiệp, việc làm rộng mở hơn các bạn khác.

Theo anh Nguyễn Thanh Hưng, Bí thư Đoàn trường ĐH Thương mại, phong trào “Sinh viên 5 tốt” vướng mắc ở đầu vào lẫn đầu ra. “Với đầu vào, cần mềm hóa một số tiêu chí để mọi sinh viên có thể tham gia. Còn đầu ra, danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” chưa thấy có tác dụng gì với nhà tuyển dụng. Nhà tuyển dụng dường như không quan tâm, trong khi để đạt được danh hiệu này đòi hỏi sự nỗ lực toàn diện không chỉ trình độ học vấn mà cả khả năng hội nhập, kỹ năng xã hội, sức khỏe.

Vì thế tôi đề xuất T.Ư Đoàn kết nối với nhà tuyển dụng, cần ưu tiên những sinh viên đạt danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” khi tuyển dụng”.

Vì sao sinh viên không mặn mà với danh hiệu “Sinh viên 5 tốt”? - 2

Phó ban trường học Thành đoàn Hà Nội Trần Quang Hưng đề xuất ý kiến, cần đẩy mạnh phong trào “Sinh viên 5 tốt” trong nhiệm kỳ tới bằng cách đẩy mạnh nội hàm của phong trào. Anh cho rằng, nên đưa nhiều giải pháp dành cho “Sinh viên 5 tốt” vào báo cáo chính trị để thể hiện vai trò đồng hành, sát cánh của tổ chức Đoàn với sự phát triển của sinh viên bằng các hoạt động cụ thể.

Một số ý kiến khác cho rằng, sinh viên đã đạt danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” nên chủ động giới thiệu thành tích của mình trong đơn xin việc với nhà tuyển dụng để được lưu ý hơn là ngồi đợi sự hỗ trợ.

Tuy nhiên nhìn chung, các đại biểu tin tưởng “Sinh viên 5 tốt” đã khẳng định sự nỗ lực vươn lên của sinh viên và đây có thể coi là một điểm mạnh khi sinh viên kê khai sơ yếu lý lịch và giới thiệu về bản thân với nhà tuyển dụng. Từ đó, sinh viên có thể khẳng định và thể hiện được năng lực của chính mình khi trực tiếp trao đổi với nhà tuyển dụng, cũng như khẳng định sinh viên đã nhận thấy ý nghĩa thật sự của danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” mang lại.

Phát biểu kết luận Hội nghị chuyên đề, Bí thư thứ nhất BCH Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam Lê Quốc Phong khẳng định, phong trào “Sinh viên 5 tốt” vẫn rất được đông đảo sinh viên quan tâm và sẽ tiếp tục được thực hiện trong nhiệm kỳ tới, giúp hình thành một hình mẫu của sinh viên Việt Nam hoàn thiện khi bước chân ra ngoài xã hội.

Anh Lê Quốc Phong cũng đề nghị Đoàn Thanh niên - Hội Sinh viên các trường, trong quá trình triển khai cần bắt nhịp được với suy nghĩ, yêu cầu của sinh viên, từ đó đáp ứng, đồng hành để tăng tính chủ động của sinh viên trong mọi hoạt động.

Anh nhấn mạnh: "Các ý kiến của các bạn sinh viên, giáo viên, giảng viên trẻ sát với tình hình thực tế sẽ là những gợi mở giúp hoàn thiện báo cáo chính trị Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI, cũng như xây dựng hoạt động cụ thể nhằm thúc đẩy hoạt động Đoàn khối trường học trong nhiệm kỳ sắp tới".

Mai Châm