Trường Nông lâm, Sư phạm có tự chủ được không?
(Dân trí) - Trước băn khoăn các trường Sư phạm, Nông lâm… khó chuyển sang tự chủ, Bí thư thành uỷ TPHCM Đinh La Thăng khẳng định TPHCM sẵn sàng làm việc với Bộ GD-ĐT để rà soát lại các trường đại học được tự chủ với tùy điều kiện của từng trường, mức độ tự chủ khác nhau
Ngày 21/2, Bí thư Thành uỷ TPHCM Đinh La Thăng có buổi làm việc với Đảng ủy khối các trường Đại học - Cao đẳng và Trung cấp chuyên nghiệp tại TPHCM. Tại buổi làm việc, lãnh đạo nhiều trường khẳng định tự chủ là “con đường” đúng đắn để phát triển giáo dục ĐH. Tuy vậy, đối với một số lĩnh vực như sư phạm, nông lâm, luật... sẽ gặp không ít khó khăn khi "tự bơi".
TS Nguyễn Văn Phúc- Hiệu trưởng trường ĐH Mở TPHCM cho biết trường ĐH Mở TPHCM được thí điểm tự chủ từ 6/2015 trên nhiều phương diện về tài chính, tổ chức bộ máy, một số vấn đề về đào tạo, hợp tác quốc tế… Qua quá trình tự chủ, các trường đã vươn lên mạnh mẽ, học phí được tăng lên. Tuy nhiên trong quá trình tự chủ các trường vẫn dành một tỉ lệ rất lớn để cấp học phí trở lại cho đối tượng sinh viên nghèo.
Ông Phúc cho rằng: “Các trường nâng chất lượng đào tạo lên chứ không thể đòi hỏi chế độ học phí thấp để giải quyết chế độ chính sách cho sinh viên nghèo. Phải chuyển đổi mạnh mẽ thì mới có hệ thống giáo dục ĐH chất lượng”.
PGS.TS Nguyễn Hay - Hiệu trưởng trường ĐH Nông lâm TPHCM thì băn khoăn rằng các giảng viên trẻ với đồng lương hiện nay thì không đủ sống nên phải làm thêm bên ngoài rất nhiều chất lượng giảng dạy của giảng viên ở các trường ĐH hiện nay bị ảnh hưởng vì thiếu tập trung. Do đó, mong rằng TPHCM có chính sách hỗ trợ cho giảng viên nhất là các em mới ra trường.
Ông Hay cũng khẳng định trường đang hướng tới tự chủ bởi đó là con đường tất yếu. “Ở một số lĩnh vực có nhiều trường cùng đào tạo, trong khi trường được tự chủ có thể trả lương cho giảng viên cao hơn thì tất nhiên sẽ xảy ra tình trạng “chảy máu chất xám”, trường không thể giữ chân người giỏi”.
Chia sẻ với điều đó, Bí thư Thành ủy TPHCM dẫn chứng về trường hợp đôi vợ chồng trẻ mà ông quen, vừa tốt nghiệp ngành nông lâm và làm thuê cho nông trại trồng dưa, mỗi người nhận lương 10 triệu đồng mỗi tháng. "Vậy nếu trả lương 3 triệu đồng thì làm sao thu hút được người giỏi ở lại trường?", ông Thăng đặt câu hỏi và khẳng định: "Các trường phải tự chủ mới có thể nâng cao được thu nhập cho cán bộ nhân viên".
Dù khẳng định sẽ tự chủ nhưng TS Nguyễn Hay vẫn băn khoăn khi đối với các ngành Nông nghiệp đa phần là con em nông dân theo học thì làm sao tăng học phí lên hơn 10 triệu đồng.
Tương tự, PGS.TS Lê Văn Tiến - Hiệu trưởng trường CĐ Sư phạm Trung ương TPHCM thì đặt vấn đề tự chủ là hướng tốt nhưng đối với ngành Nông lâm, Sư phạm có tự chủ được không. Bởi khi tự chủ, các trường này phải thu học phí cao, trong khi giáo viên mới ra trường lương rất thấp thì không ai dám vào sư phạm.
“Khối ngành Sư phạm làm thế nào tự chủ? Nếu buông “bầu sữa mẹ” từ Bộ GD-ĐT thì chắc các trường sư phạm “ngủm” luôn. Trường sư phạm có đầu tư thật chuẩn thì cũng không có người giỏi vào đâu bởi vấn đề là lương giáo viên quá thấp”, ông Tiến chia sẻ. Ông Tiến cho rằng cần cải taọ hệ thống lương cho hệ thống giáo viên.
PGS. TS nguyễn Kim Hồng - Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm TPHCM tiếp lời rằng: “Lương giáo viên mới ra trường là chưa tới 3 triệu đồng và họ mất 5 năm đầu là không được tính thâm niên. Lương rất thấp nên họ phải bươn chải đủ việc để sống”. Ông Hồng cho biết trường ĐH Sư phạm TPHCM ra đời 40 năm rồi nhưng chắc chắc vẫn cần “bầu sữa mẹ” và đề xuất phải có cơ chế nào đó của nhà nước sao cho lương của giáo viên cao hơn”
Lắng nghe ý kiến của lãnh đạo các trường, Bí thư Thành ủy TPCHM đã có những đề nghị đối với Đảng uỷ khối các trường. Ông Đinh La Thăng nhấn mạnh cần tập trung tự chủ tài chính, thực hiện xã hội hoá trong đầu tư cơ sở vật chất tuy nhiên vẫn đảm bảo đúng chủ trương đường lối của Đảng.
“Chúng ta tự chủ về tài chính, phân cấp phân quyền nhưng vẫn phải đảm bảo nội dung chương trình đào tạo đúng chủ trương, đường lối. Đẩy mạnh tự chủ, không thể để bao cấp tràn lan, phải thực hiện đúng cơ chế thị trường xã hội chủ nghĩa bên cạnh hỗ trợ gia đình chính sách, gia đình có công còn đối tượng khác phải thực hiện đúng theo cơ chế thị trường để mục đích tạo ra sản phẩm tốt nhất hội nhập quốc tế. Trước đây nhiều nước đến TPHCM học tập còn nay ta thì ngược lại vậy thì các trường phải xem lại”, ông Thăng nói.
Trước vướng mắc của các trường sư phạm, nông lâm… khi chuyển sang tự chủ, Bí thư thành uỷ cũng khẳng định TPHCM sẵn sàng làm việc với Bộ GD-ĐT để rà soát lại các trường đại học được tự chủ với tùy điều kiện của từng trường, mức độ tự chủ khác nhau.
Bên cạnh đó, ông Thăng cho rằng nội dung đào tạo cần quan tâm việc đón nhận làn sóng cách mạng khoa học kỹ thuật mới. Hướng sinh viên vào học các trường khoa học công nghệ, kỹ thuật có chương trình nuôi dưỡng kỹ năng khoa học kỹ thuật từ nhỏ. Cần phải bổ sung nội dung chương trình lập trình từ bước tăng dần. Thành phần cũng cần đầu tư xây dựng hạ tầng internet. Chúng ta hội nhập mà vẫn đào tạo theo kiểu cũ thì không thể được.
Dịp này, ông Thăng đề nghị UBND thành phố có chủ trương tháo gỡ vấn đề đất sạch cho các trường; cần công khai quỹ cho vay để hỗ trợ các trường di dời; hỗ trợ các trường trong việc hội nhập. Về cấp phép cho chuyên gia, việt kiều thì Sở LĐTB&XH phải cấp phép, không nên cản trở và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, quản lý hộ khẩu cần phải bỏ, cải cách thủ tục hành chính. Bản thân các trường phải chủ động giới thiệu mình chứ không ngồi đợi người ta đến đặt hàng.
Lê Phương