TPHCM:
Trường ĐH cơ sở tạm bợ, nhiều ngành không tuyển được sinh viên
(Dân trí) - Thực trạng giáo dục các trường ĐH tại TPHCM còn rất nhiều bất cập như về cơ sở đào tạo phải thuê mướn tạm bợ; có trường tuyển dụng ký chức danh nhân viên nhưng lại phân công làm giảng viên cơ hữu..
Theo báo cáo của Sở GD-ĐT TPHCM về thực trạng các trường ĐH, hiện nhiều trường còn sử dụng quá nhiều cơ sở thuê mướn để hoạt động đào tạo và chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép đặt địa điểm đào tạo. So với cam kết thành lập, nhiều trường chưa có đủ đất thuộc sở hữu mà vẫn còn thuê mướn cơ sở đào tạo tạm bợ.
Về đội ngũ giảng dạy, đa số các trường còn hạn chế trong việc lưu trữ hồ sơ nhân sự. Cụ thể như một số hồ sơ thiếu hợp đồng lao động, hợp đồng hết hạn, hợp đồng chưa được ký đúng quy định như thời hạn ký hợp giáo viên cơ hữu; một số hợp đồng ký chức danh nhân viên nhưng lại phân công làm giảng viên cơ hữu; bằng cấp nước ngoài cấp chưa được dịch thuật, công chứng, và chưa có thẩm định của Bộ GD-ĐT.
Về đào tạo tuy số lượng ngành tăng, phát triển nhiều ngành hơn nhưng số lượng sinh viên theo học không tương ứng, thậm chí có những ngành không tuyển được sinh viên trong nhiều năm liền.
Ngoài ra, Sở GD-ĐT TPHCM cũng đề cập đến những bất ổn nội bộ và khiếu kiện kéo dài ở một số trường, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo, hoạt động của nhà trường, gây hoang mang cho học sinh, phụ huynh và dư luận xã hội.
Đối với giáo dục chuyên nghiệp, hiện nay trên địa bàn TPHCM có 16 trường cao đẳng và 32 trường Trung cấp chuyên nghiệp (TCCN).
Tỷ lệ học sinh sinh viên ra trường có việc làm trong năm học 2015-2016 là 57.01 %. Một số trường trung cấp, cao đẳng có việc làm đạt tỷ lệ cao như trường trung cấp Bến Thành đạt 95.25%, trung cấp Tây Sài Gòn đạt 92%, cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Vạn Xuân đạt 94.1%...
Hoài Nam