Trường đại học phải mạnh dạn tự chủ mới nhanh chóng thoát khỏi khó khăn

(Dân trí) - "Chỉ trường đại học nào mạnh dạn đổi mới theo hướng tự chủ thì mới nhanh chóng thoát ra được khó khăn. Tới đây vị thế của mỗi trường đại học sẽ khác nhau và sẽ bắt đầu xuất hiện sự cạnh tranh rất mạnh. Chất lượng sẽ trở thành tiêu chí số một quyết định sự tồn tại hay không tồn tại của một trường đại học..."

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh trong buổi thăm và làm việc với trường ĐH Lâm Nghiệp Việt Nam chiều ngày 22/2.


Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ dự hội nghị tại trường ĐH Lâm Nghiệp Việt Nam

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ dự hội nghị tại trường ĐH Lâm Nghiệp Việt Nam

Giảm đầu tư để các trường đại học tự sống với thị trường

Tại buổi làm việc, chia sẻ với thầy trò Trường Đại học Lâm nghiệp về bức tranh chung của giáo dục hiện nay, Bộ trưởng nêu rõ, Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để nâng cao chất lượng giáo dục song cũng còn nhiều khó khăn, thách thức, trong đó thách thức lớn nhất là nghịch lý giữa một bên là đòi hỏi chất lượng rất cao và một bên là điều kiện để tạo ra chất lượng lại thấp.

“Nếu làm một con số so sánh. Bình quân chung để đào tạo cử nhân của Việt Nam theo định mức hiện nay là khoảng 13 triệu đồng/năm, nhưng tương tự bằng cử nhân đó ở Mỹ, trường công khoảng 20 - 26 ngàn USD, tư thục khoảng 36 ngàn USD. Đành rằng kinh phí không nói lên tất cả nhưng rõ ràng đang có sự mẫu thuẫn giữa đòi hỏi và điều kiện” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Một nghịch lý nữa cũng được Bộ trưởng nhắc tới, đó là một bên đòi hỏi đại học phải tự chủ với mục đích để nâng cao chất lượng và một bên là thực tế giải quyết vấn đề tự chủ gặp muôn vàn khó khăn. Lịch sử tự chủ của các trường đại học trên thế giới cũng rất gian truân. 16 trường đại học của Việt Nam đã tự chủ rồi nhưng nhìn vào thấy rất nhiều vấn đề. Làm thế nào để tạo hành lang pháp lý và các trường đồng loạt tự chủ vẫn là câu hỏi lớn.

Nghịch lý thứ ba theo Bộ trưởng là số lượng trường đại học của Việt Nam với 271 trường như hiện nay là thấp so với quy mô dân số hơn 92 triệu người nhưng luôn bị xã hội lên án tràn lan các trường đại học.

Nguyên nhân là do trong bối cảnh khó khăn, sinh viên ra trường không có việc làm không chỉ thuần túy phụ thuộc vào chất lượng đào tạo mà còn phụ thuộc thị trường lao động. Hiện nay, nhìn vào bức tranh tạo việc làm, thất nghiệp vẫn chưa sáng sủa trong khi mỗi năm vẫn có hàng trăm nghìn sinh viên ra trường.

Với ngần đó nghịch lý và áp lực, chỉ trường đại học nào mạnh dạn đổi mới theo hướng tự chủ thì mới nhanh chóng thoát ra được, còn những trường lúng túng sẽ rất khó khăn. Tới đây vị thế của mỗi trường đại học sẽ khác nhau và sẽ bắt đầu xuất hiện sự cạnh tranh rất mạnh. Chất lượng sẽ trở thành tiêu chí số một quyết định sự tồn tại hay không tồn tại của một trường đại học.

“Xu hướng là kinh phí nhà nước sẽ tập trung cho giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục đại học sẽ hạn chế theo hướng chỉ đầu tư vào những trường những ngành hiệu quả hoặc những ngành buộc phải đầu tư còn lại sẽ phải sống bằng thị trường. Ngân sách giao cho các trường cũng không thường xuyên mà theo hướng đặt hàng. Không phân biệt công lập hay dân lập mà bình đẳng trong cạnh tranh” - Bộ trưởng khẳng định.


Đối với việc rà soát ngành nghề, Bộ trưởng lưu ý, các trường thường bị rơi vào “bẫy” có bề dày lịch sử.

Đối với việc rà soát ngành nghề, Bộ trưởng lưu ý, các trường thường bị rơi vào “bẫy” có bề dày lịch sử.

Có thể thu gọn ngành truyền thống, đào tạo ngành xã hội cần

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, bất kỳ một trường đại học hay cơ sở giáo dục nào cũng phải đặt ra sứ mạng của mình. Rõ ràng với lợi thế của một đất nước với 3/4 địa hình là đồi núi và kinh tế rừng vẫn chiếm một vị trí quan trọng như Việt Nam thì Trường Đại học Lâm nghiệp kiên trì “phân khúc” lâm nghiệp như hiện nay là hợp lý.

Trước băn khoăn của nhà trường về việc phát triển theo hướng học viện hay trường đại học, Bộ trưởng khẳng định, đại học hay học viện chỉ là tên gọi, quan trọng là xác định đi theo hướng nào, hướng nghiên cứu hay thực hành hay nghiên cứu ứng dụng. Và vấn đề quan trọng là nội hàm chứ không phải hình thức.

“Tôi tư vấn Trường Đại học Lâm nghiệp nên đi theo hướng nghiên cứu ứng dụng, vẫn biết trường đại học phải có nghiên cứu nhưng nghiên cứu của ta là ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực lâm nghiệp, công nghệ cao, bắt nhịp với tiến bộ khoa học công nghệ thế giới trong lĩnh vực lâm nghiệp” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Về vấn đề kiểm định đánh giá ngoài, Bộ trưởng cho rằng, đây là nhiệm vụ cần thiết và là nhu cầu tự thân của nhà trường để thông qua đó biết mình đang ở đâu để tiếp tục hoàn thiện theo hướng tốt lên. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ ủng hộ và sớm đưa Trường Đại học Lâm nghiệp vào danh sách các trường tổ chức đánh giá ngoài.

Đối với việc rà soát ngành nghề, Bộ trưởng lưu ý, các trường thường bị rơi vào “bẫy” có bề dày lịch sử. Khi những ngành truyền thống khó tuyển sinh, các trường đều lúng túng không giải quyết được. Còn ngành mới, xã hội cần thì không có nguồn lực.

Cách giải quyết hiện nay là phải liên kết, phối hợp với bên ngoài để xây dựng dự báo. Bám sát vào chủ trương của Chính phủ, của ngành trong phát triển nông, lâm nghiệp để rà soát. Có thể thu gọn lại các ngành truyền thống. Tập trung vào những ngành thị trường cần, có thể là doanh nghiệp cần, địa phương cần để rà soát cơ cấu các ngành đào tạo.

Với cách làm đó sẽ có bản đồ các ngành đào tạo với mức độ, mức ưu tiên khác nhau. Đặc biệt những ngành mới, ưu tiên nhập công nghệ đào tạo nước ngoài, không đòi hỏi phải sáng tạo nhiều. Tư duy là quản trị đại học, không phải là quản lý đại học và luôn tính đến ai sẽ dùng sản phẩm của mình.

Thời gian tới, Bộ trưởng đề nghị Trường Đại học Lâm nghiệp chú trọng hơn nữa đến đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, với số lượng 26% tiến sĩ như hiện nay chỉ đáp ứng được yêu cầu hiện tại nhưng chưa đủ cho nhu cầu phát triển.

Nhà trường cũng cần chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu. Phải tính toán để đưa chương trình đào tạo thành các dự án và tính đến người dùng phải trả tiền nhằm nâng cao khả năng tài chính của nhà trường trước xu thế tự chủ và cạnh tranh.

Minh Thu