Trường có quyền loại học sinh nếu nhiều lần vi phạm luật an toàn giao thông
(Dân trí) - Sở GD&ĐT Hà Nội vừa có quy định buộc thôi học 1 tuần nếu học sinh nhiều lần tái phạm các quy định về an toàn giao thông đã gây nhiều ý kiến trái chiều.
Theo một số hiệu trưởng Trường THPT tại Hà Nội, ngành Giáo dục cũng cần có quy định riêng về an toàn giao thông. Một khi học sinh đã đồng ý cam kết khi gia nhập cộng đồng chung ấy, nhà trường có quyền loại nếu các em nhiều lần không chấp hành luật.
PGS Văn Như Cương - Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh: “Tôi có quyền loại học sinh nếu nhiều lần phạm luật”
Tôi nghĩ quy định buộc học sinh thôi học 1 tuần hoặc trả về nhà tùy theo mức độ vi phạm là hoàn toàn đúng. Trong lúc toàn xã hội đang vận động thực hiện văn hóa trong giao thông thì tầng lớp HS-SV, những người có tri thức mà bỏ qua thì rất phản cảm. Vì thế, để xử lý triệt để hơn, tôi nghĩ đưa ra hình phạt trên là rất đúng đắn.
Qua theo dõi trên Dân trí được biết, một số bạn đọc cho rằng việc phạm luật giao thông đã có cơ quan chức năng chuyên trách thực hiện các hình thức phạt theo quy định. Vậy tại sao cần phải đưa vào trường học? Nhà trường làm như thế liệu có phạm luật không?
Tôi cho rằng quy định đó không hề phạm luật vì trường học cũng có quy định của trường học. Chẳng hạn một số trường cấm nhuộm tóc, cấm ăn mặc phản cảm, cấm nói tục chửi bậy trong nhà trường... Nếu các em ra ngoài trường mà thực hiện thì không sao nhưng nếu trong trường học, nhà trường có quyền kỉ luật bởi một khi các em đã đồng ý và cam kết gia nhập cộng đồng nhưng vẫn vi phạm, chúng tôi có quyền loại các em ấy ra khỏi nhà trường.
Điều tôi băn khoăn là, quy định đưa ra nhưng chúng ta liệu có làm được hay không? Chẳng hạn trường tôi từ lâu đã có quy định, nếu em nào vi phạm luật giao thông mà phát hiện được, nhà trường mời cha mẹ học sinh đến. Học sinh đó có thể bị đình chỉ học từ 1-2 ngày hoặc lâu hơn tùy mức độ vi phạm.
Hiện nhà trường có bãi và yêu cầu tất cả các em đều gửi xe trong trường. Học sinh nào gửi bên ngoài đều bị phạt. Ngoài ra, chúng tôi cũng có quẹt thẻ từ và ghi lại giờ đến lớp của con vào lúc mấy giờ... Đó là một số giải pháp để hạn chế tình trạng học sinh vi phạm.
TS Nguyễn Tùng Lâm - Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng: “Buộc thôi học không có nghĩa thả nổi học sinh”
Trước đây đã từng có quy định về giáo dục an toàn giao thông trong nhà trường nhưng chưa đủ mạnh nên học sinh vẫn còn nhiều em vi phạm. Vì vậy lần này phải có giải pháp mạnh, quyết liệt hơn để học sinh nâng cao ý thức.
Tôi nghĩ hình phạt là một cách để các em thấy thiệt thòi và ý thức về hành vi của mình. Tuy nhiên, phải nhấn mạnh đến việc nhà trường và gia đình phải phối hợp với nhau. Phạt học sinh nhưng cha mẹ cũng phải kí cam kết để có trách nhiệm hơn trong việc nhắc nhở con em cả hai phía. Vì vậy, tôi hoàn toàn ủng hộ.
Nhiều người cho rằng, tại sao không yêu cầu học sinh vi phạm lao động công ích ở nhà trường. Việc buộc thôi học là một cách khiến các em lêu lổng hơn vì không ai quản lý. Tôi cho rằng đó là do họ chưa suy nghĩ thấu đáo.
Tôi thấy thực tế, cảnh sát giao thông cần kiên quyết hơn chứ hiện nay họ đang rất “thương” học sinh, nhiều em vi phạm nhưng không kiên quyết xử lý. Điều đó một phần khiến các em bị “nhờn”, không còn sợ.
Về phía nhà trường, tôi nghĩ buộc thôi học không có nghĩa là thả nổi các em ở gia đình, địa phương để các em chơi bời lêu lổng. Trước khi xử lý, nhà trường phải mời cha mẹ học sinh đến làm việc. Một khi gia đình đã kí cam kết với nhà trường thì gia đình phải quản lý. Nếu vì lý do như công việc hoặc bận bịu không quản lý được, gia đình có thể giao học sinh cho nhà trường để cho các em lao động công ích.
Ông Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức: “Nhiều khi nhà trường đơn độc vì cha mẹ học sinh không vào cuộc”
Ngành giáo dục Hà Nội nhiều năm nay đã quan tâm sát sao và chỉ đạo các trường về việc đảm bảo an toàn giao thông trong nhà trường và khi tham gia ngoài xã hội.
Từ năm 2003, Sở GD&ĐT thành phố đã thí điểm ở một số trường về thực hiện an toàn giao thông. Trường tôi cũng là một trong những đơn vị thí điểm. Nhờ những kế hoạch triển khai thời điểm đó nên có kết quả nhất định.
Riêng trường chúng tôi cũng đã có nhiều biện pháp để hạn chế như: Hạ hạnh kiểm học sinh từng mức tùy theo vi phạm, mời cha mẹ học sinh đến làm việc... Tuy nhiên, đôi khi chúng tôi thấy đơn độc bởi sự vào cuộc thờ ơ của nhiều cha mẹ học sinh và một số cơ quan, đơn vị cạnh trường học không phối hợp. Trong khi nhà trường đang yêu cầu các em chấp hành nhưng cha mẹ đến đón học sinh lại đi đầu trần thì không được.
Hiện trường chúng tôi có gần 2 nghìn học sinh. Trong đó, khoảng 70% học sinh đi xe đạp điện. Số còn lại chưa đầy 30% đi xe đạp hoặc các phương tiện khác. Đã nhiều lần chúng tôi làm việc với các đơn vị và tổ chức cạnh trường để phối hợp không cho học sinh gửi xe máy nhưng họ chỉ cam kết được vài hôm rồi thả lỏng. Một số người cho rằng, họ đâu biết đó là học sinh, họ không biết các em sinh năm bao nhiêu nên có người gửi xe là họ cứ trông thôi... Vì thế chúng tôi rất khó quản lý.
Tôi nghĩ, nếu cương quyết thực hiện chủ trương này, cần đòi hỏi nhiều lực lượng và công sức của nhà trường, gia đình và các cơ quan chức năng ngoài xã hội. Chúng ta phải có chiến lược dài hơi theo từng giai đoạn và tất cả các trường cùng đồng loạt tham gia để học sinh trường này không cảm thấy thiệt thòi so với trường kia. Chẳng hạn, giai đoạn đầu các trường phấn đấu đạt được mức nào, giai đoạn 2 làm gì... Nếu tập trung trong một khoảng thời gian ngắn, sau đó lại bỏ lửng thì khó đạt hiệu quả.
Mỹ Hà
(Email:myha@dantri.com.vn)