Thanh Hóa:
Trung tâm hàng chục tỷ đồng chỉ có 20 học sinh theo học
(Dân trí) - Trung tâm Giáo dục Thường xuyên và Dạy nghề huyện Quan Hóa (tỉnh Thanh Hóa) với hàng chục phòng học, phòng dạy nghề, phòng chức năng và cả ký túc xá được Nhà nước đầu tư theo chương trình 30a lên tới hàng chục tỷ đồng, tuy nhiên, trái ngược với quy mô thì hiện tại chỉ phục vụ cho 20 học sinh.
Học sinh không đi học vì không có chính sách hỗ trợ?
Trung tâm Giáo dục Thường xuyên và Dạy nghề (GDTX&DN) huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa được đầu tư xây dựng mới cơ sở vật chất theo quyết định 4100 và quyết định 30a gồm 10 phòng học lý thuyết 2 tầng kiên cố, 3 xưởng thực hành nghề khang trang rộng rãi, có 16 phòng ở kiên cố 2 tầng khép kín cho học sinh.
Ngoài ra còn có khu ăn, ở và làm việc cho giáo viên và học sinh khang trang, sạch sẽ hợp vệ sinh, một nhà hiệu bộ 11 phòng đủ chỗ cho các bộ phận làm việc. Trung tâm GDTX&DN (Trung tâm) còn một số khó khăn như chưa có sân trường, nhà vệ sinh công cộng, nguồn nước để sinh hoạt...
Trái ngược lại với một cơ ngơi được đầu tư khang trang với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng nhưng hiện Trung tâm này chỉ có 20 học sinh theo học. Trong đó, lớp 10 có 9 học sinh; lớp 11 có 6 học sinh và lớp 12 có 5 học sinh. Nhưng con số thực tế hiện tại chỉ có 15 học sinh, do 5 em đã bỏ học một tuần nay chưa thấy trở lại trường học.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, hầu hết các phòng học văn hóa và phòng dạy nghề cửa đóng, then cài. Khu ký túc xá của Trung tâm hiện chỉ có 9 học sinh ở lại.
Ông Nguyễn Tuấn Anh - Giám đốc Trung tâm GDTX&DN huyện Quan Hóa, chia sẻ, tình trạng tuyển sinh khó khăn khiến Trung tâm không có người học diễn ra từ năm 2013 đến nay.
Cũng theo ông Tuấn Anh, mặc dù Trung tâm đã hỗ trợ hỗ trợ tiền điện, nước, vệ sinh, phòng ở, sách, bút…cho học sinh, các em chỉ phải đóng 12.500 đồng/bữa ăn. Thế nhưng, việc tuyển sinh gặp không ít khó khăn.
Trong những năm qua, cán bộ, giáo viên, thậm chí cả Giám đốc Trung tâm đã về tận các gia đình để vận động học sinh đến trường. Qua thực tế tuyên truyền, vận động học sinh ra lớp, Trung tâm gặp khó khăn là hầu hết phụ huynh có con em đều hỏi: “Chúng tôi cho con, em đến học ở Trung tâm có tiền hàng tháng không?”.
Khi trao đổi về thắc mắc của phụ huynh liên quan đến chế độ đối với người học, ông Nguyễn Tuấn Anh bộc bạch: “Chúng tôi rất buồn, vì cũng là học sinh cùng một đối tượng, cùng một địa phương, đều là con em đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng đặc biệt khó khăn nhưng không có các chế độ ưu đãi như nhau”.
Được biết, từ 2013, theo quy định, học sinh vùng đặc biệt khó khăn theo học tại Trung tâm GDTX sẽ không được hưởng trợ cấp tiền ăn nên đây là nguyên nhân chính khiến học sinh không mặn mà với Trung tâm GDTX&DN.
Việc đào tạo văn hóa gặp khó khăn, học sinh giảm nhiều so với các năm trước, thiếu giáo viên dạy văn hóa. Bên cạnh đó, Trung tâm còn có chức năng đào tạo nghề nhưng việc thu hút học viên cũng rất èo uột, thiếu giáo viên dạy nghề. Hầu hết các lớp nghề được tổ chức đều phải đi thuê giáo viên và một số trang thiết bị, máy móc phục vụ dạy nghề.
“Bơi” trong khó khăn
Trong những năm qua, Trung tâm GDTX&DN huyện Quan Hóa vẫn thực hiện tuyển sinh kế hoạch đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng cho các đối tượng trên địa bàn huyện Quan Hóa.
Nền nhà bong tróc nhiều chỗ.
Trước những khó khăn đó, trong những năm qua, Trung tâm cũng đã phối hợp với các xã, doanh nghiệp, chi nhánh điện tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trọng tâm là quyết định số 1956/QĐTTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ và một số chủ trương của huyện.
Năm 2015, Trung tâm đã liên kết với trường Trung cấp nghề giao thông vận tải mở các lớp lái xe mô tô hạng A1 cho 320 người tham gia; liên kết với trường Cao đẳng nghề công nghệ, kinh tế và chế biến lâm sản tỉnh Hà Nam mở 2 lớp Trung cấp nghề Điện dân dụng và Quản trị mạng máy tính; liên kết với dự án phát triển vùng Quan Hóa mở các lớp nghề cho trẻ ngoài học đường.
Đối với các đối tượng đặc thù, Trung tâm mở lớp nghề Điện dân dụng cho lao động nông thôn xã Nam Tiến, mở một lớp Tin học văn phòng cho xã Nam Động. Người học ít, không thường xuyên nên hầu hết các phòng dạy nghề đều bỏ không, nhiều thiết bị thực hành đã và đang bị xuống cấp nghiêm trọng.
Năm 2016, Trung tâm mở được 1 lớp nghề nông nghiệp trồng nấm và 2 lớp phi nông nghiệp với 90 học viên và được cấp 260 triệu cho công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Hiện tại, các lớp nghề đã học xong phần lý thuyết.
Mặc dù hiện tại chỉ có 15 học sinh theo học nhưng Trung tâm này vẫn phải duy trì 15 cán bộ, giáo viên và nhân viên, bảo vệ để phục vụ các hoạt động quản lý, giảng dạy.
Được biết, Trung tâm GDTX&DN huyện Quan Hóa được UBND tỉnh Thanh Hóa giao tổng biên chế 11 người. Nhưng hiện tại Trung tâm chỉ có 9 biên chế. Mỗi năm, nhà nước cấp gần 1,2 tỷ đồng để chi lương, chế độ cho cán bộ, giáo viên, nhân viên của Trung tâm GDTX&DN huyện Quan Hóa.
Trang thiết bị nghèo nàn, xuống cấp
Duy Tuyên