An Giang:

Thú vị học “Chiến dịch Hồ Chí Minh” bằng sa bàn

(Dân trí) - Hạn chế dạy học theo cách truyền thụ kiến thức một chiều, thầy Nguyễn Hoàng Khanh - giáo viên chủ nhiệm lớp 5A Trường tiểu học Lê Lợi, TP Long Xuyên (An Giang) làm sa bàn “Chiến dịch Hồ Chí Minh”, giúp học sinh nắm bắt những điểm trọng yếu của chiến dịch để đi đến thắng lợi mùa xuân 1975.

Học sinh mê học Sử nhờ sa bàn

Đồ dùng dạy học là phương tiện trực quan góp phần làm cho tiết dạy được sinh động, giúp học sinh tư duy tích cực, tìm tòi, tự khám phá để chiếm lĩnh kiến thức mới. Trong điều kiện thiết bị dạy học của Bộ GD-ĐT cung cấp không đủ nên phần lớn các thầy, cô phải nghĩ ra cách làm mới để gây hứng thú cho học sinh trong việc tiếp thu bài học.

Ở An Giang, người có nhiều sáng kiến trong việc chế ra đồ dụng dạy học là thầy Nguyễn Hoàng Khanh - giáo viên chủ nhiệm lớp 5A Trường tiểu học Lê Lợi, TP Long Xuyên. Thầy Khanh chẳng những tạo ra nhiều đồ dùng dạy học hữu ích như: “Bảng đổi số đo thời gian” phục vụ cho chương dạy “Chuyển động đều”… và đặc biệt là sản phẩm sa bàn lịch sử “Chiến dịch Hồ Chí Minh”. Cụ thể sa bàn có nội dung cuộc tổng tiến công và nổi dậy của chiến dịch Hồ Chí Minh 1975 phục vụ cho bài dạy “Tiến vào Dinh Độc lập”.

Thầy Nguyễn Hoàng Khanh đang thuyết trình về Chiến dịch Hồ Chí Minh thông qua mô hình sa bàn do chính thầy thiết kế.
Thầy Nguyễn Hoàng Khanh đang thuyết trình về "Chiến dịch Hồ Chí Minh" thông qua mô hình sa bàn do chính thầy thiết kế.

Chia sẻ ý tưởng thực hiện mô hình, thầy Khanh bộc bạch: "Môn học lịch sử nếu không có đồ dùng trực quan minh họa, sống động thì kiến thức các em khó tiếp cận bởi lịch sử Việt Nam trải qua nhiều giai đoạn, để giúp các em học tốt môn lịch sử nên từ đó chúng tôi tiến hành làm sa bàn để giảng dạy. Đây là mô hình vừa thiết thực cho việc dạy môn lịch sử, mặt khác cũng vừa giúp cho học sinh tiếp cận nhân vật lịch sử quan trọng của ngày 30/4/1975. Cũng chính sa bàn này sẽ giúp cho giáo viên sinh hoạt chủ điểm toàn trường tháng 4 và tháng 5 đó là Hòa bình - Hữu nghị".

Nhìn tổng thể, mô hình mô tả sự kiện Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tán thành đề xuất của Trung tướng Hoàng Minh Thảo chọn địa bàn Nam Tây Nguyên làm hướng tấn công chiến lược, xin ý kiến Bộ Chính trị Văn Tiến Dũng vào Nam chỉ đạo đòn đánh “điểm huyệt” vào hệ thống phòng ngự của Việt Nam Cộng hòa tại Buôn Mê Thuột. Chính ông đã thắng trận Buôn Mê Thuột, trực tiếp ra lệnh Trung tướng Lê Trọng Tấn gấp rút giải phóng Đà Nẵng trong 3 ngày, đề xuất và ra quyết định mở Chiến dịch Hồ Chí Minh mà trong đó Đại tướng Văn Tiến Dũng làm tư lệnh, Lê Trọng Tấn, Lê Đức Anh, Trần Văn Trà làm Phó Tư lệnh, chỉ huy 5 cánh quân với sức mạnh của 20 sư đoàn và đồng loạt tiến vào giải phóng Sài Gòn. Mệnh lệnh nổi tiếng của ông chỉ đạo Chiến dịch Hồ Chí Minh là “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam, quyết chiến và toàn thắng.”

Thông qua mô hình này, các học sinh được nhìn thấy xe tăng, tiếng súng... rất sinh động. Và quan trọng là nắm bắt được các nội dung trọng yếu của bài học một cách nhanh chóng.
Thông qua mô hình này, các học sinh được nhìn thấy xe tăng, tiếng súng... rất sinh động. Và quan trọng là nắm bắt được các nội dung trọng yếu của bài học một cách nhanh chóng.

Em Cao Hoàng Đức Phát, học sinh lớp 5C Trường Tiểu học Lê Lợi chia sẻ: “Nhiều lần tiếp cận với sa bàn đã giúp em hiểu rộng, sâu hơn về bài học, đó là chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng vào ngày 30/4/1975. Trước đây học môn lịch sử rất nhàm chán, thật bất ngờ khi thầy Khanh đã đưa ra mô hình giảng dạy mới lạ, từ đó không những em thích thú mà cả trường đều quan tâm khi đến giờ học lịch sử”.

Được biết, kích thước sa bàn là 1,5m x 1,8m. Chất liệu là khung sườn thép, mặt nền meca, cấu tạo là mặt cắt của hình thang, phía trên có tấm kiếng đậy lại. Bục được làm khung sườn thép, bọc Aluminium có bánh xe đẩy. Chất liệu mướp sơn màu, nhựa làm mô hình xe tăng, bộ binh, cờ. Các địa danh cắt chữ decal dán lên meca làm tăng mức độ chính xác cho sa bàn. Khi bật công tắc các bóng đèn cháy sáng, hệ thống âm thanh hoạt động thuyết minh cho năm mũi tấn công của quân giải phóng; tiếng súng nổ tượng trưng cho năm cách quân đồng loạt nổ súng đánh vào các điểm quan trọng của chính quyền Sài Gòn khoảng 5 phút, có xe tăng, bộ binh tượng trưng cho quân giải phóng; tiếng nói của Đài phát thanh Sài Gòn giải phóng phát lời tuyên bố đầu hàng của Tổng thống ngụy Dương Văn Minh, mô hình cờ giải phóng cắm trên nóc Dinh Độc lập.

Dễ nhớ và sinh động

Thông qua sa bàn, thầy Khanh chia ra hai hoạt động để giúp các học sinh của mình nắm được những kiến thức trọng yếu của chiến dịch lịch sử này. Hoạt động 1, học sinh trả lời 2 câu hỏi: Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu thời gian nào?Chiến dịch gồm có mấy mũi tấn công?; giáo viên bật công tắc thì các bóng đèn tượng trưng cho 5 mũi tấn công sẽ cháy sáng cùng hệ thống âm thanh thuyết minh các mũi tấn công.

Ở hoạt động 2, khi học sinh thuật lại sự kiện xe tăng tiến vào đánh chiếm dinh Độc lập, giáo viên bật công tắc mở nhỏ, chỉ vào mô hình xe tăng 843 của đồng chí Bùi Quang Thận đi đầu lao vào cổng phụ bị kẹt lại; xe tăng 390 lập tức húc đổ cổng sắt lao vào trong, đồng chí Bùi Quang Thận lao khỏi xe cắm lá cờ cách mạng trên nóc dinh. Giáo viên cho học sinh biết lúc bấy giờ cờ cách mạng là nửa đỏ nửa xanh có ngôi sao vàng. Dương Văn Minh đầu hàng không điều kiện lúc đó là 11 giờ 30 phút, giáo viên mở âm thanh lớn để học sinh nghe trực tiếp lời tuyên bố đầu hàng của Dương Văn Minh do đài phát thanh Sài Gòn giải phóng phát.

Chính nhờ cách dạy sử sinh động này, các em học sinh rất thích giờ sử của thầy Khanh.
Chính nhờ cách dạy sử sinh động này, các em học sinh rất thích giờ sử của thầy Khanh.

Cô Trương Hoàng Thanh Trang, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Lợi nhận xét: “Với sa bàn chiến dịch Hồ Chí Minh sẽ giúp cho các em nắm được diễn biến của cuộc tổng tiến công 1975 để đưa non sông về một mối và kết thúc cuộc chiến tranh giành lại hòa bình, độc lập dân tộc. Sa bàn không chỉ phục vụ cho môn học lịch sử khối 5 mà còn làm tư liệu để học sinh tham quan học tập phục vụ cho các nội dung tìm hiểu về truyền thống đấu tranh của dân tộc trong những lần sinh hoạt các chủ điểm do trường tổi chức nhân kỷ niệm ngày lịch sử cách mạng. Người sáng tạo ra mô hình này đã góp phần rất lớn trong việc đầu tư đồ dùng dạy học có quy mô lớn, đây là điều kiện để trường tiếp tục phát động giáo viên sáng tạo nhiều hơn nữa mô hình thiết thực phục vụ giảng dạy nhằm góp phần nâng cao kiến thức thực tiễn, giúp học sinh đạt kết quả cao trong học tập”.

Đồ dùng dạy học là một phương tiện trực quan góp phần quan trọng cho tiết dạy được thành công, học sinh tự chiếm lĩnh kiến thức dễ dàng, từ đó các em hăng say tìm tòi khám phá kiến thức. Vì vậy, tự làm đồ dùng dạy học để minh họa gây hứng thú cho học sinh của thầy Nguyễn Hoàng Khanh, giáo viên chủ nhiệm lớp 5A Trường Tiểu học Lê Lợi rất đáng được biểu dương.

Bảo Phong