Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Các trường ĐH phải chủ động vươn lên với tinh thần quyết tâm, đột phá

(Dân trí) - Sáng nay 12/11, trường ĐH Kinh tế quốc dân đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập trường và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất (lần 2). Đến dự buổi lễ có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; GS. Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Cùng tham dự buổi lễ có các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, Ban, Ngành, Đoàn thể, Cơ quan TƯ và địa phương; các tập đoàn doanh nghiệp, các đơn vị đối tác trong và ngoài nước của trường ĐH Kinh tế quốc trong thời gian qua.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương lao động hạng Nhất (lần 2) tới trường ĐH Kinh tế quốc dân

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương lao động hạng Nhất (lần 2) tới trường ĐH Kinh tế quốc dân

ĐH Kinh tế quốc dân phấn đấu được xếp trong số 1.000 trường đại học hàng đầu trên thế giới.

Cách đây 60 năm, Trường ĐH Kinh tế-Tài chính, trường đại học kinh tế đầu tiên của Việt Nam đặt trong hệ thống Đại học Nhân dân, do cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Hiệu trưởng danh dự, đã được thành lập. Tháng 1/1965, Trường ĐH Kinh tế-Tài chính được đổi tên thành Trường ĐH Kinh tế-Kế hoạch, và ngày 22/10/1985, Trường Đại học Kinh tế - Kế hoạch được mang tên mới - Trường ĐH KTQD.

Trải qua 60 năm xây dựng trưởng thành và phát triển, trường Đại học KTQD đã đào tạo được hàng vạn cán bộ quản lý kinh tế trong việc tư vấn, hoạch định và thực thi chính sách kinh tế, hàng nghìn giảng viên có kiến thức vững vàng, hàng vạn doanh nhân... Nhiều cựu sinh viên của Trường đã và đang giữ những trọng trách trong các cơ quan của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, lãnh đạo các trường đại học, học viện, các tập đoàn doanh nghiệp lớn.

Tại buổi lễ, GS.TS Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế quốc dân cho biết, Trường đại học KTQD đã có các mối quan hệ hợp tác đào tạo và nghiên cứu với hơn 100 cơ sở giáo dục có uy tín thuộc hơn 30 quốc gia trên thế giới. Nhà trường cũng đã phát huy vai trò tích cực trong việc đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý kinh tế cho nước CHDCND Lào và Vương quốc Campuchia.

GS Đạt cho bày tỏ, trường ĐH Kinh tế quốc dân đang khát khao vươn tới chất lượng, một trường đại học tự chủ về thực chất, luôn năng động và đi đầu trong việc góp phần đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo của nước nhà, với mục tiêu cụ thể là phấn đấu trong những thập kỷ tới, trường được xếp trong số 1.000 trường đại học hàng đầu trên thế giới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Tự hào là sinh viên trường ĐH Kinh tế quốc dân

Vui mừng, xúc động khi trở lại thăm trường cũ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, rất tự hào là sinh viên của trường ĐH Kinh tế quốc dân nơi Thủ tướng đã học tập Khóa 15 Khoa Công nghiệp trong giai đoạn 1973 –1977.

Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Thủ tướng đã gửi lời cảm ơn tới các thầy cô giáo trong cả nước và đặc biệt là các thầy cô đã trực tiếp dạy thủ tướng.

Tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thay mặt Đảng và Chính phủ biểu dương các thế hệ thầy và trò Trường Đại học Kinh tế quốc dân về những đóng góp trong 60 năm qua. Thủ tướng mong trường tiếp tục cố gắng phát huy những thành tựu đã đạt được trong điều kiện phát triển mới của đất nước.

Thủ tướng cho biết, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sôi động, KHCN phát triển nhanh, làn sóng công nghiệp lần thứ 4 đang mở ra cho chúng ta những cơ hội to lớn và thách thức đan xen. Thế giới đang chuyển mạnh sang phát triển nền kinh tế tri thức, tri thức mới và sáng tạo là yếu tố cơ bản quyết định sức mạnh kinh tế và khả năng cạnh tranh của mỗi quốc gia. Khoảng cách giữa các nước tiên tiến, phát triển ngày càng xa hơn nếu chúng ta không có bước đột phá nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực. Câu hỏi đặt ra cho các trường đại học, trong đó có trường ĐH Kinh tế quốc dân là phải làm gì để cho ra đời những sinh viên tốt nghiệp có kỹ năng cần thiết đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước và cạnh tranh quốc tế trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.

Thủ tướng nhắc lại một câu nói nổi tiếng của Johann Wolfgan von Goethe (Giohan Vonphgang phon Gớt, danh nhân Đức Thế kỷ 17 – 18 (1749 – 1832): “Điều lớn lao nhất trên thế gian này không phải là chỗ chúng ta đang đứng, mà là hướng chúng ta đang đi”.

Thủ tướng đặt câu hỏi, thời gian tới đây, ĐH Kinh tế quốc dân đang đứng ở đâu? Đồng ý với định hướng của trường ĐH Kinh tế quốc dân nhưng Thủ tướng yêu cầu tốc độ phải nhanh hơn, nếu ĐH Kinh tế quốc dân muốn xếp trong số 1.000 trường đại học hàng đầu trên thế giới, liệu chúng ta có thực hiện được sứ mệnh lớn như đã đặt ra hay không.

Với tư cách là cựu sinh viên của trường và trên cương vị là Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng đề nghị trường ĐH Kinh tế quốc dân xem xét lại tầm nhìn, sứ mệnh của trường, cần có ước mơ lớn hơn, có bước đi táo bạo, lãnh đạo trường cần lắng nghe ý kiến của các em sinh viên, khuyến khích các ý tưởng phản biện, những đóng góp của cựu sinh viên, các chuyên gia, nghiên cứu cách làm của các trường đại học tiên tiến châu Á và thế giới. Thủ tướng lưu ý, tầm nhìn, sứ mệnh đi liền với những ý tưởng, chương trình hành động và mục tiêu cụ thể.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng bức ảnh Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng (nguyên Hiệu trưởng danh dự của trường) tới trường ĐH Kinh tế quốc dân

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng bức ảnh Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng (nguyên Hiệu trưởng danh dự của trường) tới trường ĐH Kinh tế quốc dân

Phải đổi mới mạnh mẽ giáo dục đại học

Nhân dịp này, Thủ tướng đã nêu 4 nội dung đối với các trường đại học.

Thứ nhất, trường đại học hiện đại phải quan tâm đồng thời cả tri thức khoa học, phương pháp tự nghiên cứu và các kỹ năng mềm; tổ chức nhiều hoạt động gắn với những tình huống thực tiễn, giúp sinh viên phát huy sáng tạo, trải nghiệm để trưởng thành về trí tuệ, năng lực, hành động.

Thứ hai, trường đại học đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, gắn với thực tiễn xã hội, đào tạo ngành nghề xã hội có nhu cầu hiện tại và tương lai; sinh viên tốt nghiệp các trường không chỉ có khả năng tìm việc mà còn có khả năng tạo việc để giúp người khác mưu sinh; các trường đại học phải đào tạo ra sản phẩm có chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế và trước hết là hội nhập cộng đồng ASEAN.

Thứ ba, trường đại học phải ứng dụng Công nghệ thông tin trong giáo dục, đổi mới tư duy trong dạy và học, thay đổi phương pháp cung cấp kiến thức cho người học, phát huy vai trò chủ động sáng tạo của người học.

Thứ tư, trường đại học là tổ chức cung ứng dịch vụ đào tạo theo hướng tự chủ. Trên thế giới, tự chủ đại học là yếu tố cơ bản trong quản trị đại học. Xu hướng chung trên toàn cầu hiện nay là chuyển dịch quản trị đại học từ Nhà nước kiểm soát sang Nhà nước giám sát và giao tự chủ toàn diện cho trường Đại học...

Thủ tướng nhấn mạnh: "Đảng và Nhà nước luôn coi trọng phát triển nguồn nhân lực, giáo dục đào tạo là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển được ưu tiên đi trước trong các chương trình phát triển kinh tế và xã hội. Chúng ta đạt được những thành tựu trong giáo dục. Tuy nhiên, giáo dục đại học còn nhiều hạn chế đòi hỏi cần phải đổi mới mạnh mẽ để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước và xu thế phát triển thế giới. Trường ĐH Kinh tế quốc dân cũng như các trường đại học khác, không được tự hào với kết quả đạt được mà phải chủ động vươn lên với tinh thần quyết tâm, đột phá".


Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tặng bức tranh tới trường ĐH Kinh tế quốc dân

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tặng bức tranh tới trường ĐH Kinh tế quốc dân

Thủ tướng đề nghị trường ĐH Kinh tế quốc dân nghiên cứu một số định hướng có tính phát triển bền vững: định hướng phát triển Trường Đại học Kinh tế quốc dân gắn với mục tiêu xây dựng quốc gia khởi nghiệp. Thủ tướng mong muốn trường Đại học Kinh tế quốc dân đi đầu và có đóng góp thiết thực vào tạo lập hệ sinh thái khởi nghiệp và vào xây dựng quốc gia khởi nghiệp; trường cần đẩy mạnh triển khai thực hiện mô hình trường công lập tự chủ, đây là chìa khóa nâng cao chất lượng giáo dục. Chính phủ, Thủ tướng luôn lắng nghe ý kiến các trường đại học, nghiên cứu hoàn thiện thể chế, xác định các bước đi phù hợp, thực hiện tự chủ đại học đúng với bản chất và đạt hiệu quả cao; nâng cao chất lượng đại học, sau đại học gắn kết với chương trình, kết quả nghiên cứu khoa học của sinh viên, tạo việc làm của sinh viên khi ra trường; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học phấn đấu trở thành đại học định hướng nghiên cứu...

Đối với các em sinh viên, Thủ tướng cho biết, tất cả chúng ta luôn có niềm tin vào thế hệ trẻ, giờ đây tôi tiếp tục đặt niềm tin lớn vào các em sinh viên trường ĐH Kinh tế quốc dân cũng như sinh viên các trường đại học của Việt Nam và các lưu học sinh nước ngoài. Thủ tướng mong các em học thật giỏi, rèn luyện đạo đức, không ngừng nâng cao tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc, có những ước mơ, hoài bão lớn, chuẩn bị hành trang thật tốt để vào đời , quyết tâm khởi nghiệp.

Thủ tướng cũng đề nghị trường ĐH Kinh tế quốc dân cần tạo điều kiện tốt nhất cho sinh viên học tập, tham gia nghiên cứu khoa học, quan tâm hơn nữa tới các em sinh viên đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, hoàn cảnh khó khăn vươn lên học tập.

Hồng Hạnh