Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Doanh nghiệp chưa tham gia nhiều vào quá trình đào tạo nhân lực
(Dân trí) - Đây là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga tại Hội nghị Đối thoại giáo dục toàn cầu với nội dung Đổi mới sáng tạo kỹ năng nghề nghiệp: Hợp tác trường đại học và doanh nghiệp hướng tới kinh tế phát triển bền vững được tổ chức tại TPHCM sáng 16/6.
Hội nghị do Hội đồng Anh, Bộ GD-ĐT Việt Nam và Tổ chức Quốc tế Đại học vương quốc Anh phối hợp tổ chức với sự tham gia của gần 130 đại biểu đến từ các doanh nghiệp, các trường ĐH cùng các nhà nghiên cứu, học giả đến từ Anh, Việt Nam và các nước ASEAN.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng mối quan hệ giữa các trường đại học và doanh nghiệp trong vấn đề đào tạo vẫn còn nhiều hạn chế.
“Doanh nghiệp chưa tham gia nhiều vào quá trình đào tạo nhân lực nên kiến thức của sinh viên trong nhà trường thường cách xa thực tiễn. Trong nền kinh tế thị trường, doanh nghiệp cần tham gia vào quá trình đào tạo, đóng góp về trang thiết bị hoặc chuyên gia tham gia giảng dạy. Với doanh nghiệp Việt Nam, đây vẫn là điều mới mẻ. Nhà trường đôi khi vẫn cần trả tiền cho doanh nghiệp để sinh viên thực tập thay vì doanh nghiệp trả tiền cho sinh viên như ở nước ngoài. Hy vọng quan niệm đó sẽ được thay đổi qua những đối thoại thế này”, ông Ga nhận định.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng cho biết Bộ GD-ĐT khuyến khích các trường và doanh nghiệp tăng cường mối quan hệ hợp tác. Ví dụ như khuyến khích các trường ĐH mời các chuyên gia ở các doanh nghiệp tham gia quá trình giảng dạy trong các trường để phổ biến những kiến thức thực tiễn, cập nhật những kiến thức mới cho sinh viên. Từ đó giúp sinh viên ra trường có thể có được kỹ năng, kiến thức thực tiễn thiết thực để làm việc được ngay, thay vì hiện nay một số doanh nghiệp phải đào tạo lại.
Bên cạnh đó, trả lời câu hỏi về việc Việt Nam có 450 đại học và cao đẳng nhưng tại sao ít bằng sáng chế và thành tựu khoa học, ông Ga cho biết: “Muốn có những phát minh, sáng chế đăng ký quốc tế, chúng ta cần phải có nghiên cứu, đặc biệt là nghiên cứu cơ bản. Hiện nay, đầu tư cho nghiên cứu khoa học cho các trường đại học rất hạn chế. Trong những năm vừa qua, nhờ sự hỗ trợ của nhiều nguồn, chúng ta đã có nhiều đổi mới trong nghiên cứu nhưng vẫn chưa đủ để chúng ta thực hiện những công trình nghiên cứu lớn.
Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang đẩy mạnh công tác nghiên cứu trong các trường đại học, xem nó là công tác bắt buộc với tất cả giảng viên. Chỉ có như vậy chúng ta mới hy vọng có thể có nhiều hơn các phát minh hay sáng chế bởi phần lớn các công trình sáng tạo trên thế giới đều xuất phát từ các trường đại học.”
Cũng tại hội nghị này, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam Giles Lever nêu rằng tại Việt Nam, 6,3% những người trong độ tuổi 15 đến 25 đang thất nghiệp. Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra rằng 1 trong 5 người thất nghiệp ở Việt Nam có bằng đại học hoặc thạc sĩ trong khi 62% các doanh nghiệp được khảo sát nói rằng họ gặp khó khăn trong việc tuyển dụng. Ông Giles Lever khẳng định: “Thách thức này cần cách tiếp cận mới, sáng tạo hơn và hiệu quả hơn, để đẩy mạnh hợp tác giữa đại học và doanh nghiệp, hướng tới việc xây dựng một lực lượng lao động có năng lực và kỹ năng.
Trong khi đó, Vivienne Stern, Giám đốc Tổ chức Quốc tế Đại học Vương quốc Anh bổ sung: “Các trường đại học trên khắp thế giới đang đối mặt với thách thức trang bị cho sinh viên tốt nghiệp những kĩ năng cần thiết để tham gia vào thị trường việc làm toàn cầu hóa đầy cạnh tranh. Để làm được điều này, các trường đang phải thay đổi dần các chương trình giảng dạy, làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp để có thể cung cấp những kinh nghiệm chuyên môn, tìm ra những mô hình nghiên cứu mới và tạo ra những cơ sở chuyên dụng cho phép sinh viên và các nhân viên có thể tìm ra tiềm năng thương mại trong công việc của họ”.
Lê Phương