Thí sinh nên định hướng ngành nghề với tầm nhìn dài hạn

Đó là lời khuyên của PGS.TS Bùi Xuân Nam - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Mỏ - Địa chất, “thí sinh khi chọn ngành, chọn nghề, bên cạnh dựa vào sở trường, năng lực, truyền thống gia đình, địa phương, không thể thiếu việc có một tầm nhìn dài hạn về công việc mình lựa chọn và giữ vững niềm tin với ngành nghề ấy”.

Ngày 23/7, nhằm hỗ trợ các quy chế và thông tin tuyển sinh của các trường Đại học, Cao đẳng kịp thời đến được với học sinh trước khi quyết định chọn trường và ngành học, Bộ GD&ĐT tổ chức chương trình “Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp” tại ĐH Bách khoa Hà Nội.

Thí sinh nên định hướng ngành nghề với tầm nhìn dài hạn - 1

Đặc biệt, năm nay xuất hiện nhóm gồm 12 trường đại học được Bộ GD-ĐT phê duyệt đề án tự chủ tuyển sinh theo nhóm mang tên “Nhóm trường GX”, với phương thức xét tuyển chung dựa trên kết quả thi THPT Quốc gia năm 2016. Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đảm nhiệm vai trò là trường chủ trì thực hiện đề án. Phương thức tuyển sinh theo nhóm được xây dựng trên cơ sở tuân thủ chặt chẽ Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2016 và đề cao trách nhiệm của các trường đối với thí sinh và xã hội trong công tác tuyển sinh, phương thức này tạo thêm cơ hội lựa chọn, đồng thời không gây ra sự phức tạp và tốn kém cho thí sinh, không làm giảm quyền lợi của thí sinh đăng ký xét tuyển.

Chia sẻ với chúng tôi về áp lực đối với nhóm GX và các thành viên của nhóm, PGS.TS Bùi Xuân Nam - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Mỏ - Địa chất cho biết: “Áp lực đối với các thành viên trong nhóm GX chính là sự cạnh tranh giữa nhóm với các trường không tham gia vào nhóm GX và giữa các thành viên trong nội bộ nhóm.

Về ưu điểm của tuyển sinh nhóm GX là tăng cơ hội cho thí sinh, giảm hiện tượng “ảo” trong tuyển sinh… Tuy nhiên, áp lực nặng nề đối với tuyển sinh theo nhóm GX là công tác truyền thông cho phương thức tuyển sinh này. Các thành viên trong nhóm GX đều là các trường đại học lớn và uy tín ở khu vực Hà Nội, nên để thí sinh hiểu được phương thức xét tuyển của nhóm là chìa khóa thành công.

Còn cạnh tranh giữa các thành viên trong nhóm, theo quan điểm của tôi áp lực sẽ được chia đều cho tất cả các thành viên trong nhóm GX (12 trường đại học tham gia). Vì khi đăng ký vào học tại một trường đại học nào trong nhóm các thí sinh không chỉ quan tâm tới chất lượng đào tạo, uy tín của trường, mà điều hết sức quan trọng là cơ hội việc làm trong tương lai”.

Thí sinh nên định hướng ngành nghề với tầm nhìn dài hạn - 2

Theo PGS Bùi Xuân Nam, học sinh khi xét tuyển vào ĐH, CĐ thường có xu hướng chọn ngành nghề “hot”. Tuy nhiên, trên thực tế, có ngành trong thời điểm tuyển sinh rất “hot”, nhưng có thể sau 4 – 5 năm, khi sinh viên ra trường, ngành đó chưa chắc đã còn là sự lựa chọn tốt và ngược lại. Chính vì vậy, thí sinh khi chọn ngành, chọn nghề, bên cạnh dựa vào sở trường, năng lực, truyền thống gia đình, địa phương, không thể thiếu việc có một tầm nhìn dài hạn về công việc mình lựa chọn và giữ vững niềm tin với ngành nghề ấy.

80% sinh viên ĐH Mỏ - Địa chất ra trường có việc làm ngay

Vậy theo ông cơ hội việc làm của sinh viên đại học Mỏ - Địa chất sau khi ra trường có cao không?

Là trường đại học đa ngành định hướng ứng dụng, đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật trình độ đại học và trên đại học về các lĩnh vực: dầu khí, công nghệ thông tin, cơ khí, tự động hóa, khai thác tài nguyên khoáng sản, kỹ thuật về khoa học địa chất, bảo vệ môi trường, xây dựng… kỹ sư tốt nghiệp của trường có thể tham gia làm việc ở nhiều lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ cao thuộc khoa học trái đất.

Nhà trường luôn giữ mối liên hệ chặt chẽ với các cựu sinh viên, theo dõi sự trưởng thành của sinh viên sau khi ra trường. Theo thống kê hàng năm, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm là trên 80% sau một năm ra trường, trong đó làm việc đúng ngành nghề được đào tạo trên 60% và số lượng sinh viên sau khi tốt nghiệp quay trở lại trường để bổ sung kiến thức, học nâng cao ở trình độ thạc sỹ, tiến sỹ khoảng 10%.

Nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội, Nhà trường đã chủ động hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp gắn liền với các ngành nghề đào tạo của Trường để nắm bắt xu hướng, yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực từ đó điều chỉnh kịp thời nội dung đào tạo cho phù hợp. Bên cạnh đó, nhà trường cũng không ngừng mở rộng hợp tác đào tạo quốc tế và nghiên cứu khoa học.

Nhà trường đã làm gì để hỗ trợ sinh viên trong quá trình học tập và tìm kiếm cơ hội việc làm sau khi ra trường, thưa ông?

“Bên cạnh việc thành lập Trung tâm hỗ trợ sinh viên, trường Đại học Mỏ - Địa chất thường xuyên tổ chức Ngày hội việc làm kết hợp với tư vấn tuyển sinh; mời doanh nghiệp đến nói chuyện về xu hướng nghề nghiệp và cơ hội việc làm sau khi ra trường. Kết quả là có khoảng 70% sinh viên nộp hồ sơ mỗi đợt được nhận vào làm tại các doanh nghiệp từ những lần tổ chức Ngày hội. Ý nghĩa của hoạt động này là ngoài làm cầu nối giữa sinh viên và doanh nghiệp, thì thông qua những phản hồi của nhà tuyển dụng cũng sẽ giúp nhà trường định hướng chiến lược đào tạo phù hợp với nhu cầu xã hội”.

Chuẩn bị cho công tác tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh năm 2016, Trường Đại học Mỏ - Địa chất đã huy động lực lượng lớn lãnh đạo, viên chức các đơn vị đào tạo và phụ trách hỗ trợ đào tạo tham gia tư vấn cho các em học sinh theo từng nhóm ngành nghề được đào tạo tại các khoa, viện của Trường. Hoạt động tư vấn này đã phần nào đáp ứng được mong muốn của các em học sinh tìm hiểu về Trường ĐH Mỏ - Địa chất và các ngành nghề đào tạo của Trường. Khu vực giới thiệu và tư vấn của Trường đã thu hút đông đảo sự quan tâm của các em học sinh và các bậc phụ huynh.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm