TPHCM:

Sinh viên kỹ thuật tranh tài điều khiển robot múa rối nước

(Dân trí) - Lần đâu tiên trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM tổ chức cuộc thi Điều khiển robot múa rối nước 2017, từ 60 đội thi ở vòng loại đã có 20 đội lọt vào chung kết. Điểm thú vị ở chỗ dù ứng dụng công nghệ hiện đại nhưng không làm mất đi nét đặc trưng của múa rối nước Việt Nam.

Vẫn là những con rối nước truyền thống nhưng phía sau tấm rèm không có một nghệ nhân nào điều khiển mà thay vào đó là những sinh viên đang chăm chú lập trình, điều khiển từ xa. Dẫu vậy, 20 tiết mục của 20 đội lọt vào chung kết cuộc thi vẫn thổi hồn vào con rối sự sinh động, vui nhộn lẫn hấp dẫn như chính môn nghệ thuật truyền thống này vốn có.

Màn múa rối nước Tứ linh sinh động không thua kém tài của các nghệ nhân biểu diễn
Màn múa rối nước Tứ linh sinh động không thua kém tài của các nghệ nhân biểu diễn

Những câu chuyện đồng quê như bắt cá, ra đồng, cấy lúa, chọi trâu, múa lân hay những sự tích về Tấm Cám, Chí Phèo, tích Hồ Gươm,... được các sinh viên tái hiện lại một cách đầy đủ và ý nghĩa.

Chung cuộc, giải Nhất thuộc về tiết mục Vua Lê Lợi trả gươm của nhóm Nguyễn Nam Phong (sinh viên năm 3 Khoa Cơ khí máy); giải Nhì thuộc về tiết mục Bắt cá đồng quê - nhóm Võ Minh Công; giải Ba dành cho tiết mục Múa tứ linh - nhóm Đoàn Thị Trà Giang.

Phía sau tấm rèm, thay cho những nghệ nhân phải ngâm mình dưới nước, các sinh viên đang điều kiển con rối bằng robot
Phía sau tấm rèm, thay cho những nghệ nhân phải ngâm mình dưới nước, các sinh viên đang điều kiển con rối bằng robot

Sinh viên Nguyễn Nam Phong, trưởng nhóm đạt giải Nhất cho biết: “Nhóm em gồm 10 bạn cùng phối hợp thực hiện robot điều khiển các con rối thực hiện tiết mục Vua Lê Lợi trả gươm trong vòng gần 1 tháng. Ban đầu chúng em chưa nghĩ tới đạt giải, sau khi thầy tổng duyệt vài lần thì chúng em cũng lạc quan sẽ đạt thành tích. Lúc thiết kế, phần điều khiển rối đi ra cho đến khi vào lại trong rèm đều khá ổn. Chỉ có lúc khó nhất là đoạn rùa lấy gươm từ vua, nếu không chính xác thì gươm sẽ rơi xuống hồ. Nhóm em tập đi tập lại 4 lần thì mới thành công nên vừa rồi đoạt giải em nghĩ một phần là yếu tố may mắn”.

Phong cũng chia sẻ rằng: “Trước đó em chưa hiểu nhiều về nghệ thuật múa rối nước nhưng khi tham gia cuộc thi em tìm hiểu và biết thêm nhiều về môn nghệ thuật này. Hi vọng với những thiết kế của chúng em sẽ giảm bớt sự vất vả cho các nghệ nhân”.

Theo Nam Phong, tương lai không có gì thay đổi thì nhóm của Phong sẽ tiếp tục tham gia trình diễn vào cuộc thi thiết kế robot múa rối nước mở rộng dự kiến tổ chức vào tháng 10 tới.


Cuộc thi là một môi trường hấp dẫn và thú vị cho các sinh viên ứng dụng kiến thức vào thực tiễn, vừa góp phần gìn giữ được môn nghệ thuật truyền thống dân tộc

Cuộc thi là một môi trường hấp dẫn và thú vị cho các sinh viên ứng dụng kiến thức vào thực tiễn, vừa góp phần gìn giữ được môn nghệ thuật truyền thống dân tộc

Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM là trường đầu tiên ứng dụng công nghệ vào môn nghệ thuật truyền thống thú vị này. Với việc robot múa rối tự động điều khiển từ xa được, các nghệ nhân không phải ngâm mình trong nước suốt màn biểu diễn nữa. Đây là một môi trường hấp dẫn và thú vị cho các sinh viên ứng dụng kiến thức vào thực tiễn, vừa rèn luyện vừa thư giãn và theo đuổi niềm đam mê nghiên cứu sáng tạo kỹ thuật của mình.

PGS.TS Nguyễn Trường Thịnh, Trưởng khoa Cơ khí chế tạo máy của trường chia sẻ: “Nghệ nhân múa rối nước trầm mình rất lâu dưới nước nên thường ảnh hưởng đến sức khoẻ. Đó cũng là một phần lí do nghệ nhân múa rối nước ngày càng mai một, việc chế tạo những bộ phận múa rối nước tự động để gánh bớt công việc này. Ý tưởng cuộc thi cũng xây dựng từ suy nghĩ phải làm sao để lưu giữ vốn cổ này để sau này có thể truyền lại cho con cháu đời sau”.

Lê Phương

Ảnh: Nguyễn Hoàng