Sáng mai, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội

(Dân trí) - Sáng mai 16/11, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ sẽ trả lời phiên chất vấn đại biểu Quốc hội với 3 nhóm nội dung chính.


Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ

3 nội dung mà Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ sẽ báo cáo các đại biểu Quốc hội:

Thứ nhất, tình hình thực hiện chương trình cải cách giáo dục và đào tạo, đổi mới giáo dục cơ bản, toàn diện, đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội. Thực hiện phân luồng cho học sinh cấp phổ thông để định hướng nghề nghiệp;
Thứ hai, Công tác quản lý chất lượng đào tạo, nhất là chất lượng đào tạo của các trường đại học do địa phương quản lý; giải pháp quản lý chất lượng giáo dục đại học, gắn đào tạo với quy hoạch, dự báo và sử dụng nguồn nhân lực;
Thứ ba, Việc thực hiện đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả, giảm áp lực và tốn kém cho xã hội; giải pháp để ổn định việc tổ chức thi tốt nghiệp phổ thông và đại học trong giai đoạn 2016-2020.

9 nhiệm vụ và 5 giải pháp

Trước đó, để tập trung xây dựng và thực hiện có hiệu quả các đề án, dự án theo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Bộ GD&ĐT đã đề ra 09 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 05 giải pháp cơ bản của ngành Giáo dục trong năm học 2016-2017 và những năm tiếp theo.

Theo 9 nhiệm vụ mà Bộ GD&ĐT đưa ra, cụ thể: Bộ thực hiện rà soát, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo trong cả nước: Ban hành các chuẩn, quy chuẩn bảo đảm chất lượng giáo dục để các địa phương tổ chức rà soát, quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, trung cấp, cao đẳng và giáo dục thường xuyên phù hợp với điều kiện của từng vùng, địa phương; Triển khai kiểm định các cơ sở giáo dục đại học để có căn cứ xếp hạng, phân tầng và sắp xếp lại mạng lưới một cách tổng thể, phù hợp với nhu cầu nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao trong điều kiện hội nhập quốc tế.

Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; Đẩy mạnh công tác phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông.

Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục.

Đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục đại học.

Mở rộng hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo. Theo đó, tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong quá trình xây dựng, đổi mới chương trình và tổ chức đào tạo, nghiên cứu khoa học.

Tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo; Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Đồng thời, Bộ GD&ĐT đưa ra 5 giải pháp cơ bản:

Thứ nhất, hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về giáo dục và đào tạo: Rà soát, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật của ngành Giáo dục và liên quan đến ngành để phát hiện những văn bản bất cập, không còn phù hợp với điều kiện thực tiễn, tiến hành sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về giáo dục và đào tạo; kiên quyết cắt bỏ các thủ tục hành chính rườm rà, không phù hợp.

Thứ hai, nâng cao năng lực lãnh đạo của cán bộ quản lý giáo dục các cấp. Thực hiện điều chỉnh, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự của các cơ quan quản lý giáo dục các cấp, trước hết là Cơ quan Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm tinh gọn bộ máy, trên cơ sở đó sắp xếp nhân sự phù hợp theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả...

Thứ ba, tăng cường các nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo: Đề nghị Chính phủ tiếp tục ưu tiên đầu tư cho giáo dục đào tạo, đặc biệt là các vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo và các đối tượng chính sách...

Thứ tư, tăng cường công tác khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục: Đẩy mạnh kiểm định chất lượng, nhất là các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục chuyên nghiệp, trong đó kiểm định cả cấp chương trình đào tạo và cơ sở đào tạo, chú trọng kiểm định theo các tiêu chuẩn của khu vực và quốc tế, trên cơ sở đó phân tầng, xếp hạng, quy hoạch lại mạng lưới và nâng cao hiệu quả đầu tư.

Thứ năm, đẩy mạnh công tác truyền thông về giáo dục và đào tạo: Quan tâm, đầu tư nhiều hơn cho công tác truyền thông giáo dục để xã hội hiểu và chia sẻ về các chủ trương đổi mới của ngành...

Hồng Hạnh