Phụ huynh đua nhau cho trẻ mầm non đi học nhạc

(Dân trí) - Tâm lý của nhiều phụ huynh cho rằng, cho trẻ đi học nhạc càng sớm càng tốt vì âm nhạc khiến tâm hồn trẻ phong phú hơn, âm nhạc làm tăng cường khả năng tư duy… Thậm chí, nhiều phụ huynh, con chưa được 1 tuổi đã đưa đến lớp học nhạc.

Mùa hè này, không ít bậc cha mẹ ở thành phố đua nhau cho con ở độ tuổi mầm non đi học nhạc. Chị Ngọc Hà (quận Cầu Giấy, Hà Nội) vừa cho cô con gái nhỏ 3 tuổi đến một trung tâm học nhạc piano. Chị Hà cho hay, sau một thời gian chị thấy tư duy âm nhạc của cháu phát triển tốt, nên đã giới thiệu cho nhiều đồng nghiệp ở cơ quan cho con đi học. 

Chị Thanh Phương ở Hà Đông (Hà Nội) có 2 cô con gái 6 tuổi và 3 tuổi đều đang theo học nhạc tại một trung tâm âm nhạc uy tín ở Hà Cầu, Hà Đông. Chị Phương cho biết: “Lúc đầu tôi cũng định cho cả 2 cháu học piano nhưng sau khi tham khảo ý kiến của các cô giáo, tôi chọn cho cháu lớn 6 tuổi học piano, còn cháu nhỏ tham gia lớp học Khơi nguồn sáng tạo nghệ thuật (Creative) - dạy về các khái niệm cơ bản của âm nhạc thông qua mối quan hệ với hội họa và dành riêng cho lứa tuổi từ 3 - 5. Tôi đã xem qua thông tin về chương trình học thì thấy rằng việc học môn học Sáng tạo sẽ giúp các bé dễ dàng hơn trong việc học bất cứ nhạc cụ nào về sau vì đã nắm được các khái niệm cơ bản về âm nhạc và hội họa”. 

Còn chị Hồng Vân ở quận Ba Đình (Hà Nội) chia sẻ: “Sau thời gian cho con đi học nhạc, tôi thấy cu cậu ở nhà bớt nghịch hơn, điềm đạm, nhẹ nhàng hơn”. 

Ngược lại với chị Vân, chị Thu Hằng ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) có cô con gái 3 tuổi nhưng rất ít nói so với các bạn cùng trang lứa lại nhút nhát, sau thời gian tìm hiểu về các lớp học thêm cho con, chị quyết định cho con đi học nhạc.

“Mình thấy cho con đi học đàn rất tốt, vì con gái mình trước đây khi đi mẫu giáo rất nhút nhát nhưng bây giờ đã bạo dạn hơn rất nhiều, nói nhiều hơn, tâm trạng rất vui vẻ sau mỗi buổi học” - chị Hằng tâm sự.

Mùa hè đến, nhiều bậc cha mẹ cho con nhỏ đi học nhạc.
 
Mùa hè đến, nhiều bậc cha mẹ cho con nhỏ đi học nhạc.

Có “cung” ắt có “cầu”, trước đây, các chương trình học âm nhạc thường chỉ có ở các trường dạy nhạc và các nhà văn hóa, nay, tại Hà Nội nở rộ nhiều trung tâm dạy âm nhạc. Vì gọi là môn học “sang trọng” nên học phí của các khóa học này không rẻ. Các khóa học cảm thụ âm nhạc dành cho học sinh từ 12 tháng tuổi trở lên có mức phí từ khoảng 1 triệu đồng đến 6 triệu đồng tùy theo độ tuổi và thời lượng buổi học. Các bộ môn nhạc cụ được dạy gồm các bộ môn nhạc cụ cổ điển như Piano, Guitare, Violin..., các nhạc cụ dân tộc như đàn tranh, đàn t’rưng, đàn thập lục, đàn tam thập lục…  

Nói về tác dụng của bộ môn âm nhạc với trẻ, nghệ sĩ - giảng viên piano Nguyễn Lệ Thuyên Hà cho biết: “Trẻ ở từng lứa tuổi sẽ có sự phát triển khác nhau về cơ quan não bộ, khả năng tiếp thu và cấu trúc thể chất. Do đó, các bậc cha mẹ cần có kiến thức để biết vào độ tuổi nào thì nên áp dụng hình thức giáo dục âm nhạc nào cho trẻ là phù hợp. Các phụ huynh nên chờ đến khi bé được 4, 5 tuổi, vì khi đó tay và các cơ đã có độ cứng và đàn hồi nhất định để có thể sử dụng phím đàn thuần thục, chưa kể đến các yếu tố khác liên quan đến khả năng tiếp thu, ghi nhớ cũng cần đến chờ đến một độ tuổi nhất định mới dần hoàn thiện”. 

Hồng Hạnh