Phía sau vụ bạo hành "dạy trẻ mầm non bằng dao" gây chấn động
(Dân trí) - "Bị cáo đã dùng dao, bình nước rửa chén, bị cáo dùng nắp xoong, dùng vá, dùng dao gõ nhẹ lên đầu cháu. Bị cáo cũng dùng tay, chân để đánh lên người các cháu"...
Ngày 25/7, TAND quận 12 mở phiên tòa xét xử sơ thẩm các bị cáo trong vụ việc bạo hành trẻ tại cơ sở Mầm Xanh, TPHCM xảy ra vào cuối năm 2017. Đây có thể nói là vụ bạo hành trẻ mầm non kinh hoàng nhất năm 2017 và có thể nói từ trước đến nay dư luận được biết tới.
Vụ việc đã được chuyển qua án hình sự nhưng vẫn không khỏi ám ảnh mọi người về các phương pháp "giáo dục" trẻ xảy ra tại một cơ sở giáo dục bởi chính những người có nhiệm vụ chăm sóc trẻ nhỏ. Đồng thời, đây cũng là lời "cảnh tỉnh" đối với phụ huynh và cả các cơ quan quản lý về chất lượng giáo dục tại các nhóm trẻ mầm non tư thục.
Bà Phạm Thị Mỹ Linh, chủ cơ sở mầm non Mầm Xanh, cho biết bà từng giáo viên công tác ở trường mầm non công lập, sau đó bà mở lớp mầm non tư thục Mầm Xanh. Bà là chủ cơ sở, quản lý nhân viên lại là người "ra tay"với trẻ một cách tàn bạo nhất.
Bà Linh khai, bà không nhớ mình đánh bao nhiêu trẻ, bao nhiêu lần. Ban đầu bà cũng dùng những lời lẽ, cử chỉ nhẹ nhàng để dạy bảo các bé. Tuy nhiên, khi các cháu không chịu ăn, khóc - chuyện bình thường của trẻ nhỏ - thì bà Linh đã dùng dao, bình nước rửa chén, bị cáo dùng nắp xoong, dùng vá, dùng dao gõ nhẹ lên đầu cháu. Chưa kể, nhiều lần còn dùng tay, chân đánh lên người các cháu.
Hầu hết các tư liệu ghi lại cảnh bạo hành trẻ, chủ yếu do bà Linh trực tiếp ra tay. Cảnh đánh đập được đăng tải trên báo chí thời điểm đó, nhiều người quay mặt không dám xem... Bảo mẫu đánh vì bất cứ lý do gì, tiện tay là đánh, trẻ chỉ cần khóc là bị bảo mẫu đánh. Khi đánh trẻ chỉ biết khóc lại càng bị đánh đau hơn… Ngồi chơi cũng bị tra tấn, ăn cũng bị, làm bất cứ gì cũng bị đánh.
Nhiều đứa trẻ bảo mẫu vừa đón từ tay phụ huynh, khép cửa lại là... bảo mẫu dồn vào góc để đánh. Chưa kể, có đứa trẻ còn bị thả lăn lóc cho khóc ở nhà sau, bị bắt ngồi trên bô liên tục hàng tiếng đồng hồ để khỏi thay quần áo...
Thời điểm xảy ra sự việc, cơ sở này đang trông giữ khoảng 50 bé chỉ với 3 bảo mẫu, trong đó bà Linh vừa là chủ nhóm lớp và hai bảo mẫu là Phạm Như Huỳnh và Nguyễn Thị Đào. Mức độ khác nhau nhưng cả 3 người lớn trong cơ sở mầm non tư thục luôn "cao cổng kín tường" này đều ra tay bạo hành các trẻ nhỏ không có khả năng kháng cự.
Chưa kể, việc tuyển người vào làm việc tại cơ sở mầm non này vô cùng hài hước. Bà Linh tuyển Đào và Huỳnh vào làm bão mẫu tại nhóm lớp nhưng không biết chuyên môn của nhân viên, không ký hợp đồng lao động...
Đây là lời cảnh báo về chất lượng, chuyên môn của nhân viên tại các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập vừa thiếu vừa yếu là một bài toán thách thức đối với giáo dục mầm non. Nhiều địa bàn của TPHCM từng than về trường hợp nhân sự tại nhiều trường tư thục, các nhớm lớp khi đăng ký là người này là nhưng thực tế là người khác đứng lớp. Lý do được lý giải vừa vào làm vài hôm, nhiều người đã bỏ việc, các cơ sở vội vã tuyển người không kịp làm hồ sơ báo cáo.
Sự việc tại mầm xanh cũng là "lời nhắc"các cơ quan quản lý cần xem lại hiệu quả của hoạt động thanh tra, kiểm tra. Ngay trong thời điểm xảy ra ra sự việc, các cơ quan quản lý cũng đã hai lần đến kiểm tra cơ sở này nhưng nếu không có báo chí vào cuộc thì không biết đến lúc nào những đứa trẻ mới thoát khỏi "địa ngục trần gian".
Sau sự việc cơ sở Mầm Xanh bạo hành trẻ chấn động dư luận cả cả nước, TPHCM đã yêu cầu ngành giáo dục tổng kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập ở 24 quận huyện.
Đồng thời, cũng từ vụ việc này, TPHCM chính thức thực hiện thí điểm lắp camera ở các cơ sở giáo dục mầm non, trước mắt tại 3 địa bàn gồm Q.1, Q.12 và huyện Móc Môn trước khi nhân rộng ra toàn thành phố.
Hoài Nam