Đà Nẵng:
“Nóng” chuyện quản lý giáo dục mầm non sau vụ bảo mẫu tát trẻ dã man
(Dân trí) - Chiều 23/5, UBND quận Thanh Khê (Đà Nẵng) tổ chức hội nghị về quản lý hoạt động của các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn. Nhiều ý kiến “nóng” được đưa ra tại hội nghị do Chủ tịch UBND quận chủ trì ngay sau vụ bảo mẫu tát trẻ dã man xảy ra ở nhóm trẻ Mẹ Mười trên địa bàn quận.
Tham dự hội nghị có đại diện các trường mầm non công lập/tư thục, nhóm trẻ độc lâoj, tư thục trên địa bàn quận Thanh Khê.
Phó Chủ tịch phường: “Bạo hành trẻ, cái tội chắc chắn của bà Hồng, song cái lỗi thì cả xã hội phải cùng nhìn nhận”
Thông tin tóm tắt vụ bảo mẫu bạo hành trẻ tại nhóm trẻ Mẹ Mười (ở phường Chính Gián, quận Thanh Khê) tại hội nghị, ông Ngô Chính Công - Phó Chủ tịch UBND phường Chính Gián nêu quan điểm: “Để xảy ra bạo hành trẻ ở nhóm trẻ Mẹ Mười, tội thì chắc chắn là bà Đinh Thị Hồng - chủ nhóm trẻ phải chịu, không ai “gánh” thay bà Hồng được. Song cái lỗi để xảy ra bạo hành trẻ tại cơ sở GD mầm non như thế, phải nhìn nhận là do toàn xã hội. Trong đó, ngành GD phải nhìn lại công tác đào tạo của mình."
Ông Công nói thẳng tại hội nghị có các giáo viên mầm non là có những giáo viên được đào tạo lý thuyết bài bản, nhưng kỹ năng thực hành không có, thậm chí là yếu. Cho trẻ ăn như thế nào cũng phải có kỹ năng của người được đào tạo nghiệp vụ dạy dỗ, chăm sóc trẻ mầm non.
“Trong thực tế, có khi ngay ở gia đình, người mẹ đút cho con ăn cũng không kiềm chế được vì trẻ chướng nghịch, cũng không kìm được mà phát con một cái. Còn ở đây, bảo mẫu phải một lúc đút ăn cho 5 - 7 trẻ, không kiểm soát được hành vi của mình lúc bực bội, nóng giận là để xảy ra bạo hành trẻ ngay. Cho nên phải có kỹ năng, phương pháp cho trẻ ăn đúng cách” - ông Công nói.
Ông Ngô Chính Công - Phó Chủ tịch UBND phường Chính Gián, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng phát biểu tại hội nghị.
Cái lỗi thứ hai để xảy ra bạo hành trẻ, theo Phó Chủ tịch UBND phường Chính Gián, là cái lỗi của gia đình trẻ. Một số gia đình, phụ huynh, khi đưa trẻ đến trường/lớp là kỳ vọng trẻ ăn được, lên cân, và nhờ cậy giáo viên/bảo mẫu ép trẻ ăn, cũng tạo một áp lực nhất định cho giáo viên/bảo mẫu. Như trường hợp bà Hồng - chủ nhóm trẻ Mẹ Mười trình bày là phụ huynh có nhờ bảo mẫu ép trẻ ăn. Tuy nhiên, ông Công cũng nói ngay cái sai của bà Hồng là bà hiểu sai sự nhờ cậy của phụ huynh. Phụ huynh có thể nhờ cậy bảo mẫu ép trẻ ăn; nhưng không có ai nhờ bảo mẫu bạo lực với con em mình như thế cả.
Đại diện lãnh đạo phường Chính Gián nhận trách nhiệm trong chức năng quản lý nhà nước khi để xảy ra vụ việc như thế. Song, cũng có đề xuất qua vụ việc, ngành GD nên có giải pháp cải cách, nâng cao chất lượng đào tạo, tập trung ở đào tạo kỹ năng, thực hành nghiệp vụ sư phạm cũng như bồi dưỡng đạo đức nghề giáo.
Chủ tịch Quận: “Người nuôi dạy trẻ không có cái tâm thì có trời giám sát cũng không tránh được bạo hành”
Qua vụ nhóm trẻ Mẹ Mười, ông Ngô Chính Công cũng chia sẻ thêm, nhiều hiệu trưởng, giáo viên mầm non tâm sự trong nước mắt là “đắng lòng với cái nghề ăn cám trả vàng”. Nhất là những khi có những “con sâu làm rầu nồi canh” được phát hiện, phản ánh, giáo viên mầm non không dám nhận nghề nghiệp của mình khi mà cả xã hội cùng băn khoăn nhìn vào giáo viên, và không tránh khỏi việc phụ huynh hoang mang khi đưa con em đến trường, lớp.
Đại diện các cơ sở GD mầm non ở quận Thanh Khê dự hội nghị.
Ông Công cũng trao đổi lại rất tâm tư rằng: “Đã theo nghề giáo, ngoài kỹ năng, nghiệp vụ, quan trọng nhất là có cái tâm yêu trẻ, mến trẻ. Nếu thật lòng yêu trẻ thì dù có nóng giận mấy cũng không thể nào có hành vi bạo lực với trẻ như thế. Như vậy là vi phạm pháp luật, nhẹ thì bị xử lý hành chính, nặng thì hình sự. Cảm thấy mình không yêu nghề, mến trẻ, không đủ cái tâm để kiểm soát hành vi của mình thì bỏ đi, đừng theo nghề này nữa”.
Ông Lương Thanh Bảy - chủ một nhóm trẻ ở quận Thanh Khê cũng chia sẻ ngay tại hội nghị là trong thực tế, đúng là có những trẻ khi đến cơ sở chăm nuôi dạy trẻ rất nghịch phá. Nhưng nếu biết cách mềm mỏng, dỗ ngọt trẻ thì dần dần trẻ sẽ vâng lời hơn, đi vào nền nếp chung của trường/lớp. Ông Bảy nhìn nhận, có thể trong một điều kiện khó khăn nào đó, cơ sở vật chất trường/lớp chưa đảm bảo. Nhưng nếu giáo viên/bảo mẫu có tâm thì việc nuôi dạy trẻ nhẹ nhàng hơn khi phải nói rằng nghề giáo viên mầm non muôn vàn vất vả.
Ghi nhận các ý kiến tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Tĩnh - Chủ tịch UBND quận Thanh Khê (Đà Nẵng) đồng ý: “Nếu người nuôi dạy trẻ không có cái tâm thì có trời giám sát cũng không tránh được bạo hành. Dù có kiểm tra, giám sát hàng ngày, hàng tháng thì cũng không bao giờ đảm bảo; bởi không có cái tâm của người trực tiếp nuôi dạy trẻ thì bạo hành trẻ có thể xảy ra trong chớp nhoáng, như lật úp bàn tay”.
Chủ tịch quận còn đặt câu hỏi sau vụ nhóm trẻ Mẹ Mười thì liệu có còn vụ bạo hành trẻ ở các cơ sở mầm non nào có mà chưa được phát hiện và xử lý hay không. Do đó, bên cạnh việc kêu gọi lương tâm nhà giáo, ông Tĩnh đề nghị ngành GD, chính quyền địa phương các cấp, các ban, ngành chức năng liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát, thực hiện tốt nhất chức năng quản lý về mặt nhà nước đối với các cơ sở GD mầm non.
Ông Nguyễn Văn Tĩnh - Chủ tịch UBND quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng.
Chủ tịch quận Thanh Khê cũng đề nghị giải pháp lắp camera tại các cơ sở GD mầm non, các nhóm lớp đủ điều kiện về cơ sở vật chất, nhân sự và được cấp phép hoạt động. Giải pháp lắp camera, theo ông Tĩnh, là để quản lý nhà trường, phụ huynh, giáo viên cùng theo dõi sát sao diễn biến trong giờ học của trẻ ở trường/lớp; ý thức trách nhiệm đảm bảo kỹ năng nghiệp vụ, đạo đức của người nuôi dạy trẻ được nâng cao hơn.
Khởi tố vụ án “Hành hạ trẻ em” ở Nhóm trẻ Mẹ Mười
Chiều 23/5, Công an quận Thanh Khê (Đà Nẵng) đã có quyết định khởi tố vụ án “Hành hạ trẻ em” ở nhóm trẻ Mẹ Mười. Viện kiểm sát cùng cấp cũng đã phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án. Cơ quan chức năng đang tiếp tục hoàn tất hồ sơ để có quyết định khởi tố bị can đối với chủ nhóm trẻ Mẹ Mười là bà Đinh Thị Hồng (SN 1972, ngụ tại quận Thanh Khê, Đà Nẵng).
Khánh Hiền