Bạn đọc viết:
Nỗi buồn của giáo viên dạy hợp đồng khi hè về
(Dân trí) - Hôm qua, dì tôi đến chơi và trút bầu tâm sự về nỗi buồn của mình. Dì bảo rằng nghe tin con sắp nghỉ hè mà buồn nẫu ruột. Rồi đây chúng lại phải đôn đáo kiếm việc làm thêm trong mấy tháng hè. Thương con, xót con mà chẳng biết làm gì để giúp con cả.
Dì tôi có hai em sinh đôi học khá giỏi. Chẳng hiểu sao chúng đều thích Sư phạm. Năm ấy, dì đã từng mừng vui vì con đậu đại học. Cả gia đình đều hân hoan vì các con học hành giỏi giang. Nghĩ tới tương lai của các con dì vô cùng hạnh phúc.
Hai em con nhà dì tôi rất chăm ngoan. Từ bé hai em đã chăm học. Hai em luôn mơ ước được trở thành cô giáo đứng trên bục giảng. Cả hai chị em đều yêu thích văn chương nên chọn cô giáo dạy Văn. Với lại, gia đình dì tôi cũng khó khăn nên chọn Sư phạm là phù hợp nhất.
Ngày tháng dần trôi. Cả hai em đều nỗ lực phấn đấu với tấm bằng khá khi ra trường. Tưởng rằng rồi đây các em sẽ xin được việc và đi làm cho dì đỡ khổ. Thế nhưng năm ấy Sở Giáo dục không tổ chức thi tuyển công chức. Cạy cục mãi dì mới nhờ người quen xin cho hai em dạy hợp đồng ở một trường cấp 2 cách nhà 10 cây số.
Thực ra lương giáo viên hợp đồng rất thấp. Các em được hưởng theo số tiết. Mỗi tiết thực dạy các em lãnh 40.000 đồng. Ngoài ra các em không được hưởng một chế độ gì, kể cả đóng bảo hiểm. Cứ ba tháng các em kí hợp đồng một lần cho đến hết năm. Như vậy, hàng tháng mỗi em chỉ lãnh chưa đến ba triệu đồng. Số tiền này trừ xăng xe, ăn uống thì cũng chẳng còn bao nhiêu. Tuy nhiên, thấy các em có việc, ai cũng mừng vui và hạnh phúc. Cả nhà cứ động viên các em cố gắng để chờ vào biên chế.
Năm vừa rồi nghe tin Sở tổ chức thi công chức. Các em hồ hởi vui mừng thông báo cho tôi. Cả hai em lên Sở mua hồ sơ với bao niềm vui và hy vọng. Thế nhưng khi nhìn kĩ thì chỉ tiêu tuyển sinh quá ít. Trong khi đó thì hồ sơ lại nộp quá nhiều. Đợt ấy, mặc dù rất cố gắng nhưng cả hai em vẫn trượt.
Lại một năm dạy hợp đồng nữa trôi qua, hai đứa em thì vẫn đang cố gắng và chờ đợi. Dì thì muốn hai đứa đi làm công nhân ở xí nghiệp gần nhà. Mức lương công nhân bây giờ cũng tương đối. Nếu chịu khó tăng ca thì vẫn sống tốt. Ngoài ra chưa kể thưởng tết và được đóng bảo hiểm nữa. Thế nhưng hai đứa thì cứ nấn ná, đắn đo. Chúng bảo học vất vả, cực khổ 4 năm mà đi làm công nhân thì buồn quá. Thôi thì cứ cố chờ đợi vậy.
Dẫu lương thấp nhưng có việc vẫn hơn. Giờ nghỉ hè thì hai đứa đều không có lương. Rồi đây chúng lại tất bật làm thêm đủ thứ việc để nuôi hy vọng. Nào là bán hàng trên mạng. Nào là làm gia sư tại nhà... Nhìn các con lận đận dì chỉ biết xót xa. Rồi đây không biết tương lai các con sẽ như thế nào. Năm tới liệu chúng còn được kí hợp đồng. Rồi chúng còn lập gia đình nữa chứ. Hiện tại, cả hai đứa đều đã có bạn trai. Thế nhưng chúng cứ chần chừ chưa dám nghĩ đến. Chúng rất sợ khi có con sẽ bị cắt hợp đồng. Khổ thế, yêu nghề mà chẳng được tuyển dụng.
Khi tôi gợi ý các em nên xin việc ở các trung tâm thì các em cho biết các trung tâm ở gần chỉ muốn kí hợp đồng với các thầy cô có bề dày thành tích. Họ bảo giáo viên mới ra trường chưa có kinh nghiệm. Họ cần các cô dạy ở những trường uy tín cơ.
Sau khi trút hết bầu tâm sự thì dì chào tôi và ra về. Nhìn dáng dì lầm lũi bước đi mà tôi thấy thương quá chừng. Thế nhưng tôi cũng chưa biết làm gì để giúp dì và các em. Tôi chỉ động viên dì và các em cùng cố gắng. Nhất định thần may mắn rồi sẽ mỉm cười với gia đình của dì.
Bản thân là một giáo viên, tôi cứ mãi suy nghĩ về bài toán bất cập nan giải trong ngành Giáo dục. Biết rằng giáo viên đã dôi dư nhưng sao các trường vẫn cứ đào tạo. Năm nào cũng vẫn tuyển sinh. Cuối cùng thì mới làm khổ rất nhiều người như thế này đây.
Loát Trần
Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!