Những “phi vụ” tái cơ cấu trường Đại học

(Dân trí) - Chưa bao giờ việc mua bán sát nhập trường đại học được nhắc đến nhiều như hiện nay, nguyên nhân là do các trường đại học ngoài công lập, sau thời gian được thành lập ồ ạt chỉ hoạt động ở mức cầm chừng, dẫn đến việc tuyển sinh và đào tạo không hiệu quả. Chỉ trong vài năm gần đây đã có khoảng vài chục trường đã được sang tên đổi chủ.

Trường Đại học Dân lập Hồng Bàng

Trường Đại học Dân lập Hồng Bàng (TP.HCM) được thành lập vào năm 1997. Đến năm 2009, trường đổi tên thành Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng thuộc loại hình trường tư thục.

Giữa năm 2015, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng đã chính thức được chuyển giao cho nhà đầu tư mới là Tập đoàn công nghệ và giáo dục Nguyễn Hoàng. Mức giá mà nhà đầu tư chi ra để mua trường này là khoảng 500 tỉ đồng.


Đại học Quốc tế Hồng Bàng đã thay đổi chủ sở hữu.

Đại học Quốc tế Hồng Bàng đã thay đổi chủ sở hữu.

Ngay sau đó, PGS.TS. Thái Bá Cần trở thành hiệu trưởng Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng nhiệm kỳ 2015-2020.

Trường Đại học Dân lập Văn Hiến

Năm 2010, trước tình hình khó khăn về tài chính, cơ sở vật chất thiếu thốn, Tổng Công ty Truyền thông đa phương tiện (VTC) làm nhà đầu tư chiến lược của Đại học Dân lập Văn Hiến với cam kết đầu tư 180 tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất.

Tuy nhiên đến năm 2013, Công ty Cổ phần Phát triển Hùng Hậu đã trở thành nhà đầu tư mới của Đại học Dân lập Văn Hiến, đồng thời phải tham gia vào công tác khắc phục khó khăn mà nhà trường gặp phải trong 3 năm vừa qua để từ đó làm căn cứ đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cho tuyển sinh trở lại.


Trường Đại học Dân lập Văn hiến đã có chủ đầu tư mới sau 3 năm thành lập. (Nguồn ảnh: Interrnet)

Trường Đại học Dân lập Văn hiến đã có chủ đầu tư mới sau 3 năm thành lập. (Nguồn ảnh: Interrnet)

Đây được xem như bước khởi đầu giúp trường Đại học Dân lập Văn Hiến tái cơ cấu thành công để hướng đến mục tiêu trở thành môi trường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội trong tương lai.

Qua những ví dụ trên có thể thấy, việc chuyển từ nhà đầu tư này sang một nhà đầu tư khác đôi khi lại là những tín hiệu tốt báo hiệu cho một tương lại phát triển hơn của các trường đại học ngoài công lập.

Đặc biệt khi nhà đầu tư đó có tiềm lực tài chính vững mạnh, có chiến lược giáo dục rõ ràng cùng các bước triển khai nhằm nâng cao hiệu quả của việc tái cơ cấu, thì chúng ta hoàn toàn có quyền tin tưởng vào tương lai tươi sáng hơn của nền giáo dục đại học Việt Nam.

Trường Đại học Kinh tế tài chính TP. Hồ Chí Minh

Năm 2014, Trường Đại học Kinh tế tài chính TP.HCM đã được mua lại bởi Công ty Cổ phần đầu tư phát triển giáo dục Hutech – Một cổ đông của Đại học Hutech TP. Hồ Chí Minh. Theo thông tin không chính thức, trường này được mua lại với giá gần 200 tỉ đồng.


Trường Đại học Kinh tế tài chính TP. HCM được mua lại bởi Công ty Hutech.

Trường Đại học Kinh tế tài chính TP. HCM được mua lại bởi Công ty Hutech.

Vào thời điểm đó, Trường Đại học Kinh tế tài chính TP.HCM là trường ngoài công lập có học phí lên đến gần 80 triệu đồng/năm, và hầu như năm nào việc tuyển sinh cũng chưa đạt 50% chỉ tiêu. Bên cạnh đó, một số nhà đầu tư ở trường này cũng đang đứng chân đầu tư và quản lý ở một trường ngoài công lập khác.

Trường Đại học Thành Tây

Tháng 07 năm 2017, TS. Hồ Xuân Năng – Chủ tịch HĐQT công ty Cổ phần Vicostone – Một trong những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam chính thức đầu tư sang giáo dục, trở thành Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường Đại học Thành Tây – Đại học Thời đại mới. Bên cạnh đó, TS. Đàm Quang Minh nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học FPT, người được biết đến như một chuyên gia về đổi mới giáo dục sẽ là hiệu trưởng mới của trường.

Theo đó, Trường Đại học Thành Tây chính thức trở thành thành viên của Tổ chức giáo dục Hoa Kỳ (IAE) cùng các thương hiệu giáo dục tên tuổi khác như EQuest, Ivyprep, Ismart, Trường Cao Đẳng Việt Mỹ (APC), Broward College Vietnam, Học viện thiết kế ADS …


Trong thời gian tới Trường Đại học Thành Tây sẽ có những thay đổi về diện mạo hình ảnh và chất lượng đào tạo. (Phối cảnh Trường Đại học Thành Tây).

Trong thời gian tới Trường Đại học Thành Tây sẽ có những thay đổi về diện mạo hình ảnh và chất lượng đào tạo. (Phối cảnh Trường Đại học Thành Tây).

Cùng với việc thay đổi chủ sở hữu và hiệu trưởng, Trường Đại học Thành Tây công bố chiến lược phát triển mới với triết lý đại học thời đại mới hướng tới ba mục tiêu là đại học thời đại, tư duy và thích ứng cách mạng công nghiệp 4.0.

Phát triển từ tư duy đó, Trường Đại học Thành Tây sẽ được xây dựng dựa trên các giá trị mang tính thời đại và luôn được cập nhật. Chương trình đào tạo được ứng dụng khoa học công nghệ vào giáo dục, triển khai các lớp học mở, tạo lợi thế cạnh tranh cho sinh viên bằng việc trang bị bộ kỹ năng thế kỷ 21. Được biết mô hình hoạt động của trường được dựa trên mô hình hoạt động của các trường đại học Hoa Kỳ và các kinh nghiệm thành công của các trường đại học tư thục đã thành công tại Việt Nam như Đại học FPT, Đại học Hoa Sen và Đại học Duy Tân.

Đi cùng với chiến lược thay đổi hình ảnh và chương trình đào tạo, dự án xây dựng mới Trường Đại học Thành Tây cũng song song được triển khai từ tháng 12/2017.

Nhật Hồng