Tư vấn chọn ngành học 2018:

Những ngành kỹ thuật không sợ thất nghiệp

(Dân trí) - Đó là những ngành Công nghệ Kỹ thuật điện tử Truyền thông, Công nghệ kỹ thuật Xây dựng – Giao thông, Truyền thông và Mạng máy tính, Cơ kỹ thuật, Kỹ thuật năng lượng. Vậy những ngành học này trang bị kiến thức cho sinh viên những gì?


Nhiều ngành kỹ thuật đào tạo sinh viên có năng lực đáp ứng với thực tế ngay khi tốt nghiệp ra trường

Nhiều ngành kỹ thuật đào tạo sinh viên có năng lực đáp ứng với thực tế ngay khi tốt nghiệp ra trường

Ngành Công nghệ Kỹ thuật điện tử Truyền thông

Mục tiêu của chương trình là đào tạo các cử nhân ngành Công nghệ kỹ thuật điện tử, truyền thông với nền tảng mạnh về các khoa học và công nghệ liên quan, có khả năng đóng góp cho xã hội bằng sự sáng tạo, kinh doanh và lãnh đạo.

Cụ thể: Phát triển kiến thức và kỹ năng cần có cho nghề nghiệp tương lai trong ngành công nghệ kỹ thuật điện tử, truyền thông; Phát triển sự hiểu biết và khả năng áp dụng khoa học cơ bản, toán học, khoa học điện và tin học vào thực tiễn của ngành công nghệ kỹ thuật điện tử, truyền thông;

Củng cố kiến thức về các tương tác giữa ngành công nghệ kỹ thuật điện tử, truyền thông với xã hội, kinh doanh, công nghệ, và môi trường;Tăng cường nhận thức về việc đóng góp cho sự phát triển quốc gia và kinh tế toàn cầu.

Có kinh nghiệm trong việc thiết lập và bảo dưỡng các thiết bị tổng đài chuyển mạch di động BSC, trạm gốc BTS; hay trung tâm chuyển mạch MSC, HLR; Có khả năng giao tiếp tiếng Anh.

Sinh viên tốt nghiệp có đủ kiến thức để thực hiện một trong những nhóm nghề nghiệp phù hợp như: Giảng viên/nghiên cứu viên; Chuyên gia kỹ thuật; Quản trị dự án kỹ thuật; Doanh nhân trong lĩnh vực ĐTVT.

Ngành Công nghệ kỹ thuật Xây dựng – Giao thông

Mục tiêu tổng quan của chương trình đào tạo Kỹ sư ngành Công nghệ Kỹ thuật Xây dựng – Giao thông là đào tạo cho sinh viên kiến thức về kỹ thuật, công nghệ, thiết kế, thi công, vận hành và quản lý các dự án cơ sở hạ tầng xã hội. Trên cơ sở đó, sinh viên có thể nghiên cứu, ứng dụng kiến thức chuyên ngành, liên ngành và thực tế xã hội để giải quyết các vấn đề hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị, vùng hiện nay đang gặp phải.

Sinh viên tốt nghiệp có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, có khả năng làm việc tại các tổng công ty, doanh nghiệp xây dựng và giao thông trong và ngoài nước; làm công tác quản lý xây dựng, quy hoạch trong các bộ ngành và công ty; nghiên cứu khoa học và giảng dạy cho các viện nghiên cứu, trường đại học và làm tiếp thạc sỹ, tiến sĩ tại các trường Đại học trong và ngoài nước.

Sinh viên tốt nghiệp chương trình đào tạo này sẽ được trang bị các kiến thức về thiết kế các công trình Xây dựng dân dụng, công nghiệp và hạ tầng giao thông

Các kiến thức về tư vấn đầu tư xây dựng công trình: Lập đề cương khảo sát, thiết kế; tiến hành khảo sát, thiết kế cơ sở, lập dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật, lập bản vẽ thi công, lập dự toán và tổng dự toán, lập hồ sơ mời thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu và giám sát thi công các công trình xây dựng.

Các kiến thức về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình: lập thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản, lập hồ sơ mời thầu, phân tích đánh giá hồ sơ dự thầu, giám sát chủ đầu tư, nghiệm thu, thanh quyết toán công trình.

Kiến thức về phát triển bền vững và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu cũng như thích ứng với biến đổi khí hậu trong xây dựng – giao thong; Kiến thức về đo đạc, kiểm tra, thí nghiệm và xử lý được số liệu trong công tác thí nghiệm vật liệu xây dựng, thí nghiệm cơ học địa kỹ thuật, công tác trắc địa.

Kiến thức về triển khai thi công xây dựng công trình: Lập hồ sơ dự thầu, thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị, lập hồ sơ bản vẽ hoàn công và làm các thủ tục thanh quyết toán công trình.

Ngành Truyền thông và Mạng máy tính

Mục tiêu đào tạo của chương trình đào tạo kỹ sư ngành Truyền thông và Mạng máy tính (TT&MMT) là cung cấp nguồn nhân lực trình độ cao, chất lượng cao, có khả năng nghiên cứu và làm việc trong các tập đoàn lớn về Công nghệ thông tin và Truyền thông ở Việt Nam cũng như các nước trong khu vực, đáp ứng nhu cầu của xã hội về nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực Truyền thông và Mạng Máy tính.

Về kiến thức, sinh viên được trang bị kiến thức có hệ thống và hiện đại, phù hợp với các chương trình đào tạo tiên tiến trên thế giới:Kiến thức tổng hợp về toán, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, ngoại ngữ; kiến thức nền tảng trong Truyền thông và mạng máy tính;kiến thức chuyên ngành theo định hướng “Mạng máy tính” như quản trị mạng, thực hành an ninh mạng, mạng không dây, phân tích và thiết kế mạng, lập trình mạng, … và định hướng “Truyền thông” như truyền thông quang, truyền thông vô tuyến, truyền thông di động, truyền thông đa phương tiện;

Về năng lực, đảm bảo sinh viên tốt nghiệp chương trình đào tạo có khả năng áp dụng các kiến thức nền tảng và chuyên ngành để phân tích, thiết kế, triển khai, cài đặt và quản trị các hệ thống/dịch vụ mạng và truyền thông dữ liệu; có tư duy logic tốt, có năng lực sáng tạo để giải quyết các bài toán ứng dụng cụ thể, có năng lực tự học để nắm bắt tri thức, công nghệ, kỹ năng mới trong phát triển các hệ thống/dịch vụ mạng và truyền thông dữ liệu;…

Ngành Cơ kỹ thuật

Chương trình đào tạo trang bị cho sinh viên các kiến thức chuyên môn toàn diện, nắm vững nguyên lý, quy luật tự nhiên – xã hội, có kỹ năng thực hành cơ bản, có khả năng làm việc độc lập, sáng tạo và giải quyết những vấn đề thuộc ngành Cơ kỹ thuật;

Sinh viên tốt nghiệp chương trình đào tạo có kiến thức lý thuyết chuyên sâu trong lĩnh vực đào tạo; nắm vững kỹ thuật và có kiến thức thực tế để có thể giải quyết các công việc phức tạp; tích luỹ được kiến thức nền tảng về các nguyên lý cơ bản, các quy luật tự nhiên và xã hội trong lĩnh vực được đào tạo để phát triển kiến thức mới và có thể tiếp tục học tập ở trình độ cao hơn; có kiến thức quản lý, điều hành, kiến thức pháp luật và bảo vệ môi trường liên quan đến lĩnh vực được đào tạo; và có kiến thức cụ thể và năng lực chuyên môn như sau:

Định hướng chuyên sâu về cơ học kỹ thuật biển

– Hiểu và có thể áp dụng kiến thức để mô phỏng, phân tích, đánh giá các công trình ngoài khơi và ven bờ…;

– Biết và có thể vận dụng kiến thức để tính toán, mô phỏng, đánh giá, dự báo các quá trình thủythạch động lực và môi trường biển.

Định hướng chuyên sâu về Cơ điện tử:

– Hiểu và vận dụng kiến thức để đánh giá phân tích thiết kế hệ thống hoặc quá trình; sử dụng các công cụ hiện đại để phát triển các hệ thống cơ điện tử; có khả năng phát triển giải pháp để thiết kế và phát triển hệ cơ điện tử, tạo ra các công cụ sản xuất “thông minh”, cũng như các hệ thống công nghiệp hiện đại.

Định hướng chuyên sâu về công nghệ vũ trụ:

– Hiểu và vận dụng kiến thức về khí động lực học và công nghệ phóng đẩy, cơ học cấu trúc, cơ học bay, công nghệ vệ tinh, … phục vụ nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ.

Định hướng chuyên sâu về vật liệu và kết cấu tiên tiến:

– Có kiến thức cơ bản tốt về cơ học vật liệu và tính toán kết cấu; có thể thiết kế các thành phần tối ưu cho vật liệu composite nhiều pha (nền, sợi và hạt); tính toán và thực nghiệm xác định ứng suất-biến dạng, độ bền của các loại vật liệu và độ bền, ổn định của các loại kết cấu tấm, vỏ bằng thép, kim loại loại và hợp kim,…cũng như các kết cấu làm từ vật liệu composite, bê tông, vật liệu nano, vật liệu chức năng FGM,…chịu tải trọng tĩnh và động lực học, từ đó có thể chủ động thiết kế, chế tạo và điều khiển kết cấu.

Ngành Kỹ thuật năng lượng

Chương trình đào tạo nguồn nhân lực kỹ sư ngành Kỹ thuật năng lượng (KTNL) nắm vững các kiến thức cơ bản và chuyên sâu về năng lượng, có khả năng thực hành tốt, ứng dụng các hiểu biết và kỹ năng thực hành để nghiên cứu, triển khai thực tế. Kỹ sư tốt nghiệp ngành KTNL có khả năng làm việc tại các tập đoàn trong nước, công ty nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực năng lượng mới và truyền thống, các trường đại học và viện nghiên cứu có liên quan.

Về kiến thức: Sinh viên được trang bị kiến thức có hệ thống và hiện đại, phù hợp với các chương trình đào tạo tiến tiến trên thế giới: Kiến thức tổng hợp về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, ngoại ngữ; kiến thức cơ bản khác như toán – tin, vật lý đại cương, cơ kỹ thuật; kiến thức nền tảng về năng lượng; kiến thức chuyên sâu theo định hướng năng lượng mặt trời…

Về năng lực: Kỹ sư tốt nghiệp ngành KTNL có năng lực áp dụng các kiến thức cơ bản và chuyên sâu để nghiên cứu, phân tích, thiết kế, triển khai, quản trị các công nghệ và hệ thống năng lượng; năng lực thiết kế, chế tạo, thử nghiệm vật liệu, thiết bị dùng trong kỹ thuật năng lượng, hệ thống năng lượng…; năng lực làm việc ở các vị trí kỹ thuật triển khai và vận hành…

Nhật Hồng (Nguồn ĐH Công nghệ - ĐH QGHN)