Nhập nhằng thủ tục, hàng trăm học sinh, sinh viên bị chậm chế độ

(Dân trí) - Vì những nhập nhằng trong việc áp dụng các quy định của Nhà nước, nhiều năm qua, huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa) đã chậm giải quyết chế độ, chính sách cho hàng trăm học sinh, sinh viên trên địa bàn. Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu Chủ tịch huyện Ngọc Lặc rút kinh nghiệm và tiếp tục thực hiện...

Hồ sơ “bị ngâm” vì các ngành chưa thông luật

UBND huyện Ngọc Lặc đã có báo cáo giải trình việc thực hiện chế độ cho học sinh (HS), sinh viên (SV) trên địa bàn. Lý do hồ sơ còn tồn đọng là do, trước đó, căn cứ quy định của các ngành, huyện Ngọc Lặc đã phê duyệt cấp kinh phí miễn, giảm học phí cho HS, SV năm học 2012 - 2013, gồm 2 đợt.

Đợt 1, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) thẩm định, trình phê duyệt vào tháng 7/2013 với tổng số đối tượng đề nghị cấp tiền miễn, giảm học phí là 1.433 đối tượng; tổng số kinh phí đề nghị cấp hơn 3,4 tỷ đồng.

Hàng trăm học sinh, sinh viên trên địa bàn huyện Ngọc Lặc bị chậm chế độ, chính sách
Hàng trăm học sinh, sinh viên trên địa bàn huyện Ngọc Lặc bị chậm chế độ, chính sách

Sau đó, Phòng Tài chính - Kế hoạch (TC-KH) huyện Ngọc Lặc đã chuyển kinh phí cho các xã cấp cho đối tượng. Tuy nhiên, theo chỉ đạo của Sở Tài chính Thanh Hóa tại Công văn số: 1442/STC-QLNSHX, ngày 9/5/2014, Phòng TC-KH huyện đã tổ chức thẩm tra lại hồ sơ của đợt 1 năm 2013 và xuất toán 211 đối tượng.

Số tiền xuất toán là hơn 660 triệu đồng, đồng thời, Phòng TC-KH đã tham mưu UBND huyện Ngọc Lặc thu hồi, nộp ngân sách số tiền trên.

Đợt 2, Phòng LĐ-TB&XH tổ chức thẩm định, trình phê duyệt vào tháng 1/2014. Thời điểm này, Thông tư liên tịch 20/2014/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH (Thông tư 20), đã có hiệu lực thi hành. Trong đó, tổng số đối tượng đề nghị cấp tiền miễn, giảm học phí là 627 đối tượng; tổng số kinh phí đề nghị hơn 2,2 tỷ đồng.

Ngày 9/5/2014, Phòng TC-KH tổ chức thẩm định lại tất cả các hồ sơ. Qua thẩm định, chỉ cấp kinh phí cho 461 đối tượng, với số tiền là hơn 1,08 tỷ đồng; loại ra 166 đối tượng và số tiền là hơn 1,1 tỷ đồng.

Tổng số kinh phí Phòng TC-KH cho rằng không đủ điều kiện hưởng loại ra của cả 2 đợt là gần 1,8 tỷ đồng.

Lý do Phòng TC-KH thẩm định lại hồ sơ là căn cứ theo chỉ đạo của Sở Tài chính, tham chiếu quy định tại Khoản 1, Điều 8, Thông tư 20. Khi thực hiện Thông tư 20 cả huyện Ngọc Lặc có 16 hồ sơ mới phát sinh, qua thẩm định chỉ có 1 hồ sơ nộp đúng thời hạn huyện đã cấp tiền, còn tồn lại 15 hồ sơ.

Tại hội nghị liên ngành ngày 14/5/2015, do UBND huyện Ngọc Lặc tổ chức, đại diện Phòng TC-KH vẫn giữ quan điểm, tất cả các hồ sơ phải đáp ứng quy định tại Khoản 1, Điều 8, Thông tư 20 mới đủ điều kiện chi trả. Hội nghị còn nhiều ý kiến không thống nhất, do đó văn phòng HĐND và UBND huyện Ngọc Lặc không ra văn bản kết luận Hội nghị.

Khi thực hiện Thông tư liên tịch số 14/2016/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH (Thông tư 14) , lúc này huyện Ngọc Lặc có 15 hồ sơ theo Thông tư 20 và 211 đối tượng của đợt 1 năm 2013 và 166 đối tượng của đợt 2 năm 2013 bị Phòng TC-KH loại ra.

Phòng LĐ-TB&XH đã chủ động trao đổi nghiệp vụ với Phòng TC-KH, nhưng Phòng TC-KH vẫn giữ quan điểm là tất cả các hồ sơ phải đáp ứng quy định tại Khoản 1, Điều 8, Thông tư 20 và Điểm a, Mục 3, Điều 3, Thông tư 29 mới đủ điều kiện được hưởng.

Vì chưa thống nhất được mốc thời gian để tính hưởng chế độ nên Phòng LĐ-TB&XH chưa có cơ sở để thẩm định các hồ sơ theo Thông tư 14. Phòng LĐ-TB&XH đã chủ động trao đổi chuyên môn với Sở LĐ-TB&XH xin ý kiến chỉ đạo với hai phòng là Phòng Chính sách Bảo trợ xã hội và Phòng Đào tạo nghề, song không nhận được trả lời.

Ngày 7/1/2016, UBND huyện Ngọc Lặc đã chỉ đạo Phòng LĐ-TB&XH ban hành công văn gửi Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa xin ý kiến chỉ đạo. Ngày 6/6/2016, Sở LĐ-TB&XH đã có Công văn số 1568/SLĐTBXH-BTXH trả lời.

Tuy nhiên, trong Công văn này cơ bản cũng trích dẫn lại các điểm trong các Thông tư hướng dẫn, do đó huyện Ngọc Lặc vẫn chưa có cơ sở giải quyết, vì Thông tư 14 vẫn có yêu cầu chung là hồ sơ phải đáp ứng theo Thông tư 20 và Thông tư 29.

Yêu cầu Chủ tịch huyện rút kinh nghiệm!

Theo UBND huyện Ngọc Lặc, để đảm bảo quyền lợi cho các đối tượng HS, SV, phần lớn là đối tượng yếu thế trong xã hội, đối tượng ở vùng kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, vùng cao...

Hơn nữa, để có cơ sở trả lời đơn thư của các đối tượng nhằm ổn định tình hình tại địa phương, ngày 19/1/ 2017, huyện Ngọc Lặc có Công văn số: 71/UBND-LĐTBXH gửi UBND tỉnh Thanh Hóa xin ý kiến chỉ đạo.

UBND tỉnh Thanh Hóa đã có chỉ đạo tại Công văn số: 1163/UBND-VX, ngày 17/4/2017. Tiếp đó, Sở LĐ-TB&XH đã tổ chức Hội nghị liên ngành để giải quyết đề nghị của huyện Ngọc Lặc.

Sau đó, huyện Ngọc Lặc tổ chức rà soát lại số hồ sơ mà Phòng TC-KH loại ra và số hồ sơ mới tiếp nhận thì còn 312 hồ sơ đủ điều kiện hưởng và số tiền là 767.276.000 đồng, số liệu này thấp hơn số liệu mà Phòng TC-KH loại ra do một số hồ sơ đã trả lại cho đối tượng không còn lưu tại Phòng LĐ-TB&XH nên không có cơ sở rà soát.

Liên quan đến vấn đề trên, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có công văn yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Ngọc Lặc nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc chậm thực hiện chế độ, chính sách cho HS, SV theo quy định.

Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa đã đồng ý chủ trương cho phép huyện Ngọc Lặc tiếp tục thực hiện việc chi trả tiền miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập đối với HS, SV đã có đầy đủ hồ sơ theo quy định từ năm học 2010 - 2011 đến năm học 2014- 2015.

Duy Tuyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm