Môn công nghệ quá lạc hậu
Nói đến công nghệ là nói đến tính cập nhật và ứng dụng nhưng chương trình và sách giáo khoa môn công nghệ hiện nay ở trường phổ thông quá xa rời thực tế.
Không chỉ chương trình quá cũ, thiếu tính ứng dụng, tư duy đây chỉ là môn phụ khiến môn học này là môn tập trung những giáo viên kiêm nhiệm. Kiến thức chuyên môn còn yếu, có thực trạng giáo viên còn dùng tiết học này để dạy các môn khác còn dang dở... Thực tế đó khiến học sinh thờ ơ, không còn hứng thú với môn học.
Sử dụng số liệu của năm 2004
Dẫn chứng về sự lạc hậu của môn công nghệ, giáo viên một trường THPT tại quận Tân Bình (TP HCM) cho biết trong chương trình công nghệ lớp 10 học về nông nghiệp, sách giáo khoa (SGK) vẫn còn sử dụng số liệu của những năm 1995 đến 2004. Chẳng hạn, ở bài “Ngành nông lâm ngư nghiệp có vai trò quan trọng trong sản xuất hàng hóa xuất khẩu”, SGK lấy nguồn từ Tổng cục Thống kê để dẫn chứng nhưng số liệu này có từ những năm 1995, 2000 và 2004. Nghiêm trọng hơn, ở phần biểu đồ thể hiện về cơ cấu lực lượng lao động xã hội ở nước ta lại tiếp tục dùng số liệu của những năm 1995 đến 2000. Rõ ràng cơ cấu lao động hiện nay tại các ngành nghề ở nước ra đã khác rất nhiều. Số liệu lạc hậu sẽ dẫn đến những phân tích sai và cách hiểu sai.
Tương tự, ở bài học về tầm quan trọng của sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp trong nền kinh tế quốc dân. Bài này yêu cầu học sinh dựa vào biểu đồ trong sách để nhận xét về đóng góp của ngành nông, lâm, ngư nghiệp trong cơ cấu tổng sản phẩm nội địa. Biểu đồ sử dụng số liệu của 3 năm là 1995, 2000 và 2004 để yêu cầu học sinh nhận xét. “Nếu các em nhận xét theo số liệu cách đây hơn 10 năm thì vô hình trung chúng ta đang gieo vào đầu các em những tư duy lạc hậu vì số liệu này không phản ánh được thực tế ngành nghề hiện nay” - giáo viên này bức xúc.
Một giáo viên khác dẫn chứng trong chương trình môn công nghệ lớp 12, ở bài máy thu hình, SGK ghi khái niệm về máy thu hình là thiết bị nhận và tái tạo âm thanh và hình ảnh của đài truyền hình. Âm thanh và hình ảnh được xử lý độc lập trong máy thu hình. Tiếp sau đó, SGK có hình mô phỏng nhưng vẫn còn sử dụng khái niệm ăng-ten. Ăng-ten là thiết bị thu sóng nhưng hiện nay rất ít gia đình còn sử dụng. Hầu hết đã sử dụng đầu thu và các thiết bị kỹ thuật số. Chưa kể, sắp tới sẽ chuyển hoàn toàn sang việc sử dụng đầu thu, không còn ăng-ten nữa. Vậy học sinh học về ăng-ten thì cũng như không, trong khi đó đầu thu lại không biết sử dụng.
Cập nhật không đúng chỗ
Ông Đỗ Ngọc Thịnh, giáo viên môn công nghệ Trường THPT Bà Điểm (TP HCM), cho biết trong vài năm trở lại đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo có cập nhật một số chuyên đề bổ sung trong SGK công nghệ. Đơn cử như chuyên đề về kinh doanh, dạy học sinh các kỹ năng về tài chính, gọi chung là các chuyên đề về kỹ năng sống. Nhưng có bất cập là những giáo viên chuyên về công nghệ thì được đi tập huấn về những thay đổi, còn những giáo viên kiêm nhiệm thì không. Trong khi đó, hầu hết hiện nay giáo viên dạy môn công nghệ là giáo viên kiêm nhiệm.
Ông Thịnh cũng cho rằng việc giảng dạy kỹ năng sống cho học sinh là yêu cầu cần thiết, trách nhiệm của tất cả môn học, giáo viên song nếu bỗng dưng xây dựng thành chuyên đề rồi cập nhật vào SGK công nghệ thì rất khiên cưỡng. Giống như môn học thập cẩm, có thể ghép bất kỳ môn nào còn thiếu vào. Lâu dần tạo tâm lý cho học sinh tư tưởng học lệch vì là môn phụ, có hay không cũng không ảnh hưởng gì.
Hiệu trưởng một trường THPT thống kê trong 10 giáo viên dạy môn công nghệ thì có tới 8 giáo viên là kiêm nhiệm từ môn sinh học. Từ thực tế này dẫn đến tình trạng nếu giáo viên nào dạy quen thì biết SGK chỗ nào hạn chế, chỗ nào cần cập nhật để bổ sung kiến thức cho học sinh. Ngược lại, nếu là giáo viên không chuyên thì bám sách, dạy theo phân phối chương trình (thiếu sự cập nhật) cho đủ tiết.
Giáo viên không có hứng thú dạy
Giáo viên một trường THPT tại quận Bình Thạnh (TP HCM) cho biết số liệu lạc hậu, không những khiến học sinh không hứng thú, thờ ơ với môn học mà chính bản thân người dạy cũng không còn cảm hứng để dạy. Mặt khác, SGK cung cấp những số liệu, kiến thức quá cũ thì mục đích cung cấp trở thành sự không nghiêm túc. Chưa kể công nghệ mà lạc hậu dễ dẫn đến học sinh học sai, hiểu sai và không thể thực hành, áp dụng trong thực tế được thì rất nguy hiểm.
Theo Đặng Trinh
Người Lao Động