Kỹ sư Lâm Nghiệp - Cung không đủ cầu
(Dân trí) - Hầu hết số kỹ sư ngành chế biến gỗ, kĩ thuật và một số ngành thuộc nhóm lâm nghiệp, lâm sinh đều được các doanh nghiệp đặt hàng ngay từ trước khi tốt nghiệp. Số lượng đào tạo kỹ sư chất lượng cao luôn trong tình trạng “cung không đủ cầu”.
Ngày 9/5, hơn 85 đơn vị, doanh nghiệp trong cả nước mong muốn tuyển dụng khoảng 1.500 kỹ sư Lâm nghiệp chất lượng cao, ngay tại Ngày hội việc làm 2018 do trường Đại học Lâm Nghiệp Việt Nam tổ chức.
“Cung không đủ cầu”
Đến với ngày hội, bà Nguyễn Hiên, đại diện ban tuyển dụng Công ty Thiết kế Lâm nghiệp Việt Nam chia sẻ, theo như số liệu thống kê của công ty, có tới 38% số cử nhân đi xin việc bị từ chối do thiếu kinh nghiệm, thiếu kiến thức chuyên môn; 23% số đó yếu về kiến thức kĩ năng mềm và kiến thức xã hội (kinh tế, văn hóa, ngoại ngữ…).
Trong khi đó, số lượng kỹ sư và nhân viên chúng tôi đang cần, vào khoảng hơn 100 lao động, mức lương tối thiểu từ 7 triệu - 15 triệu/tháng. Nhưng trong suốt những năm gần đây, số lượng nhân sự chất lượng cao được đào tạo bài bản, đáp ứng đủ nhu cầu tuyển dụng luôn trong tình trạng thiếu - “việc luôn đi săn người tài”. Mỗi khóa kỹ sư Lâm nghiệp ra trường, chúng tôi đều rất chào đón và mong muốn được nhận vào làm việc.
Bà Hiên băn khoăn, trong cả buổi sáng, quầy tư vấn tuyển dụng tiếp nhận được rất ít số bộ hồ sơ ứng tuyển của các bạn sinh năm cuối, chỉ lác đác 1 - 2 bộ, so với chỉ tiêu 6 kỹ sư Lâm sinh như dự kiến ban đầu”.
Nhà tuyển dụng lo lắng không tìm đủ được số kỹ sư mong muốn; ngược lại, sinh viên thì trong tâm thế tự tin vào khả năng tìm được việc làm sau khi ra trường.
Bạn Nguyễn Chí Tài, sinh viên năm cuối, ngành Quản lí tài nguyên rừng K59 hào hứng “tìm được việc làm đúng với chuyên ngành đào tạo không hề khó. Có rất nhiều doanh nghiệp đã đặt hàng sinh viên trước khi tốt nghiệp nên chúng em chỉ cần trau dồi tốt các kiến thức và kĩ năng ngoại ngữ, ra trường sẽ có công việc đúng chuyên môn quản lí rừng như yêu thích”.
Ông Nguyễn Ngọc Hoàn, Trưởng Ban xúc tiến tuyển sinh và việc làm cho biết, hầu hết số kỹ sư ngành chế biến gỗ, kĩ thuật cơ khí và một số ngành thuộc nhóm lâm nghiệp, lâm sinh đều được các doanh nghiệp đặt hàng ngay từ trước khi tốt nghiệp. Số lượng đào tạo kỹ sư chất lượng cao luôn trong tình trạng “cung không đủ cầu”.
Sinh viên tham khảo danh sách, vị trí và chỉ tiêu của các doanh nghiệp tuyển dụng.
Kỹ sư Lâm nghiệp mang trình độ quốc tế
Trao đổi với Dân trí, PGS.TS Trần Quang Bảo, Phó Hiệu trưởng Nhà trường cho hay, đây là sự kiện thường niên để sinh viên – Nhà trường - Doanh nghiệp được kết nối, định hướng nghề nghiệp và chia sẻ việc làm.
Năm nay, có 85 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng với 2 mục đích cơ bản, tìm kiếm nguồn nhân lực có trình độ cao, hợp tác lâu dài với nhà trường; đồng thời là nơi để sinh viên thực hành kĩ năng.
Do nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp thường tập trung vào các ngành lâm sinh, quản lí tài nguyên rừng, công nghệ chế biến lâm sản… nên Nhà trường đã tiếp tục xác định phát triển các ngành chất lượng cao thành nhiệm vụ chiến lược. Không chỉ đào tạo kỹ sư Lâm nghiệp cho thị trường trong nước; dần dần, Nhà trường sẽ hướng tới cung cấp kỹ sư đạt chuẩn thị trường lao động quốc tế.
Ngoài các doanh nghiệp trong Lâm nghiệp thì các công ty về nông nghiệp, sinh học, chăn nuôi…cũng là nơi được rất đông sinh viên lui tới.
Ông Bảo cho biết thêm, tại ngày hội việc làm, cũng có tới 5 đơn vị liên kết nước ngoài tìm đến trường để tuyển dụng các kỹ sư Lâm nghiệp nói chung. Con số đó cho thấy việc đào tạo đáp ứng thị trường là rất cần thiết, vừa nâng cao chất lượng cho các kỹ sư, vừa nâng cao cơ hội lao động của xã hội.
Ngoài ra, nhà trường cũng thường xuyên gửi các thông báo tới doanh nghiệp có liên quan tới lĩnh vực trường đang đào tạo, để kết nối tuyển dụng lao động, tăng cơ hội việc làm cho sinh viên mỗi năm.
Thế nhưng, cũng không ít số cử nhân sau khi ra trường vẫn đang lay hoay đi tìm việc làm, trong khi doanh nghiệp vẫn cứ thiếu lao động trầm trọng. Vì số cử nhân đó chưa đáp ứng được đúng yêu cầu các công ty. Một mặt do sinh viên vẫn nặng về kiến thức lí thuyết nhiều, thực hành còn hạn chế; mặt khác, kĩ năng mềm như ngoại ngữ, thuyết trình, giao tiếp cũng rất yếu.
“Đây cũng là nhiệm vụ Nhà trường từng ngày phải nâng cao và tập trung bổ sung những điểm yếu cho sinh viên ngay từ khi bắt đầu bước chân vào cổng trường Lâm nghiệp” - PGS.TS Bảo khẳng định.
Hà Cường