Bạn đọc viết:
Khổ như trẻ con được… nghỉ hè
(Dân trí) - Mới nghỉ hè được một tháng mà nhiều đứa trẻ đã kêu khổ vì phải học nhiều quá nên bị mệt. Không học chính khóa, không có áp lực kiểm tra và thi cử nhưng lại phải học đủ thứ, từ vẽ, võ, bơi, ngoại ngữ.
Năm nào cũng thế, mặc dù vẫn được ngành Giáo dục tuyên truyền rộng rãi về việc không tạo áp lực học tập và thi cử cho các con, nhưng vì tư tưởng không muốn con "thua chị kém em" nên nhiều phụ huynh vẫn cố gắng "nhồi học" cho con thật nhiều.
Mới vào đầu hè, vừa kết thúc năm học, là các trung tâm ôn luyện và học tập năng khiếu đã bắt đầu chào mời, tiếp thị mạnh mẽ tới các phụ huynh. Tất nhiên các bậc cha mẹ cũng đã chuẩn bị những kế hoạch cho con đi học hè với rất nhiều lý do chính đáng. Người thì muốn con mình giỏi lên, người muốn con học tốt hơn môn Toán, người thì cho đi học vì với ý nghĩ: học cho khỏi quên hoặc đi học để khỏi ngồi ở nhà nghiền ti-vi… Có đủ các lý do, nhưng chung quy lại là tư tưởng cầu toàn của cha mẹ đã tạo ra áp lực cho con trẻ, khiến chúng bị mệt mỏi cả về thể lực và tinh thần.
Mấy ngày nay, vừa sắp hết một tháng xả hơi, sang tháng 7, nhiều đứa phải học cấp tốc để ôn lại kiến thức năm cũ và bổ sung điểm yếu ở các môn học chính. Sáng đầu tuần, thằng bé hàng xóm cũng kêu với mẹ nó rằng: Sao đời con lại khổ thế. Cứ tưởng nó làm sao, hỏi ra mới biết là "ông cụ non" chuẩn bị vào học lớp 6 này cứ kêu trời vì bị mẹ cho đi học thêm nhiều quá. Sáng học tiếng Anh, chiều học vẽ hoặc học viết Văn. Cuối năm, nó được nằm trong một nửa số học sinh giỏi của lớp nhưng mẹ nó cảm thấy vẫn không yên tâm. Không yên tâm cũng đúng vì học xong, điểm thi cao nhưng hỏi gì nó cũng lờ mờ. Thế là lại điệp khúc nhồi nhét từ đầu năm học cho đến nghỉ hè.
Cũng được cho nghỉ xả hơi hơn một tháng, sau một chuyến du lịch xa nhà và vài cuộc đi chơi gần nhà, cu Bin cháu tôi đã được bố nó lên kế hoạch học hè. Tính ra là chỉ được nghỉ thứ bảy và chủ nhật như trong năm học, còn các ngày trong tuần vẫn đến nhà cô hoặc đến trung tâm học thêm bình thường. Những ngày không phải ra ngoài học thêm thì ở nhà đã có bố giao bài tập toán hoặc tiếng Anh để tự học. Nghỉ hè, giáo viên không chấm điểm bài vở thì tối về bố mẹ sẽ kiểm tra xem việc học hành của của các con. Cứ tưởng là chỉ có ở thành phố, hóa ra ở nông thôn, bố mẹ cũng muốn cho con tới nhà cô vì không có thời gian trông nom.
Một vài phụ huynh không muốn theo guồng quay này để cho con tự học hỏi và phát triển tự nhiên thì lại cảm thấy dao động vì sợ con mình không theo được các bạn khác dù không muốn tạo áp lực quá mức cho con.
Từ lâu, khái niệm nghỉ hè đã dần mai một vì khi hết một năm học là một lần các bậc cha mẹ lại nhắc con: Sang năm cần phải cố gắng hơn nữa. Với không ít bậc cha mẹ, chưa cần chờ đến năm học mới, nghỉ hè là lúc các em cần phải bổ sung những thiếu hụt để bằng bạn bè.
Ngày nay, nghỉ hè được vui chơi trọn vẹn, lành mạnh và bổ ích dường như là một điều xa xỉ với học sinh. Có thể đó cũng là một điều mà chúng ta đang phải kêu gọi để “trả một vé về tuổi thơ” cho lũ trẻ hồn nhiên và trong sáng.
Minh Minh
Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn .
Xin trân trọng cảm ơn!