Bạn đọc viết:
Học trò bỏ học sau Tết, giáo viên cần làm gì?
(Dân trí) - Phát hiện trò vắng học dài ngày, có nguy cơ bỏ học, giáo viên hãy nghĩ đến tương lai của một đứa trẻ để tìm hiểu nguyên nhân, đến nhà vận động, thay đổi tư tưởng phụ huynh và động viên học sinh đến lớp…
Tâm sự của cô giáo Thanh Thanh trong bài viết “Cô giáo trải lòng về nỗi lo học sinh bỏ học sau Tết” đã chạm vào nỗi lòng chung của nhà giáo chúng tôi. Tết đến, hè về là hai thời điểm báo động về tình trạng học sinh bỏ học, vắng học.
Tết Nguyên đán Mậu Tuất năm nay cũng không ngoại lệ. Ngay trước Tết, nhà trường đã nhiều lần đánh động về tình trạng học sinh có nguy cơ bỏ học. Giáo viên chủ nhiệm luôn nhận được sự chỉ đạo phải làm tốt công tác tư tưởng với học sinh, đặc biệt là dành sự quan tâm nhiều hơn cho học sinh yếu kém, khó khăn và thường xuyên vắng học.
Tuy nhiên, đáng buồn là mấy ngày đầu đến lớp sau Tết, chúng tôi vẫn tiếp tục chứng kiến những chỗ ngồi trống trơn và sổ đầu bài ghi chi chít danh sách học sinh chưa đến lớp. Mỗi trường vài em và thậm chí hơn chục em vắng học vài ngày sau Tết là chuyện bình thường. Nhưng trong số đó có bao nhiêu em có nguy cơ chấm dứt việc học và bước vào đời kiếm sống? Có lẽ con số đó khá nhiều.
Nguyên nhân của tình trạng bỏ học sau Tết thì nhiều, cô giáo Thanh Thanh cũng đã quy vào ba nhóm nguyên nhân chính: nhu cầu việc làm của xã hội, gia đình chưa coi trọng việc học và sự “thôi miên” của đồng tiền làm các em “lóa mắt” ảo tưởng về cuộc sống thoải mái bên ngoài cánh cổng trường học.
Tôi lại nghĩ xuất phát điểm đầu tiên là từ chính bản thân học sinh. Học sinh bỏ học thường rơi vào các em vốn có sức học yếu, hay la cà chơi bời lêu lỏng và nhóm học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn.
Khi sức học đã yếu và không theo kịp bạn bè, việc học trở thành gánh nặng và áp lực lớn đối với các em. Tết là dịp các em được “thả cửa” chơi xả láng. Vì vậy, sự chán ngán việc học càng tăng lên, tư tưởng bỏ học càng manh nha, nung nấu. Chỉ cần một tác động nhỏ từ gia đình, từ đồng tiền của người phương xa trở về, các em nhanh chóng muốn cởi bỏ đồng phục học sinh bước vào trường đời.
Trường hợp học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn bị bố mẹ bắt nghỉ học kiếm sống vẫn tồn tại nhưng rất ít. Khi trình độ dân trí của người dân được nâng cao, tầm quan trọng của việc học được nhìn nhận ở góc độ khác. Nhiều phụ huynh sẵn sàng làm lụng vất vả hơn, cực nhọc hơn, miễn sao con được đến trường để con có tương lai ổn định và vững chắc.
Tuy nhiên, chính trong những hoàn cảnh khó khăn đó lại nảy sinh tư tưởng cho con nghỉ học bởi nạn thất nghiệp đang tràn lan ngoài kia. Mười hai năm phồ thông rồi ba, bốn năm cao đẳng, đại học với bao chi phí ăn học. Nhưng đắng lòng là ra trường lại thất nghiệp, quay lại học nghề, làm công nhân. Vì vậy, họ dễ dàng chọn con đường cho con nghỉ học sớm để học nghề, kiếm sống.
Vấn đề không nằm ở việc lợi hay hại, nên hoặc không nên cho con trẻ nghỉ học sớm. Mà quan trọng là với lứa tuổi trung học cơ sở, các em đang ở tuổi ăn chưa no, lo chưa tới. Sức vóc nhỏ bé, suy nghĩ non nớt, các em sớm bươn chải giữa cuộc đời, nên chăng?
Mười hai năm làm công tác chủ nhiệm lớp, vô số lần tôi đi vận động học sinh quay trở lại lớp và không ít lần phải thất vọng quay về báo nhà trường giảm sĩ số. Câu chuyện buồn của cô giáo Thanh Thanh cũng là sự bất lực của tôi khi nhận điện thoại, tin nhắn của trò từ phương xa sau thời gian dài nghỉ học.
Điểm chung của các cuộc gọi ấy là nỗi nhớ trường, nhớ lớp, nhớ bạn, tiếc nuối khoảng thời gian đi học và ân hận với quyết định bỏ học ngày xưa. Nhưng tất cả đã muộn màng mất rồi. Thời gian vô tình trôi đi không trở lại, con đường quay trở lại trường học của em lắm gian nan hơn nhiều.
Bởi vậy, ai đã là giáo viên, xin đừng buông tay trò một cách dễ dàng…
Phát hiện trò vắng học dài ngày, có nguy cơ bỏ học, giáo viên đừng nghĩ đơn giản là giảm chỉ tiêu số lượng, trừ vài điểm thi đua là xong. Hãy nghĩ đến tương lai của một đứa trẻ để tìm hiểu nguyên nhân, đến nhà vận động, thay đổi tư tưởng phụ huynh và động viên học sinh đến lớp.
Nếu chẳng may giáo viên chủ nhiệm bất lực, hãy nhờ sự giúp sức của nhà trường, các tổ chức đoàn thể trong trường và địa phương. Ban giám hiệu nhà trường, hội phụ huynh học sinh, chi hội khuyến học địa phương đều có thể góp tiếng nói của mình làm thay đổi tình hình và giúp học sinh quay trở lại lớp.
Tôi nghĩ bất kỳ công việc nào cũng cần chữ “tâm”, đặc biệt là nhiệm vụ “trồng người” lại càng cần hơn cái “tâm” mẫu mực, sáng trong của người thầy.
Nguyễn Thùy
Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!