Hoạt động trải nghiệm sáng tạo có phát huy tính tích cực ở học sinh?

(Dân trí) - Hiện nay các trường đang thực hiện học tập dưới dạng hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Đây được coi là chìa khóa thực hiện việc học đi đôi với hành, học qua làm, học giải quyết các vấn đề thực tiễn trong cuộc sống ngay trong lớp, trong trường.

Đây cũng được coi là phương pháp thật sự ưu việt cho sự phát triển năng lực sáng tạo, giúp các em tự chiếm lĩnh kiến thức, hình thành các kĩ năng, giá trị và phẩm chất của bản thân. Hầu hết học sinh khi được học tập dưới dạng này đều tỏ ra thích thú hứng khởi. Rất nhiều em thể hiện rõ năng lực của mình qua các hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong các môn học.

Hoạt động học tập trải nghiệm sáng tạo là các hoạt động giáo dục thực tiễn được tiến hành song song với hoạt động dạy học trong nhà trường. Hoạt động trải nghiệm sáng tạo là một bộ phận của quá trình giáo dục được tổ chức ngoài giờ học các môn văn hóa ở trên lớp và có mối quan hệ bổ sung, hỗ trợ cho hoạt động dạy học.

Thông qua các hoạt động thực hành, những việc làm cụ thể, học sinh sẽ phát huy vai trò cụ thể, tính tích cực, chủ động, tự giác và sáng tạo của bản thân. Các em được tham gia vào tất cả các khâu của quá trình hoạt động từ thiết kế, chuẩn bị, thực hiện và đánh giá kết quả.

Bên cạnh đó, các em còn được bày tỏ quan điểm ý tưởng và lựa chọn ý tưởng của chính mình. Do vậy mà các em thật sự hào hứng và rất tích cực khi được học tập dưới dạng hoạt động trải nghiệm sáng tạo.


Học sinh trường THPT Đào Duy Từ (Hà Nội) đã lặn lội về tận Cồn Đen (thuộc xã Thái Đô, huyện Thái Thụy, Thái Bình) dự chương trình “50 năm vẫn nghe lời của “Sóng” của nhà thơ Xuân Quỳnh để thực hiện chuỗi hoạt động học tập - trải nghiệm - sáng tạo môn Ngữ văn.

Học sinh trường THPT Đào Duy Từ (Hà Nội) đã lặn lội về tận Cồn Đen (thuộc xã Thái Đô, huyện Thái Thụy, Thái Bình) dự chương trình “50 năm vẫn nghe lời của “Sóng” của nhà thơ Xuân Quỳnh để thực hiện chuỗi hoạt động học tập - trải nghiệm - sáng tạo môn Ngữ văn.

Là một giáo viên trực tiếp đứng lớp, tôi nhận thấy khi được học tập dưới dạng hoạt động trải nghiệm các em rất tích cực tham gia. Nhiều em tỏ ra có năng lực thật sự khi thể hiện các hoạt động. Đó là một điều mà giáo viên chúng tôi rất mừng.

Chẳng hạn, đối với môn Ngữ văn 8, sau khi học xong bài 20 “Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh”, giáo viên giao nhiệm vụ cho học sinh về xây dựng tập báo ảnh về một danh lam thắng cảnh và viết các đoạn văn thuyết minh ngắn về một danh lam thắng cảnh.

Thời gian chuẩn bị sản phẩm là 2 tuần. Sau đó học sinh sẽ báo cáo sản phẩm cho giáo viên. Hầu hết các em rất hứng thú khi được giao việc. Kinh phí ở các trường vùng nông thôn còn nhiều hạn chế, nhà trường chưa có đủ điều kiện tổ chức cho các em đi tham quan trực tiếp.

Vì vậy, các em thường lựa chọn danh lam thắng cảnh ở địa phương mình. Những địa danh này vốn đã rất quen thuộc với các em nên khi thực hiện, các em tỏ ra rất am hiểu và hào hứng.

Đối với học sinh lớp 9, khi dạy xong bài “Ánh trăng”, thì giáo viên cho học sinh xây dựng kịch bản và diễn tiểu phẩm theo chủ đề “Người lính sau chiến tranh”. Bên cạnh đó các em sẽ hoàn thành các sản phẩm theo chủ đề: bài viết, vẽ, bài phỏng vấn, tác phẩm thơ...

Các em có thời gian chuẩn bị là hai tuần. Giáo viên giao nhiệm vụ cho từng nhóm, các em nhà gần nhau sẽ cùng một nhóm. Mỗi nhóm một nhiệm vụ khác nhau, nhóm thì dựng tiểu phẩm về tình đồng chí, đồng đội dựa vào bài “Đồng chí”. Nhóm xây dựng tiểu phẩm về những người lính lái xe trên tuyến đường Trường Sơn dựa vào văn bản “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”... Rồi phỏng vấn với một số bác cựu chiến binh ở địa phương, một số người lính trong doanh trại quân đội...

Khi thực hiện, bản thân tôi đều cảm thấy bất ngờ về kết quả thu được. Đa số các em đều hào hứng phấn khởi. Nhiều em bộc lộ rõ năng khiếu của mình như phóng viên phỏng vấn, hay diễn viên diễn xuất rất tốt. Ngay cả một số em học sinh cá biệt rất lười học, nhưng khi tham gia các hoạt động trải nghiệm sáng tạo thì lại hào hứng, nhiệt tình.

Đó là điều mà giáo viên chúng tôi rất mừng. Khi học tập dưới dạng hoạt động trải nghiệm sẽ giúp học sinh tiếp cận kiến thức một cách chủ động, tích cực, sáng tạo, tiếp cận và phát triển năng lực của các em học sinh.

Bên cạnh những ưu điểm trên thì học sinh vùng sâu vùng xa khi thực hiện các hoạt động trải nghiệm sáng tạo còn gặp nhiều hạn chế như kinh phí không có để tổ chức cho các em đi thực tế. Đó là một điều thiệt thòi vô cùng cho các em.

Em Nguyễn Thị Khánh Lam, học sinh lớp 9A3 Trường THCS Thái Bình (huyện Châu Thành, Tây Ninh) tâm sự: “Em rất thích học tập trải nghiệm sáng tạo, vì nó khiến em được phát huy tối đa năng lực sáng tạo của mình. Em ao ước nhà trường có thể tổ chức đi thực tế, tham quan một số nơi để chúng em trải nghiệm thực tế, đồng thời giúp chúng em hình thành một số kĩ năng cơ bản trong cuộc sống.”

Tôi nghĩ rằng, mỗi giáo viên chúng ta cần nghiên cứu các hình thức trải nghiệm sáng tạo, xây dựng các hoạt động học trải nghiệm cho học sinh phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi… để các em thật sự phát triển được năng lực, hứng thú khi học bài.

Loát Trần

(Châu Thành, Tây Ninh)

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!