Giáo dục tuần qua:
Hàng trăm SV xin chuyển trường và giáo sư nhảy lên bàn chửi học viên thô tục
(Dân trí) - Hàng loạt SV Trường ĐH Tân Tạo (Long An) xin chuyển trường, một tiến sĩ tự phong GS nhảy lên bàn chửi tục học viên... là hàng loạt những tin nóng trong tuần vừa qua.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm trường đại học cũ
Nhân ngày kỉ niệm 60 năm thành lập Trường ĐHKTQD, ngày 12/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trở về thăm trường cũ. Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng cho biết, ông rất tự hào là sinh viên của trường ĐH Kinh tế quốc dân.
Nhân dịp này, Thủ tướng đã nêu 4 nội dung đối với các trường đại học.
Thứ nhất, trường đại học hiện đại phải quan tâm đồng thời cả tri thức khoa học, phương pháp tự nghiên cứu và các kỹ năng mềm; tổ chức nhiều hoạt động gắn với những tình huống thực tiễn, giúp sinh viên phát huy sáng tạo, trải nghiệm để trưởng thành về trí tuệ, năng lực, hành động.
Thứ hai, trường đại học đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, gắn với thực tiễn xã hội, đào tạo ngành nghề xã hội có nhu cầu hiện tại và tương lai; sinh viên tốt nghiệp các trường không chỉ có khả năng tìm việc mà còn có khả năng tạo việc để giúp người khác mưu sinh; các trường đại học phải đào tạo ra sản phẩm có chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế và trước hết là hội nhập cộng đồng ASEAN.
Thứ ba, trường đại học phải ứng dụng Công nghệ thông tin trong giáo dục, đổi mới tư duy trong dạy và học, thay đổi phương pháp cung cấp kiến thức cho người học, phát huy vai trò chủ động sáng tạo của người học.
Thứ tư, trường đại học là tổ chức cung ứng dịch vụ đào tạo theo hướng tự chủ. Trên thế giới, tự chủ đại học là yếu tố cơ bản trong quản trị đại học. Xu hướng chung trên toàn cầu hiện nay là chuyển dịch quản trị đại học từ Nhà nước kiểm soát sang Nhà nước giám sát và giao tự chủ toàn diện cho trường Đại học...
Phó Chủ tịch nước gặp gỡ giáo viên tiêu biểu công tác ở huyện đảo
Sáng 11/11, tại Phủ Chủ tịch, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã gặp 42 giáo viên tiêu biểu đang công tác tại các huyện đảo, xã đảo có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo.
Theo Phó Chủ tịch nước, mặc dù hiện nay tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước ta khá; chính sách an sinh xã hội, trong đó có văn hóa, giáo dục, y tế tiếp tục được đầu tư lớn, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn. So với các nước công nghiệp và trong khu vực, Việt Nam vẫn còn kém. Đặc biệt, thời buổi công nghiệp số hóa hiện nay đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục phải vươn lên nhiều hơn nữa; trong đó chắc chắn ngành đóng góp cho sự vươn lên đó không thể không nói đến ngành Giáo dục.
Phó Chủ tịch nước nói rằng, ngành Giáo dục phải thực hiện được ba nhiệm vụ, đó là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài. Nhiệm vụ này rất cao cả, nhưng cũng hết sức nặng nề đối với ngành Giáo dục.
Phó Chủ tịch nước tin tưởng và mong muốn các thầy cô giáo tiếp tục yêu quý nghề, bám trường dù trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào; đồng thời tiếp tục dạy tốt, học tốt để gieo mầm nâng cao dân trí cho nhân dân Việt Nam, trong đó có vùng hải đảo. Mặt khác, Phó Chủ tịch nước mong muốn các bậc phụ huynh và toàn xã hội không chỉ dạy chữ, dạy nghề, mà cần phải dạy cách làm người cho các em học sinh.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Đội ngũ GS và PGS có nhiều đóng góp quan trọng
Sáng 5/11, tại Hà Nội, Hội đồng chức danh Giáo sư nhà nước đã tổ chức Lễ trao giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS,PGS năm 2016 tới 703 người. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tới dự. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng nhận giấy chứng nhận chức danh Giáo sư đợt này.
GS.TSKH Trần Văn Nhung, Tổng thư ký Hội đồng chức danh Giáo sư nhà nước cho biết, năm nay, số ứng viên ban đầu: GS 118 người, PGS 813, tổng cộng 931, chỉ thấp hơn năm 2009 là 1.167, cao hơn tất cả các năm 2010-2015. Sau xét tuyển ở ba cấp hội đồng, chỉ còn được 65 GS và 638 PGS, tổng cộng là 703, đạt tỉ lệ 75,51%.Trong số 65 GS có 59 nam (90,77%), 6 nữ (9,23%), 73,85% là giảng viên trong các trường đại học và học viện. Trong 638 PGS có 449 nam (70,38%), 189 nữ (29,53%), 6 người dân tộc thiểu số, 79,62% là giảng viên trong các trường đại học và học viện.
Năm nay, trong tổng số 703 GS và PGS, Hà Nội chiếm 66,43%, TPHCM 13,80%, các tỉnh thành khác 19,77%. Hà Nội đang cố gắng “chia dần” bớt GS, PGS cho cả nước, nhưng khá chậm.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, từ năm 1980 đến năm 2015, sau 24 đợt xét, trong 36 năm, tổng số lượt GS, PGS đã được công nhận ở nước ta là 11.619, trong đó có 1.680 GS và 9.939 PGS. Đội ngũ GS, PGS ở nước ta đã và đang đóng góp tích cực, quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Hàng loạt SV ồ ạt xin chuyển trường
Mới đây, 70 phụ huynh và sinh viên khoa Y của trường ĐH Tân Tạo (Long An) đã đồng loạt gửi đơn xin chuyển trường. Không những thế, nhiều cán bộ của khoa Y cũng xin nghỉ việc. Đây là điều chưa từng xảy ra ở bất kỳ trường ĐH nào từ trước đến nay.
Nguyên nhân do SV trường ĐH Tân Tạo bức xúc phản ánh trường này đột ngột đưa ra mức học phí mới, riêng khoa Y trong đó các khoá 2013, 2014 mức học phí mới cao hơn mức cũ gần 2.000 USD. Ngoài ra, trường ĐH này không cấp bằng đúng quy định của Bộ GD&ĐT mà lại cấp bằng kiểu Mỹ.
Sau khi báo chí lên tiếng, Bộ GD&ĐT vào cuộc, phía trường này vẫn một mực khẳng định cấp bằng và tăng học phí đúng. Đồng thời theo phản ánh của các sinh viên, nhà trường đã có những thông báo phạt sinh viên đã ký đơn kiến nghị.
Liên quan đến những vấn đề đang xảy ra tại trường ĐH Tân Tạo (Long An), ông Nguyễn Huy Bằng- Chánh thanh tra Bộ GD&ĐT cho biết, phía Thanh tra Bộ đã ban hành quyết định thanh tra trường này và sẽ thanh tra trong vài ngày tới.
Tiến sĩ nhảy lên bàn chửi học viên thô tục
Chiều 8/11, Lãnh đạo Cục Đào tạo với nước ngoài (Bộ GD&ĐT) cho biết, đơn vị này đang xác minh và thẩm định bằng cấp của ông Phan Văn Hưng, Hiệu trưởng Học viện Kinh tế Sáng tạo (Hà Nội)- Tiến sĩ tự xưng giáo sư, đứng lên bàn chửi tục học viên đang gây xôn xao cộng đồng mạng.
Trước đó, ngày 6/11, trên mạng xã hội lan truyền một video dài hơn 3 phút ghi lại một cuộc đối thoại giữa 2 người đàn ông trong một căn phòng xoay quanh vấn đề tiền nong.
Một người đàn ông mặc áo hồng (được cho là thầy giáo) hai chân giẫm lên bàn, vừa xưng tao - mày, vừa chửi học viên của mình bằng những từ ngữ tục tĩu.
Giải thích về việc dùng những từ ngữ tục tĩu lăng mạ học viên, ông Phan Văn Hưng, nhân vật chính trong đoạn clip cho biết cảm thấy làm tiếc vì việc này. Đồng thời, ông và học viên đã từng hòa giải với nhau. Đơn vị này cũng đã trả lại tiền cho học viên như quy định.
Sinh viên đoạt giải quốc gia trượt ĐH viết thư cầu cứu Bộ trưởng
Ngày 7/11, Bộ GD&ĐT có công văn đề nghị Trường ĐH Luật Hà Nội xem xét tiếp nhận thí sinh Đặng Thị Huynề (Hà Giang) vào học theo ngành em đã đăng kí.
Bộ GD&ĐT cho biết, sau khi nghiên cứu nội dung của Đơn đề nghị, ý kiến của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang và kiểm tra các thông tin có trong hệ thống quản lý tuyển sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo xác nhận thí sinh Đặng Thị Huyền đã tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi Quốc gia năm 2016, đoạt giải 3 môn Địa lý và có kết quả trong kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2016 là: Toán: 5,0; Ngữ Văn 7,5; Lịch sử: 7,0; Địa lý: 9,0.
Thí sinh đă đăng ký đợt 1 vào 2 trường: Trường Đại học Luật Hà Nội; Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và đã trúng tuyển vào 2 ngành: Ngành Luật của Trường Đại học Luật Hà Nội; Ngành Việt Nam học của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Cho đến thời điểm này thí sinh chưa đăng ký nhập học vào bất kỳ trường đại học nào và cũng không nằm trong danh sách các thí sinh đã đăng ký vào các trường khối Công an.
Hiện, Trường ĐH Luật Hà Nội đang họp Hội đồng tuyển sinh để có hướng xử lý chính thức về trường hợp thí sinh này.
Mỹ Hà (tổng hợp)