Thanh Hóa:
Hàng trăm phụ huynh cho con nghỉ học để phản đối xây dựng cột thu, phát sóng
(Dân trí) - Hàng trăm phụ huynh có con em theo học tại trường Mầm non xã Thành Hưng (huyện Thạch Thành, Thanh Hóa) không cho con đến trường để phản đối việc xây dựng cột thu, phát sóng thông tin di động tại địa phương này.
Theo đó, vào sáng ngày 17/10, hàng trăm phụ huynh có con em theo học tại trường Mầm non xã Thành Hưng đã cho con ở nhà để phản đối việc địa phương này cho xây dựng cột thu, phát sóng.
Được biết, năm học 2016-2017, trường Mầm non xã Thành Hưng có 319 cháu đăng ký học. Trong buổi học sáng ngày 17/10, chỉ có 115 cháu đến học tại trường, còn lại hơn 200 cháu đã được bố mẹ cho ở nhà.
Một phụ huynh có con em theo học tại đây phản ánh: “Được biết, ngày 18/10, UBND xã Thành Hưng cho Công ty Viettel lắp đặt cột phát sóng tại nhà thi đấu đa năng, cạnh ba trường Mầm non, Tiểu học và THCS. Tôi đồng tình với chủ trương chính sách phát triển mạng lưới phủ sóng của Tập đoàn viễn thông Quân đội Viettel. Tuy nhiên, tôi nhận thấy việc lắp đặt cột thu, phát sóng cạnh ba trường học là không hợp lý vì sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe và tương lai của nhiều thế hệ học sinh”.
Phụ huynh đề nghị các cấp chính quyền thay đổi vị trí cột thu, phát sóng cạnh 3 trường học và khu dân cư nhằm đảm bảo sức khỏe cho nhân dân, đặc biệt cho thế hệ học sinh.
Trước đó, ngày 21/9, UBND huyện Thạch Thành có văn bản số 974/UBND-VHTT về việc xây dựng mới trạm thu, phát sóng thông tin di động (BTS) tại xã Thạch Định và xã Thành Hưng.
Theo đó, huyện Thạch Thành có 2 cột ăng ten loại A2b (lắp đặt trên mặt đất), các cột có chiều cao so với mặt đất đảm bảo phù hợp theo quy hoạch về xây dựng, phát triển hạ tầng cột ăng ten.
Trong đó, một trạm được xây dựng mới tại khu vực xã Thành Hưng, có chiều cao 42 mét, loại cột A2b. Nhằm đảm bảo việc phát triển hạ tầng viễn thông thụ động theo đúng quy định của pháp luật, UBND huyện Thạch Thành thông báo để UBND xã Thành Hưng biết và tạo điều kiện thuận lợi để Chi nhánh Viettel Thanh Hóa thực hiện việc khảo sát, xây dựng và lắp đặt theo quy định hiện hành.
UBND huyện Thạch Thành yêu cầu Trung tâm Viettel Thạch Thành thực hiện các quy trình khảo sát địa điểm xây dựng đảm bảo đúng các vị trí đã được quy hoạch xây dựng cột ăng ten BTS, đồng thời báo cáo chính quyền địa phương và phối hợp tuyên truyền cho nhân dân biết để tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình tổ chức thực hiện.
Theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND huyện Thạch Thành, trước khi khởi công xây dựng phải có báo cáo bằng văn bản gửi Sở Xây dựng Thanh Hóa, Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa, UBND huyện và UBND xã Thành Hưng chậm nhất là 7 ngày làm việc.
Cô Lưu Thị Cần - Hiệu trưởng trường Mầm non Thành Hưng cho biết: “Trường có 13 nhóm lớp, danh sách các cháu đăng ký năm học 2016-2017 là 319. Ngày 12/10, xã có tổ chức cuộc họp và nhà trường có tham gia. Nhiệm vụ của nhà trường là tuyên truyền cho phụ huynh hiểu, còn về công nghệ, khoa học người ta cũng đã nghiên cứu rồi. Về phía nhà trường chưa nhận được đơn thư phản ánh của phụ huynh, nhà trường vẫn hoạt động bình thường”.
Về phía chính quyền địa phương, bà Nguyễn Thị Huế - Chủ tịch UBND xã Thành Hưng cho biết: “Nếu trên chỉ đạo quyết liệt thì phải làm. Sau khi triển khai, xã cũng đã tổ chức hội nghị thống nhất đưa ra vị trí đó là hợp lý chỉ có một số bộ phận a dua thôi. Cột này cũng đã được triển khai từ năm 2014 nhưng đến nay vẫn chưa làm được vì dân không đồng tình. Xã cũng mới tuyên truyền, đây là đất thầu ngân sách, xác định vị trí an toàn”.
Cũng liên quan đến vấn đề trên, ông Lương Công Thành - Chánh văn phòng UBND huyện Thạch Thành cho biết: “Xã đã báo cáo vị trí xây dựng rồi, trước đây định làm trong khuôn viên của gia đình một hộ dân nhưng sau đó họ không đồng ý, đưa sang vị trí đất công cộng thì gặp trường học. Quan điểm của huyện là cho làm tại vị trí đất công cộng, nhưng phải có sự đồng thuận của nhân dân”.
“Tôi sẽ báo cáo chủ tịch UBND huyện, cái này có dư luận từ lâu rồi, trong dân nghĩ cột nó ảnh hưởng thế này thế kia”, ông Thành khẳng định.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về sự việc nêu trên.
Duy Tuyên