Giáo sư Drew Gilpip Faust: Sinh viên Việt Nam được xem xét bình đẳng tại Harvard

(Dân trí) - Trả lời câu hỏi của phóng viên Dân trí tại buổi họp báo trong khuôn khổ chuyến thăm trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐHQG TPHCM), Giáo sư Drew Gilpin Faust - Hiệu trưởng ĐH Harvard cho biết sinh viên Việt Nam nhập học ở Harvard sẽ được xem xét bình đẳng với sinh viên Mỹ.

Bà Drew Gilpin Faust cho biết hiện có 16 sinh viên quốc tịch Việt Nam đang theo học tại Harvard và các trường thành viên của Harvard. Trả lời câu hỏi "Liệu chuyến thăm này có mở ra cơ hội cho sinh viên Việt Nam về học bổng vào ĐH Harvard không", nữ Hiệu trưởng của trường ĐH danh tiếng của Mỹ và thế giới cho biết sẽ rất vui mừng nếu sau chuyến thăm này tỷ lệ sinh viên Việt Nam (VN) đến học tại trường Harvard ngày càng tăng.

Giáo sư Drew Gilpin Faust trong buổi gặp gỡ với báo chí trong chuyến thăm trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM
Giáo sư Drew Gilpin Faust trong buổi gặp gỡ với báo chí trong chuyến thăm trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM

“Tôi mong các sinh viên VN sẽ nghĩ đến Harvard khi muốn đi du học, ở cấp đại học và sau đại học. Sinh viên Việt Nam được nhập học ở Harvard sẽ được xem xét bình đẳng với sinh viên Mỹ về cơ hội cấp học bổng theo nhu cầu hỗ trợ tài chính của mỗi sinh viên, không phân biệt sinh viên nước ngoài hay sinh viên Mỹ”, hiệu trưởng Faust khẳng định.

Nói về lí do chọn thăm trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM, bà Faust chia sẻ rằng bởi vì mình một nhà sử học và trường ĐH này là một nơi đào tạo, nghiên cứu hàng đầu về lịch sử ở Việt Nam. Nói về nội dung của buổi làm việc với lãnh đạo ĐHQG TPHCM và các học giả, bà Faust cho biết: “Chúng tôi cũng đã trao đổi với nhau về khả năng hợp tác trong tương lai không chỉ với những học giả ở ĐH Harvard đang nghiên cứu về VN. Hi vọng trong tương lai giữa Harvard và ĐHQG TPHCM sẽ có nhiều hoạt động chung”.

Bà Faust có bài nói chuyện trước gần 1000 sinh viên TPHCM
Bà Faust có bài nói chuyện trước gần 1000 sinh viên TPHCM

Trước câu hỏi, bà nghĩ như thế nào trước việc chính sách của chính quyền Tổng thống Donald Trump vừa đưa ra đã cắt giảm ngân sách tài trợ cho 2 quỹ dành cho những hoạt động nghiên cứu về nhân văn và văn hoá nghệ thuật, GS Faust trả lời rằng: “cách đây 2 tuần tôi đã có bài xã luận trên New York Times trong đó tôi đã giải thích rõ những quỹ này đóng vai trò quan trọng để giúp hiểu rõ những ngành về nhân văn và văn hoá nghệ thuật. Chính sách ngân sách mà Tổng thống Trump mới chỉ là đề nghị và chưa được ban hành thành luật. Quốc hội của Mỹ quyết định phê chuẩn những đề nghị đó và tôi mong rằng các thành viên trong Quốc hội Mỹ sẽ hiểu được tại sao cần phải gìn giữ những quỹ này”.

Trước đó, trong buổi sáng, bà Drew Gilpin Faust đã có bài thuyết trình về nội dung “Cuộc chiến đã qua đi: Hồi ức và bài học lịch sử”.

Nói về chuyến thăm của hiệu trưởng trường ĐH Harvard, PGS.TS Võ Văn Sen, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM cho biết, hai trường đã thống nhất hợp tác hai vấn đề, đó là Nghiên cứu Đồng bằng sông Cửa Long và phát triển bên vững dưới góc độ Khoa học xã hội và nhân văn; Nghiên cứu về Việt Nam trong công cuộc đổi mới hiện nay, đồng thời tiếp tục duy trì chương trình học bổng hiện nay giữa hai trường.


Bà Drew Gilpin Faust đánh giá trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM là một nơi đào tạo, nghiên cứu hàng đầu về lịch sử ở Việt Nam

Bà Drew Gilpin Faust đánh giá trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM là một nơi đào tạo, nghiên cứu hàng đầu về lịch sử ở Việt Nam

Giáo sư Drew Gilpin Faust là Hiệu trưởng thứ 28 Đại học Harvard. Bà là Giáo sư sử học danh hiệu Lincoln của Trường Khoa học và Nhân văn thuộc Đại học Harvard.

Bà Faust theo học tại Viện Concord ở Massachusett. Bà nhận bằng đại học, là bằng danh dự về sử học, từ trường Bryn Mawr vào năm 1968, bằng thạc sĩ vào năm 1971 và bằng tiến sĩ vào năm 1975 tại Đại học Pennsylvania với đề tài nghiên cứu về nền văn minh Hoa Kỳ.

Bà là tác giả của 6 đầu sách, trong đó có cuốn “Mothers of Invention: Women of the Slaveholding South in the American Civil War” do nhà xuất bản Đại học North Carolina Press phát hành năm 1996. Với tác phẩm này, bà đã đạt giải thưởng Francis Parkman vào năm 1997.

Chuyến thăm của hiệu trưởng ĐH Harvard mở ra cơ hội hợp tác giữa hai trường
Chuyến thăm của hiệu trưởng ĐH Harvard mở ra cơ hội hợp tác giữa hai trường

Cuốn sách gần đây nhất của bà, “This Republic of Suffering: Death and the American Civil War” do nhà xuất bản Alfred A. Knopf phát hành năm 2008, đánh giá tác động của số thương vong khổng lồ trong cuộc nội chiến lên đời sống nhân dân Hoa Kỳ vào thế kỷ 19. Tác phẩm đoạt giải Bancroft vào năm 2009, và vào danh sách chung kết cho giải National Book Award và giải Pulitzer, được báo The New York Times vinh danh là một trong 10 sách hay nhất năm 2008.

Bà là Chủ tịch Hội sử học miền Nam, Phó Chủ tịch Hội sử học Hoa Kỳ, ủy viên ban điều hành Tổ chức các nhà sử học Hoa Kỳ và Hội các nhà sử học Hoa Kỳ. Giáo sư Faust cũng là ủy viên của nhiều ban biên tập và tuyển chọn bao gồm Ban Giám khảo về lịch sử cho giải thưởng Pulitzer vào các năm 1986, 1990 và 2004.

Bà được vinh danh với các giải thưởng vào năm 1982 và 1996 do thành tích giảng dạy xuất sắc tại Đại học Pennsylvania. Bà được bầu vào hội các nhà sử học Hoa Kỳ vào năm 1993, Viện Hàn lâm Nghệ thuật và Khoa học Hoa Kỳ vào năm 1994 và Hội Triết học Hoa Kỳ vào năm 2004.

Trên cương vị là Hiệu trưởng của Harvard, Giáo sư Faust đã mở rộng hỗ trợ tài chính, giúp sinh viên ở mọi hoàn cảnh kinh tế khác nhau theo học tại trường Harvard Colledge (là bậc đào tạo theo mô hình giáo dục khai phóng) và đẩy mạnh việc nhận tài trợ từ chính phủ liên bang cho nghiên cứu khoa học.

Bà đã thúc đẩy tăng cường hợp tác quốc tế của Harvard, nâng cao vai trò của giáo dục khai phóng tại trường, cổ vũ cho phát triển bền vững, ra mắt chương trình edX - dự án giáo dục trực tuyến hợp tác với Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), thúc đẩy liên kết giữa các khoa và đơn vị hành chính trong quá trình lãnh đạo trường vượt qua giai đoạn khó khăn do khủng hoảng tài chính.

Lê Phương

Ảnh: Việt Thành