Chương trình tiếng Anh tích hợp

Gạch nối trách nhiệm giữa học sinh và gia đình

Mỗi ngày nhìn thấy con trẻ đến trường vui và ham học là điều khiến các phụ huynh cho con theo học chương trình tiếng Anh Tích hợp cảm thấy hài lòng. Giữa phụ huynh và giáo viên có sự gắn kết hơn khi chính giáo viên nước ngoài gặp riêng để trao đổi về quá trình học, chỉ ra sự tiến bộ của từng học sinh.

Phương pháp giáo dục lấy học sinh làm trung tâm

Chiến lược và phương pháp cá thể hóa là trọng tâm của chương trình tiếng Anh Tích hợp (TATH) được triển khai tại TPHCM thời gian qua. Có mặt tại nhiều trường tiểu học lẫn THCS tại TPHCM có triển khai chương trình TATH mới chứng kiến được không khí dạy và học mới mẻ, sôi nổi hơn hẳn. Điểm trọng tâm cách giáo dục này nhằm hướng học sinh đến những cách học khác nhau và tốc độ học khác nhau phù hợp với khả năng của mỗi học sinh. Phương pháp học tiên tiến, gần gũi, giáo viên bản xứ khơi dậy niềm yêu thích học những môn khoa học và toán bằng tiếng Anh, tăng tính sáng tạo, tìm tòi của học sinh.

Học sinh trường THCS Thị trấn Củ Chi 2 học với giáo viên bản ngữ trong chương trình tiếng Anh tích hợp
Học sinh trường THCS Thị trấn Củ Chi 2 học với giáo viên bản ngữ trong chương trình tiếng Anh tích hợp

Học được 2 năm chương trình tích hợp, bé Ngô Đăng Nam Phương, học sinh lớp 2B trường tiểu học Nguyễn Thái Sơn (quận 3) luôn thích được vào lớp học để trò chuyện cùng cô giáo nước ngoài. Bé Nam Phương chia sẻ: “Con đang học cô Jessica (Canada) thấy thích lắm. Con thích nhất là cô cho tụi con chơi trò chơi, hát bằng tiếng Anh nên học không thấy mệt, mà rất vui. Cô của con rất hiền, hát hay và nói chuyện hay lắm”.

Trong khi đó, anh Nguyễn Hữu Duy, phụ huynh em Anh Tuấn học lớp 7A14 trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa có 2 năm học chương trình, tỏ ra khá hài lòng với kết quả điểm thi các môn tích hợp của con ở lớp 6 và kể cả lớp 7 này sau khi nói chuyện với các giáo viên từng môn học. Anh Hữu Duy cho biết rằng: “Tôi khá bất ngờ bởi trước đó cứ nghĩ học trường chuyên rồi lại thêm học tích hợp thì chương trình học của con mình sẽ rất nặng nhưng đến nay tôi thấy bé không bị áp lực gì về bài tập về nhà. Thậm chí có cảm nhận bé học bài ít hơn bình thường, nên tôi nghĩ giáo viên ở lớp đã tóm tắt nội dung bài học cho bé nhớ hết rồi và không cần về nhà học nhiều nữa”.

Theo cô Lâm Hồng Lãm Thuý, hiệu trưởng trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1)- đơn vị có 3 năm thực hiện chương trình, học sinh theo học chương trình này thuận lợi hơn vì ngay khi vào lớp 1 đã bắt đầu làm quen với môn toán và khoa học ngay. “Những môn này sẽ giúp vốn từ vựng, thuật ngữ khoa học của các em thêm phong phú, đa dạng. Những bài học cũng như thực hành, thí nghiệm sẽ là một lợi thế. Bản thân học sinh sẽ có sự phát triển kỹ năng, thái độ, hành vi trong giao tiếp. Nói chung, những học sinh này có sự vượt trội, tự tin hơn hẳn nhờ học 8 tiết/tuần với giáo viên bản ngữ”, cô Thuý chia sẻ.

Bên cạnh đó, cô Lãm Thuý cũng đánh giá rằng: “Đội ngũ giáo viên bản ngữ có năng lực chuyên môn và kinh nghiệm giảng dạy tạo sự thích thú cho học sinh theo học”. Cũng theo cô Thuý, đến nay, trường nhận được phản hồi rất tích cực từ phụ huynh. Nếu trước đây ban đầu họ còn lo lắng thì qua năm thứ 3, số học sinh xin vào chương trình này rất đông tuy nhiên do điều kiện cơ sở vật chất trường chưa cho phép nên không thể đáp ứng hết nhu cầu của người học.

Phụ huynh hiểu rõ quá trình học của con

Đến thời điểm này, hầu hết phụ huynh cho con theo học các lớp TATH lấy làm yên tâm khi quyết định cho con mình theo đuổi chương trình này. Bởi lẽ, đội ngũ giáo viên của chương trình thường xuyên đưa ra những lời góp ý và động viên, khen ngợi, cả bằng lời nói và bằng báo cáo học tập gửi cho phụ huynh. Đội ngũ giáo viên bản ngữ, giáo viên chủ nhiệm và nhân viên học vụ người Việt luôn gắn kết với phụ huynh bằng nhiều cách như trao đổi trực tiếp, qua điện thoại, email… với mục địch cuối cùng nhằm hướng đến phát triển khả năng tiếp thu của học sinh.

Học nhóm trong một buổi học chương trình tiếng Anh tích hợp
Học nhóm trong một buổi học chương trình tiếng Anh tích hợp

Vừa ra khỏi phòng họp phụ huynh, chị Nguyễn Thị Thảo Vi, mẹ bé Gia Khang học lớp 1/8 trường Tiểu học Tân Sơn Nhì (quận Tân Phú) khoe: “Mình vừa gặp cô giáo bản ngữ của con xong. Cô nhận xét con mình tiếp thu tốt, giao tiếp tốt giữa cô với bé và bé với bạn bè. Sau khi học với cô xong bé bảo muốn làm giáo viên dạy tiếng Anh, giúp cô hướng dẫn lại cho các bạn khác”.

Chị Vi cho biết cô giáo cũng nhận xét con chị còn hiếu động nên nhờ bố mẹ chia sẻ với cháu thêm. Chị cho biết mình hài lòng vì luôn bám sát được quá trình học của con bởi ngoài giáo viên bản ngữ, nhân viên học vụ cũng thường gọi trao đổi về sự tiến bộ hoặc những vấn đề của bé ở lớp.

Chị Thảo Vi cũng chia sẻ rằng học chương trình này con chị không có bài tập về nhà. “Có 1 số bài bé làm không hết trên lớp thì về nhà nhất dịnh không chịu bỏ, đòi làm cho được. Vì bài tập không hề nặng nề, có thể nghĩ nó như trò chơi trí tuệ vậy, tìm hình tìm chữ nên các con thích làm lắm. Nếu cho con học thêm tiếng Anh bên ngoài phải mất thêm 1-2 tiếng đưa đón nữa, đi về, ăn uống sẽ khá là mệt, con không còn sức để học nữa. Tôi thấy chương trình này phù hợp với con mình. Tới nay, bé chơi với bạn và khi gặp chị họ học trường quốc tế thì đã có thể trò chuyện với nhau bằng tiếng Anh”, phụ huynh này cho biết.

Thầy Daniel, giáo viên dạy lớp 6/2 trường THCS Trần Quốc Toản (quận 2) đánh giá rằng học sinh khối lớp 6 chương trình TATH luôn thể hiện sự tiến bộ đáng kể sau một năm tham gia chương trình. Sau thời gian tham gia chương trình, lượng từ vựng ở hai bộ môn Toán và Khoa học bằng tiếng Anh của các em ngày càng mở rộng, đồng thời kỹ năng nghe và nói tiếng Anh cũng tiến bộ hơn hẳn.

Nói thêm về phương pháp giảng dạy lấy học sinh làm trung tâm, thầy Daniel cho rằng điểm mấu chốt của phương pháp này chính là việc sử dụng hợp lý các hoạt động giảng dạy phân tầng kiến thức cũng như phân hóa học sinh theo trình độ. “Chẳng hạn như, khi dạy học sinh môn Toán, chúng tôi luôn bảo đảm rằng học sinh được tham gia các hoạt động khác nhau để có thể đáp ứng nhiều cách học khác nhau của học sinh, cũng như việc xây dựng kiến thức trên nền tảng kiến thức các em đã được học trước đó, đồng thời đưa ra những thách thức phù hợp giúp học sinh có cơ hội phát triển hơn nữa. Điều này bảo đảm rằng tất cả học sinh đều có thể tiếp thu bài học theo khả năng của mình cũng như các em có thể phát huy tối đa tiềm năng và thế mạnh cá nhân”, thầy Daniel lý giải.

Cũng theo thầy Daniel, mỗi năm học học sinh có 2 bài kiểm tra cuối kỳ và phụ huynh được báo cáo kết quả học tập của con em mình sau các kì kiểm tra đó. Ngoài ra, còn có các kì họp phụ huynh trực tiếp giữa mỗi cá nhân phụ huynh với giáo viên đứng lớp để trao đổi chi tiết về tình hình học tập của từng học sinh. Các học sinh cũng nhận được phản hồi cả bằng lời và bằng báo cáo học tập về sự tiến bộ của mình. Đội ngũ nhân viên học vụ người Việt cũng thường xuyên trao đổi với phụ huynh về tình hình học tập của học sinh để từ đó có sự phối hợp, điều chỉnh cho phù hợp.

Phương Phương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm