ĐH Oxford bác bỏ thông tin mở cơ sở ở Pháp
(Dân trí) - Trao đổi với CNBC hôm 20/2, Đại học Oxford bác bỏ thông tin rằng trường sẽ sớm phá luật 700 năm của mình và mở cơ sở đầu tiên ở nước ngoài nhằm né áp lực của việc vương quốc Anh rời liên minh châu Âu (Brexit).
Đại học Oxford cho CNBC biết là trường đã nhận một số “đề nghị có tính xây dựng và hữu ích” từ các đối tác kể từ khi nước Anh trưng cầu dân ý về Brexit, nhưng “chúng tôi, tuy nhiên, không theo đuổi mô hình cơ sở nước ngoài”.
Đây là phản ứng của Đại học Oxford sau khi các báo đưa tin rằng trường đang đàm phán với phía Pháp về triển vọng mở cơ sở ở Pháp.
Trước đó, một số báo đưa tin, trong lịch sử 700 năm của mình, Đại học Oxford chưa từng mở chi nhánh nước ngoài nhưng hiện nay trường này đang cân nhắc mở cơ sở nước ngoài đầu tiên vào thời điểm sau khi vương quốc Anh rời liên minh châu Âu EU.
Cựu Bộ trưởng Giáo dục Pháp, ông Jean-Michel Blanquer, xác nhận các quan chức và các trường của Pháp đang làm việc để đưa trường đại học đáng tôn kính nhất của vương quốc Anh đến Pháp. Ông này cũng cho biết phía Pháp cũng đã trao đổi với đại diện Trường Đại học Warwick của Anh về việc mở cơ sở ở Pháp.
Theo tờ The Daily Telegraph, Đại học Oxford đã được thông báo rằng một cơ sở như vậy sẽ tự động được hưởng vị thế pháp lý của Pháp và theo đó sẽ tiếp tục nhận trợ cấp của Liên minh châu Âu EU sau thời kỳ Brexit.
Nếu các kế hoạch giữa Oxford và những gì mà tờ The Daily Telegraph miêu tả là “những đại học hàng đầu” ở Pháp được thực hiện, thì việc xây dựng cơ sở mới của Đại học Oxford ở thủ đô nước Pháp sẽ có thể bắt đầu sớm nhất từ năm 2018.
Đến nay chưa có quyết định nào được đưa ra, nhưng một người phát ngôn của Đại học Oxford cho biết: “Trong lịch sử của mình Oxford luôn là một trường đại học quốc tế và trường quyết định duy trì sự mở cửa với thế giới bất kể viễn cảnh chính trị tương lai như thế nào.”
Khả năng mà Brexit có thể dẫn đến việc các đầu tư nghiên cứu của châu Âu rút khỏi các trường đại học vương quốc Anh được các nhà học giả miêu tả như một “thảm họa”.
Ngoài ra, các trường đại học Anh sợ rằng sự thiếu tiếp cận châu Âu sẽ khiến các trường trở nên kém hấp dẫn với các sinh viên và giảng viên tiềm năng.
Tháng trước, giáo sư Alastair Buchan đứng đầu đơn vị phụ trách về chiến lược Brexit của Đại học Oxford nhận định, đặt ở châu Âu nghĩa là trường có thể “chơi ở hàng đầu”.
Trao đổi với tờ The Daily Telegraph, cựu Bộ trưởng Giáo dục Pháp, ông Blanquer nói: “Ý tưởng này mang ý nghĩa biểu tượng, để nói rằng sau thời kỳ Brexit: “Chúng tôi muốn xây dựng những cây cầu và rằng đời sống học thuật không hoàn toàn phụ thuộc vào các vấn đề chính trị”.
“Chúng tôi muốn nói với các trường đại học Anh rằng: “đó có thể là trò chơi cùng thắng cho các bạn” - có các trường đại học chất lượng cao của vương quốc Anh mở cơ sở tại lãnh thổ của chúng tôi, phối hợp cùng nhau về nghiên cứu và hợp tác.
Chúng tôi đang ở giai đoạn đầu của tiến trình, như vậy khoảng đến năm 2018, chúng tôi sẽ ở vị thế đảm bảo được những điều này. Ý tưởng chính là được tài trợ của châu Âu thông qua việc hợp tác với các trường đại học của vương quốc Anh và châu Âu”.
Một người phát ngôn của Bộ Kinh doanh, Năng lượng và Chiến lược Công nghiệp Anh nói: “Vương quốc Anh có những trường đại học và viện nghiên cứu tốt nhất thế giới, và chúng tôi muốn đảm bảo những khả năng tốt nhất có thể cho nền tảng nghiên cứu của Anh khi rời EU.
Chúng tôi đã tiến hành các bước để cung cấp sự đảm bảo bằng việc cam kết tài trợ cho chương trình nghiên cứu Horizon 2020 trước khi vương quốc Anh rời EU và đặt khoa học và nghiên cứu ở trung tâm của Chiến lược Công nghiệp với khoản đầu tư bổ sung 2 tỷ bảng Anh mỗi năm, đồng thời tìm kiếm các mối hợp tác để tiếp tục phối hợp với đối tác châu Âu trong những sáng kiến lớn về khoa học, nghiên cứu và công nghệ”.
Xuân Vũ
Theo CNBC/Independent