Đề tài nghiên cứu mới của PGS Trường ĐH Ngoại thương cuốn hút sinh viên

(Dân trí) - Ngày 18/3, tại trường ĐH Ngoại thương Hà Nội đã diễn ra buổi tọa đàm “Cạnh tranh trung lập: những thách thức đặt ra đối với Việt Nam trong việc áp dụng”. Mặc dù là một đề tài rất mới nhưng lại thu hút được sự quan tâm của nhiều sinh viên ĐH Ngoại thương.

Tọa đàm có sự tham gia trình bày tham luận của chủ nhiệm đề tài - PGS, TS Tăng Văn Nghĩa - Trưởng khoa Sau đại học, trường ĐH Ngoại thương; GS, TS Wolfgang Wurmnest (Trường ĐH Tổng hợp Augsburg, CHLB Đức), ThS Tống Thị Minh Phương, Dự án hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của Châu Âu (EU- MUTRAP), cựu học viên khóa 1, chương trình Thạc sĩ Chính sách và Luật thương mại quốc tế, chương trình liên kết giữa trường ĐH Ngoại thương và trường ĐH Bern, Thụy Sỹ) và có sự tham gia thảo luận của đại diện một số cơ quan, tổ chức như SECO, Mutrap, Hội đồng Cạnh tranh, giảng viên và những người quan tâm.

PGS.TS Tăng Văn Nghĩa chia sẻ về những kết quả nghiên cứu khoa học
PGS.TS Tăng Văn Nghĩa chia sẻ về những kết quả nghiên cứu khoa học

PGS.TS Tăng Văn Nghĩa cho biết, Đề tài nghiên cứu khoa học trong khuôn khổ Dự án WTI/SECO “Xây dựng trung tâm năng lực khu vực về luật và chính sách thương mại tại Nam Phi, Peru và Việt Nam, Indonesia, Chile” giữa trường ĐH Ngoại thương và Viện Thương mại Thế giới (WTI), Bern, Thụy Sỹ.

“Competitive Neutrality” - Cạnh tranh trung lập là một xu hướng mới trong phát triển chính sách cạnh tranh ở nhiều nước trên thế giới và đặc biệt đang được nghiên cứu ứng dụng ở các nước đang phát triển.

“Khi Việt Nam tham gia vào TPP và nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, nhà nước phải duy trì môi trường cạnh tranh công bằng và bình đẳng cho mọi chủ thể tham gia thị trường. Với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, doanh nghiệp nhà nước chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế, nắm giữ lĩnh vực then chốt của nền kinh tế. Để duy trì môi trường cạnh tranh công bằng giữa khối doanh nghiệp Nhà nước và các doanh nghiệp dân doanh, các doanh nghiệp có nguồn vốn từ nước ngoài đòi hỏi tính trung lập trong cạnh tranh (Competitive Neutrality) phải được duy trì thông qua xây dựng khuôn khổ pháp lý phù hợp và hoạt động thực thi pháp luật cạnh tranh hiệu quả” - PGS.TS Tăng Văn Nghĩa nhấn mạnh.

GS.TS Wolfgang Wurmnest đánh giá cao về đề tài nghiên cứu của PGS ĐH Ngoại Thương
GS.TS Wolfgang Wurmnest đánh giá cao về đề tài nghiên cứu của PGS ĐH Ngoại Thương

Cũng theo PGS.TS Nghĩa thì nhóm nghiên cứu hy vọng đây là diễn đàn quan trọng để các nhà khoa học chia sẻ và thảo luận những vấn đề thiết thực về cạnh tranh trung lập và những vấn đề đặt khi triển khai áp dụng tại Việt Nam giúp cho nhóm nghiên cứu đạt được mục đích nghiên của đề tài.

Mặc dù đây là chủ đề mới, tuy nhiên nó đã được đón nhận rất tích cực từ phía học viên cao học, sinh viên của Trường ĐH Ngoại thương. Trên cơ sở những gợi ý, định hướng được đưa ra, nhiều học viên và sinh viên đã quan tâm, trong số đó đã có một số học viên, sinh viên chọn chủ đề này để đăng ký đề tài và bắt đầu thực hiện trong luận văn và khóa luận.

Nhiều người tham dự tọa đàm cũng cho rằng, đây là sự lựa chọn mạnh dạn vì chủ để này hầu như chưa có nghiên cứu cơ bản tại Việt Nam. Kết quả nghiên cứu kỳ vọng sẽ mở ra một hướng nghiên cứu mới cho môi trường học thuật tại Trường ĐH Ngoại thương có thể tiếp cận tốt các vấn đề mới liên quan đến cạnh tranh trung lập.

Nguyễn Hùng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm