Đà Nẵng: Hàng ngàn học sinh tưởng niệm nhà yêu nước Phan Châu Trinh

(Dân trí) - Ngày 24/3, tại Đà Nẵng, hàng ngàn học sinh đã dự lễ tưởng niệm 90 năm Ngày cả nước để tang nhà yêu nước Phan Châu Trinh (24/3/1926 - 24/3/2016).

Video: Học sinh Đà Nẵng dâng hương tưởng niệm nhà yêu nước Phan Châu Trinh

Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động cùng chủ đề “Ngày hội Sử học Đà Nẵng 2016” do Sở Giáo dục - Đào tạo Đà Nẵng phối hợp Ban Tuyên giáo Thành ủy, Hội Khoa học Lịch sử, Thành Đoàn Đà Nẵng tổ chức.

Đà Nẵng: Hàng ngàn học sinh tưởng niệm nhà yêu nước Phan Châu Trinh - 1

Lễ dâng hương tưởng niệm trước tượng đài nhà yêu nước Phan Châu Trinh tại ngôi trường mang tên ông ở Đà Nẵng
Lễ dâng hương tưởng niệm trước tượng đài nhà yêu nước Phan Châu Trinh tại ngôi trường mang tên ông ở Đà Nẵng

Trò chuyện cùng các học sinh Đà Nẵng về nhà yêu nước Phan Châu Trinh, ông Bùi Văn Tiếng - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng nhấn mạnh rằng nhà yêu nước Phan Châu Trinh có vị trí đặc biệt trong lịch sử Quảng Nam - Đà Nẵng không chỉ vì ông sinh ra ở đất Quảng Nam, mà còn vì tên ông gắn với liền với lịch sử đất và người xứ Quảng, là “kiến trúc sư trưởng” của phong trào Duy Tân ở Quảng Nam. Nhà yêu nước Phan Châu Trinh là một hiện tượng đặc biệt trong lịch sử nước ta, như Bác Hồ từng viết rằng “trong lịch sử An Nam chưa hề được chứng kiến một sự kiện to lớn như vậy bao giờ” khi nói về sự kiện lần đầu tiên có một người không phải là nguyên thủ quốc gia mà khi qua đời lại được cả nước để tang là nhà yêu nước Phan Châu Trinh.

Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày cả nước để tang nhà yêu nước Phan Châu Trinh tại Đà Nẵng
Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày cả nước để tang nhà yêu nước Phan Châu Trinh tại Đà Nẵng

Hàng ngàn học sinh lắng nghe chuyện kể về nhà yêu nước Phan Châu Trinh
Hàng ngàn học sinh lắng nghe chuyện kể về nhà yêu nước Phan Châu Trinh

Nhà yêu nước Phan Châu Trinh qua đời năm 1926 là một sự kiện có ý nghĩa thức tỉnh tâm hồn, tư duy của người dân trong cả nước với khẩu hiệu của phong trào Duy Tân: “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” mà cho đến ngày nay, đã qua hàng thế kỷ, khẩu hiệu này vẫn còn nguyên tính thời sự trong thực tiễn xây dựng và phát triển đất nước.

Với lớp lớp học trò xứ Quảng nói riêng và cả nước nói chung, nhà yêu nước Phan Châu Trinh là tấm gương sáng cho tinh thần tự học, thực học thực tài, coi trọng việc học, sự hiểu biết như là một “kim chỉ nam” dẫn đường cho mọi hành động và sự nghiệp của cả đời người.

“Trong xã hội mà chúng ta vẫn đang âu lo về “bệnh” thành tích, tâm lý “sính” bằng cấp ngày nay thì phong trào thực học, thực tài mà cụ Phan Châu Trinh là người khởi xướng từ cách đây hàng trăm năm vẫn còn nguyên tính thời sự và giá trị trong thực tiễn” - ông Bùi Văn Tiếng nói.

Em Đặng Trần Tú Uyên, học sinh THPT Phan Châu Trinh (Đà Nẵng) cùng hàng ngàn bạn học cùng trang lứa dự lễ tưởng niệm nhà yêu nước gắn liền với lịch sử đất và người Quảng Nam - Đà Nẵng trân trọng bày tỏ: “Được học ở ngôi trường mang tên nhà yêu nước Phan Châu Trinh với chúng em là một niềm tự hào. Tấm gương của một nho sĩ học cao, hiểu rộng, một nhà cách mạng, một nhà văn hóa với nhân cách thanh bạch như cụ Phan Châu Trinh luôn là tấm gương sáng để lớp lớp học trò hôm qua, hôm nay và mai sau noi nguyện học tập và phấn đấu rèn luyện, noi theo tấm gương nhà yêu nước Phan Châu Trinh”

Phan Châu Trinh (1872 - 1926) quê ở xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam. Ông là nhà cách mạng xã hội, nhà văn hóa, một tấm gương sáng trong phong trào Duy Tân đầu thế kỷ XX. Suốt đời gắn bó và cống hiến hết mình vì vận mệnh dân tộc, ông xứng đáng để hậu thế ngưỡng mộ và noi theo. Ông là người nổi tiếng thông minh và hay chữ, “đọc sách có con mắt riêng”, “làm văn tạo xuất cách mới, không làm theo lối tìm câu bắt chữ”.

9 tuổi mới được đến trường học, đến năm 28 tuổi, Phan Châu Trinh đỗ Cử nhân. 29 tuổi, ông đỗ Phó bảng.

Năm 1902, ông được triều đình nhà Nguyễn bổ nhiệm làm Thừa Biện Bộ Lễ nhưng ông đã sớm từ quan 2 năm sau đó. Cùng với Huỳnh Thúc Khánh và Trần Quý Cáp, Phan Châu Trinh vận động duy tân ở Quảng Nam với 3 mục tiêu: khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh.

Năm 1907, Phan Châu Trinh đẩy mạnh cuộc vận động duy tân ở Quảng Nam với trọng tâm là phát triển giáo dục. Năm 1908, ông bị thực dân Pháp bắt đày ra Côn Đảo khi tham gia phong trào đòi giảm sưu thuế ở Quảng Nam lan rộng khắp Trung Kỳ thời bấy giờ.

Năm 1911, Phan Châu Trinh được trả tự do rồi sang Pháp hoạt động. Năm 1920, Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn An Ninh và Nguyễn Thế Truyền hình thành nhóm “Ngũ Long” - nhóm những người Việt Nam yêu nước tại Pháp.

Năm 1925, Phan Châu Trinh về nước, đón nhận sự chào đón nồng nhiệt của nhân dân, nhất là học sinh Sài Gòn thời bấy giờ. Do sức khỏe suy giảm, ngày 24/3/1926, Phan Châu Trinh từ trần. Khắp cả nước, từ Nam ra Bắc, để tang Phan Châu Trinh. Đám tang và Lễ truy điệu Phan Châu Trinh trở thành cuộc vận động ái quốc rộng lớn.

Đám tang vĩ đại của Phan Châu Trinh xứng đáng với người đã đánh thức tư tưởng và ý chí của nhân dân về một cuộc thay đổi căn bản hồn dân tộc để có thể sống còn và phát triển cùng nhân loại năm châu trong thời đại mới

Khánh Hiền