“Con còn bé thế, đi học ai nuôi con cho”

(Dân trí) - Khi được hỏi có muốn đi học lại không, cô bé gật đầu. Hỏi anh chồng có cho vợ đi học không, anh chàng ngần ngại: “Con còn bé thế, đi học ai nuôi con cho”. Có lẽ giấc mơ trở lại trường của cô bé cũng chỉ dừng lại ở đây khi trách nhiệm của một người mẹ, người vợ, người con dâu và là lao động chính trong nhà đè nặng lên đôi vai...

Tình trạng học sinh bỏ học ở Nghệ An đã có sự “dịch chuyển” từ miền núi xuống vùng biển và thành phố, từ cấp tiểu học sang cấp THPT. Chỉ một số hạn hữu các em bỏ học để đi học nghề, số còn lại bỏ học chủ yếu do hoàn cảnh khó khăn hoặc lập gia đình hay vì học lực yếu.

Học sinh miền núi bỏ học lấy chồng, lấy vợ

Kết thúc kỳ nghỉ Tết nguyên đán vừa qua, Già Y Xì (lớp 12A, Trường THPT Kỳ Sơn, Nghệ An) xin giáo viên chủ nhiệm nghỉ ít ngày để làm vía. Tuy nhiên, mãi không thầy Xì đến lớp, thầy giáo Thái Tài Thủy - chủ nhiệm lớp hỏi thì được biết cô học trò của mình đã đi lấy chồng. Nhà chồng ở mãi Sơn La nên Xì cũng bỏ học luôn. Tiếc cô học trò có sức học khá, ngoan nhưng thầy Thủy cũng không biết làm sao được.

Cùng trường với Già Y Xì có cô bạn Lỳ Y Hương (lớp 11V). Đợt nghỉ Tết vừa rồi Xì cũng không quay trở lại trường. Các thầy cô giáo tìm đến nhà thì mới hay Hương đã đi lấy chồng. Nhà chồng Hương ở gần nhà, bố mẹ cũng không đến nỗi khó khăn nhưng lấy chồng, bao nhiêu bổn phận đè nặng trên đôi vai, Hương nghỉ học luôn. Hơn nữa, Hương sợ đến trường sợ bạn bè trêu chọc.

Đang học lớp 11 thì bỏ học lấy chồng, sinh con nên dẫu muốn Và Y Hùa dường như không còn cơ hội quay lại trường.
Đang học lớp 11 thì bỏ học lấy chồng, sinh con nên dẫu muốn Và Y Hùa dường như không còn cơ hội quay lại trường.

Theo số liệu của Ban giám hiệu Trường THPT Kỳ Sơn cung cấp thì từ sau Tết Nguyên đán vừa rồi có 10 học sinh nghỉ học, từ đầu năm tới nay là 50 em. Nguyên nhân các em bỏ học chủ yếu là do hoàn cảnh khó khăn, nghe lời dụ dỗ “đi công ty”, theo gia đình di cư trái phép sang Lào. Đặc biệt là số lượng các em bỏ học vì lập gia đình chiếm tỷ lệ khá lớn, đặc biệt là ở các xã vùng biên, các xã vùng cao như Keng Đu, Mường Lống, Huồi Tụ, Đọoc Mạy, Na Ngoi… Có em viết đơn xin nghỉ học hoặc do phụ huynh viết hộ, có em bỏ ngang, không thông báo qua nhà trường. Có em nghỉ học luôn, cũng có em xin nghỉ học một thời gian thì quay lại học nhưng phần lớn đã lập gia đình là không quay trở lại trường nữa.

Tôi gặp vợ chồng Lầu Bá Chò, Và Y Hùa (ở xã Na Ngoi, Kỳ Sơn) khi cô vợ mới sinh con được gần 1 tháng. Anh chồng học hết 12 còn cô vợ đang học lớp 11 thì nghỉ để làm đám cưới. Dù vẫn thích đi học lắm nhưng lấy chồng rồi mang bầu, sinh con luôn nên cô bé Hùa cũng không có cơ hội quay trở lại trường.

Hỏi có muốn đi học lại không? Cô bé gật đầu. Hỏi anh chồng có cho vợ đi học không? Anh chàng ngần ngại: “Con còn bé thế, đi học ai nuôi con cho”. Có lẽ giấc mơ trở lại trường của cô bé cũng chỉ dừng lại ở đây khi trách nhiệm của một người mẹ, người vợ, người con dâu và là lao động chính trong nhà đè nặng lên đôi vai.

Hoàn cảnh khó khăn, sức học yếu, phong tục lạc hậu khiến nhiều học sinh miền núi không thể theo hết chương trình THPT (trong ảnh là các em học sinh lớp 10, Trường THPT Quỳ Hợp 3 (huyện Quỳ Hợp) mượn sách cho năm học mới).
Hoàn cảnh khó khăn, sức học yếu, phong tục lạc hậu khiến nhiều học sinh miền núi không thể theo hết chương trình THPT (trong ảnh là các em học sinh lớp 10, Trường THPT Quỳ Hợp 3 (huyện Quỳ Hợp) mượn sách cho năm học mới).

Cô Từ Thị Vân – Hiệu trưởng Trường THPT Quế Phong cho biết, kết thúc học kỳ 1 có 15 em học sinh bỏ học. Ra Tết Nguyên đán vừa rồi có thêm 5 em học sinh không quay trở lại trường. Nguyên nhân của tình trạng bỏ học vẫn là do hoàn cảnh khó khăn hoặc bỏ học lấy vợ, lấy chồng. “Tình trạng tảo hôn là 1 hủ tục vẫn còn tồn tại ở đồng bào các dân tộc trên này, đặc biệt các em học sinh người Mông. Do quan niệm hoặc cần người lao động nên phụ huynh thường cho con em mình lấy chồng, lấy vợ sớm, hơn nữa một phần cũng do ý thức của chính các em. Phần lớn các em học sinh bỏ học lấy chồng, lấy vợ đều có học lực trung bình, không muốn nói là yếu”, Hiệu trưởng Trường THPT Quế Phong cho hay.

Học sinh miền xuôi bỏ học đi kiếm việc làm

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ thì đến thời điểm này toàn tỉnh Nghệ An có hơn 500 học sinh bậc THPT bỏ học. Bên cạnh các trường miền núi thì một số trường thuộc địa bàn đồng bằng, miền biển có số lượng học sinh bỏ học khá lớn như THPT Bắc Quỳnh Lưu (14 em), THPT Cù Chính Lan, Nguyễn Đức Mậu – huyện Quỳnh Lưu (16 em); Ngô Trí Hòa, Nguyễn Du (huyện Diễn Châu) mỗi trường 30 em; tại Tp. Vinh tình trạng bỏ học xảy ra ở các trường THPT dân lập như Nguyễn Trường Tộ (22 em), THPT VTC và THPT Nguyễn Huệ (24 em).

Trung bình mỗi năm Trường THPT Quỳnh Lưu 3 có khoảng 30 học sinh bỏ học giữa chừng, hơn 1 nửa số đó là con em ngư dân nghỉ học theo thuyền đi đánh cá.
Trung bình mỗi năm Trường THPT Quỳnh Lưu 3 có khoảng 30 học sinh bỏ học giữa chừng, hơn 1 nửa số đó là con em ngư dân nghỉ học theo thuyền đi đánh cá.

Trường THPT Nam Đàn 2 (huyện Nam Đàn, Nghệ An) kết thúc học kỳ 1 vừa qua có 3 học sinh nghỉ học giữa chừng. Theo thầy Lê Văn Quyền – Hiệu trưởng nhà trường thì trong 3 em có 1 em nghỉ học do hoàn cảnh khó khăn, 1 em học lực yếu, học sinh còn lại là do mê chơi điện tử, gia đình xin cho nghỉ học 1 năm để dễ quản lý và giúp em “cai nghiện game”.

Trường THPT Quỳnh Lưu 3 (huyện Quỳnh Lưu) mỗi năm có khoảng 30 em bỏ học giữa chừng, trong đó có khoảng 2/3 là con em ngư dân. Các em nghỉ học để đi biển phụ giúp cha mẹ. Chính bố mẹ là người khuyến khích con cái nghỉ học hoặc “trao” quyền quyết định cho con. Thậm chí có em học sinh nghỉ học vì… thích chứ hoàn toàn chưa có định hướng về tương lai của mình.

Thầy giáo Nguyễn Đình Phượng – Hiệu trưởng Trường THPT Quỳnh Lưu 3 trăn trở: “Đáng buồn là học sinh nghỉ học không phải là do học lực yếu. Nếu không có sự định hướng rõ ràng từ phía gia đình thì việc bỏ học này sẽ ảnh hưởng lâu dài đến chính cuộc sống của các em”.

Nhiều giải pháp kéo các em trở lại trường

Để giảm bớt tình trạng học sinh nghỉ học sau Tết, huyện Quỳnh Lưu đã thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt như đưa tiêu chí đánh giá hội viên, các tổ chức, các gia đình, tiêu chí xây dựng nông thôn mới... gắn với việc học sinh bỏ học; phối hợp với các Đồn biên phòng kiểm tra hoạt động đi biển, kiên quyết không cho người đủ 18 tuổi tham gia các chuyến ra khơi đánh bắt hải sản…

Cô Từ Thị Vân – Hiệu trưởng Trường THPT Quế Phong cho biết: “Trước đây, có những năm số học sinh bỏ học giữa chừng lên tới vài trăm em nhưng những năm gần đây chỉ còn vài chục em. Ngay từ đầu năm học chúng tôi đã giao cho giáo viên chủ nhiệm, các tổ chức đoàn thể trong trường tìm hiểu, nắm bắt tâm tư của các em học sinh, đặc biệt là các em có nguy cơ bỏ học giữa chừng.

Các em học sinh Trường THPT Quỳ Hợp 3 được mượn sách giáo khoa tại thư viện của trường trong suốt 3 năm học.
Các em học sinh Trường THPT Quỳ Hợp 3 được mượn sách giáo khoa tại thư viện của trường trong suốt 3 năm học.

Hiện tại không còn thực hiện chế độ bán trú nên nhà trường cho học sinh ở xa mượn phòng ở, giao cho đoàn thanh niên dạy phụ đạo miễn phí cho các em có học lực yếu, giúp đỡ các em trong cuộc sống. Bên cạnh đó, trong các cuộc họp phụ huynh hay tiếp xúc, vận động, thuyết phúc, giúp phụ huynh hiểu đúng hơn về việc học của con em mình… Ban giám hiệu, các tổ chức đoàn thể vận động kêu gọi các suất học bổng giành cho các em có hoàn cảnh khó khăn có thành tích học tập tốt để động viên các em kịp thời”.

Trường THPT Quỳ Hợp 3 (Quỳ Hợp, Nghệ An) có tới 80% học sinh của trường là con em đồng bào dân tộc thiểu số Thái, Thổ. Thầy Nguyễn Minh Đạt - Hiệu trưởng trường THPT Quỳ Hợp 3 thẳng thắn: “Phần lớn các em học sinh đều bị hổng kiến thức từ những năm cấp 1, cấp 2. Bản tính học sinh miền núi còn rụt rè, tự ti, thiếu phương pháp học, không có ý thức tự học, thiếu kỹ năng, kiến thức thực tế và xử lý tình huống. Tình trạng này nếu kéo dài, giáo viên và nhà trường không quan tâm, khi học càng lên cao càng khó, học sinh sẽ có tâm lý chán nản, không muốn học, dẫn đến bỏ học”.

Bên cạnh quan tâm sâu sát đến các em học sinh, lãnh đạo trường cũng phải đối mặt với tình trạng học sinh nghỉ học giữa chừng. Tuy nhiên, đồng bào Thái lại có phong tục cưới nhỏ trước sau đó mới làm đám cưới chính thức. Khi làm đám cưới chính thức thì các cặp đôi mới trở thành vợ chồng. Bởi vậy, mỗi khi có học sinh nghỉ học để làm đám cưới nhỏ thì lãnh đạo nhà trường, giáo viên chủ nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương đến tận nhà vận động để các em tiếp tục đến trường, đợi đủ tuổi mới tổ chức đám cưới chính và khi đó mới được đăng kí kết hôn tại trụ sở UBND xã. Tuy nhiên, không phải học sinh nào làm đám cưới nhỏ rồi cũng có thể vượt qua mặc cảm, sự e ngại để tiếp tục đến trường.

Xem ra, “cuộc chiến” kéo học sinh THPT tại Nghệ An ở lại trường vẫn còn lắm cam go.

Hoàng Lam